Đà Nẵng: Đưa giáo dục kỹ năng phòng chống tai nạn, đuối nước vào nhà trường
Ngày 18/10, Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng cho hay, UBND TP Đà Nẵng vừa có Chỉ thị 09/CT-UBND yêu cầu các sở, ngành và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em.
Theo Chỉ thị 09/CT-UBND, thực hiện Quyết định 234/QĐ-TTg ngày 5/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện có kết quả công tác phòng, chống tai nạn, thương tích đối với trẻ em.
Tuy nhiên, tình hình tai nạn thương tích, đuối nước của trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, môi trường sống của trẻ em ở gia đình, nhà trường, cộng đồng một số nơi chưa thật sự an toàn, nguy cơ gây tai nạn, thương tích vẫn còn tiềm ẩn.
Bể bơi di động do Tổ chức Cứu tế Thế giới - Úc (AOGWR) tài trợ vừa được đưa vào hoạt động tại trường tiểu học Lê Văn Hiến (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)
Để khắc phục tồn tại nêu trên, tăng cường và chủ động thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em trên địa bàn trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng và bản thân trẻ em về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.
Sở GD-ĐT đưa nội dung giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước vào các hoạt động trường, lớp, Đoàn, Đội; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trước hết là các trường phổ thông rà soát nội dung chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường, đặc biệt chú ý hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh, ứng phó các trường hợp tai nạn, gây thương tích (như cháy nổ, hỏa hoạn, bão, lũ…).
Đồng thời chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao đẩy mạnh việc tổ chức dạy bơi, học bơi cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn TP.
Sở Văn hóa - Thể thao tăng cường quản lý các công trình văn hóa, thể thao, các khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em; kiểm tra, xử lý các công trình TDTT, vui chơi giải trí không đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật.
Sở GT-VT chủ trì, phối hợp tổ chức thanh, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các phương tiện giao thông, nhất là phương tiện giao thông thủy chở khách du lịch; xử lý nghiêm các phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện về an toàn theo quy định của pháp luật.
Sở Du lịch tổ chức kiểm tra, xử lý các khu du lịch không đảm bảo an toàn cho trẻ em; chủ trì, phối hợp rà soát, lắp đặt biển báo ở những khu vực nguy hiểm tại các điểm du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em; yêu cầu các đơn vị lữ hành chấp hành nghiêm quy định trẻ em phải mang áo phao khi tham gia dịch vụ trong môi trường nước.
Các Sở Xây dựng, TN-MT, NN-PTNT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức kiểm tra, rà soát, sửa chữa, lắp đặt lại toàn bộ các biển cảnh báo nguy hiểm tại các công trình xây dựng, ao, hồ, đập, sông, cầu, cống và những nơi có nguy cơ gây tai nạn đuối nước trẻ em. Đồng thời kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Trng khi đó, UBND các quận, huyện, xã, phường được yêu cầu tổ chức rà soát, lắp đặt các hệ thổng biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm, khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra đuối nước trẻ em trên địa bàn theo thẩm quyển; tổ chức hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ em phù hợp với điều kiện địa phương.