“Cuộc chiến” giành thí sinh
Thống kê cho thấy điểm thi THPT quốc gia năm nay thấp hơn nhiều so với năm trước nên cuộc cạnh tranh vào các trường tốp giữa sẽ trở nên rất căng thẳng
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), phổ điểm trung bình của các môn thi THPT quốc gia năm nay là từ 4,5-6 điểm (năm 2015 là từ 5-7 điểm), riêng môn ngoại ngữ cực thấp, chỉ đạt trung bình 3,3 điểm.
Lo thiếu nguồn tuyển
Với mức điểm thấp này, cộng với số thí sinh dự thi năm nay giảm mạnh (tổng số thí sinh đăng ký xét ĐH-CĐ năm 2016 là 601.267 thí sinh, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh rất cao - riêng hệ ĐH là hơn 420.000) đã khiến các chuyên gia tuyển sinh dự báo cuộc chiến giành thí sính của các trường tốp giữa sẽ rất khốc liệt.
Dự báo về mức điểm trúng tuyển năm nay, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, cho rằng tuy phổ điểm năm nay tương đương năm 2015 nhưng số học sinh dự thi ít hơn năm ngoái nên mức điểm trúng tuyển của nhiều trường dự kiến sẽ giảm 0,5 điểm.
Một chuyên gia tuyển sinh của Trường ĐH Thủy lợi nhận định trường tốp trên như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân… sẽ không phải lo nghĩ nhiều về nguồn tuyển do đã có thương hiệu riêng, thí sinh sẽ dồn về đây.
Tuy nhiên, các trường tốp giữa, đặc biệt là nửa cuối của tốp giữa, sẽ cạnh tranh rất gay gắt. Với phổ điểm tập trung ở mức 4,5-6 điểm thì rõ ràng nhóm trường tốp giữa sẽ cạnh tranh rất khốc liệt trong việc thu hút thí sinh. Đặc biệt, nếu ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào vẫn giữ như năm 2015 là 15 điểm thì nguồn tuyển còn khó khăn hơn nữa.
Chưa hết, với quy định xét tuyển ở đợt xét tuyển đầu tiên là mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển 2 trường, mỗi trường 2 ngành thì con số ảo là 50%. Nếu trường nào không có thương hiệu, sức hút thì dự kiến sẽ rất vất vả trong việc lôi kéo thí sinh. Tương lai cho các trường ĐH vùng, ĐH ngoài công lập lại càng ảm đạm vì thí sinh đã bị các trường tốp dưới hút hết với mức điểm xét tuyển có thể chỉ bằng điểm sàn.
Trường ĐH Công đoàn ngày 25-7 cho biết nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh đạt từ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT trở lên, không có môn thi nào trong tổ hợp môn xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống. Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2.
Trường ĐH Hà Nội, một trong những trường “hot” của thủ đô, cũng cho hay sẽ nhận hồ sơ của thí sinh đạt 15 điểm trở lên (thang điểm 10, chưa nhân hệ số).
Khối y dược, kinh tế điểm chuẩn vẫn cao
Trong khi đó, mức điểm chuẩn dự kiến của các trường tốp trên, trường khối y dược, kinh tế… vẫn sẽ cao. Trường ĐH Ngoại thương cho biết mức điểm thấp nhất để thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển là 18 điểm đối với cơ sở Quảng Ninh, 22 điểm khối A và 20,5 điểm khối A1, D1, D2, D3, D4, D6 đối với cơ sở Hà Nội và cơ sở 2 TP HCM. Điều kiện để thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển là đã tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương); có điểm trung bình chung học tập từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên; hạnh kiểm khá trở lên. Theo nhận định ban đầu, nhiều khả năng dự kiến điểm chuẩn vẫn sẽ tương đương như năm ngoái, điểm chuẩn ngành kinh tế ở mã tổ hợp A00 là 27,25, mức điểm thấp nhất để trúng tuyển vào trường là 24,5.
Thí sinh tìm hiểu thông tin chỉ tiêu xét tuyển vào ĐH năm 2016 Ảnh: Tấn Thạnh
Một cán bộ tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết dựa trên phổ điểm thấp hơn năm trước của thí sinh, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường vẫn giữ ổn định, trường dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ giảm nhẹ so với năm trước. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cũng khẳng định nhóm các ngành “hot” của trường như kế toán, tài chính - ngân hàng, kinh tế đầu tư, kinh tế quốc tế dự kiến điểm trúng tuyển được sẽ tương đối cao….
Tư vấn thêm về việc chọn trường, chọn ngành, ông Trần Văn Nghĩa khuyên các thí sinh phải cân nhắc cẩn thận khi nộp hồ sơ. Hai căn cứ để các thí sinh cân nhắc chọn trường là nguyện vọng (thích ngành nào, năng lực phù hợp ngành nào) và điểm số của mình.
“Một ngành có rất nhiều trường, điểm xét tuyển khác nhau nên các em phải căn cứ vào kết quả thi của mình để chọn trường phù hợp. Cơ sở quan trọng mà các em có thể tham khảo được để đăng ký xét tuyển thành công là điểm trúng tuyển năm ngoái của các ngành” - ông Nghĩa lưu ý.
Chỉ tiêu đào tạo ĐH chính quy 2016 là 420.354 Chiều 25-7, Bộ GD-ĐT đã công bố tổng hợp chỉ tiêu đào tạo ĐH hệ chính quy cả nước theo vùng miền và từng cơ sở giáo dục đại học khối dân sự (thống kê này chưa bao gồm các trường thuộc ngành công an, quân đội). Theo đó, chỉ tiêu đào tạo ĐH hệ chính quy năm 2016 là 420.354. Trong đó, nhiều nhất là khối ngành V: toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản, thú y (135.327 chỉ tiêu); khối ngành III: kinh doanh và quản lý, pháp luật (134.594 chỉ tiêu); khối ngành VII: nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng (75.318 chỉ tiêu)…; khối ngành II: nghệ thuật (5.422 chỉ tiêu). Để bảo đảm chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục ĐH không được tuyển vượt quá chỉ tiêu này. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ xử lý các cơ sở giáo dục ĐH tuyển vượt chỉ tiêu và chủ tịch hội đồng tuyển sinh. |