Cử tuyển: Khó tuyển, khó đào tạo!
Bộ GDĐT vừa có thông báo giao chỉ tiêu cử tuyển cho các địa phương và các trường đại học. “Mùa” cử tuyển mới lại đến với những lo lắng cũ về chất lượng sinh viên.
Khó tuyển
Cử tuyển là chế độ tuyển sinh không qua thi tuyển vào ĐH, CĐ, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ trình độ ĐH, CĐ.
Ngày 26/8, Sở GDĐT Sóc Trăng cho biết, căn cứ quy định chế độ cử tuyển, năm 2012 đơn vị này sẽ xét cử tuyển 151 sinh viên. Đối tượng xét tuyển là học sinh có hộ khẩu thường trú đủ 5 năm liên tục trở lên (tính đến ngày 30/9/2012) tại các xã khó khăn, ưu tiên xét cử tuyển học sinh là người dân tộc Khmer; xếp loại học lực 3 năm cấp III đạt loại trung bình trở lên đối với học sinh là người dân tộc thiểu số và loại khá trở lên đối với học sinh là người dân tộc Kinh; không quá 25 tuổi tính đến năm tuyển sinh... 151 sinh viên này sẽ theo học ở 8 trường, trong đó nhiều nhất là Trường ĐH Cần Thơ (62 chỉ tiêu); Trường ĐH Y dược Cần Thơ (39 chỉ tiêu).
Nhiều ý kiến cho rằng, bác sĩ là nghề liên quan đến tính mạng con người vì vậy không nên... cử tuyển (ảnh minh hoạ). Ảnh: K.A
Bộ GDĐT năm nay giao tỉnh Ninh Thuận 15 chỉ tiêu cử tuyển đại học chính quy gồm: 5 chỉ tiêu ngành luật kinh tế và luật dân sự, Trường ĐH Luật TPHCM; chỉ tiêu 5 ngành chăn nuôi và bác sĩ thú y Trường ĐH Nông lâm TPHCM; 5 chỉ tiêu ngành hành chính, học viện hành chính - cơ sở phía nam.
Năm 2012, tỉnh Bắc Cạn tuyển sinh 23 chỉ tiêu hệ cử tuyển vào các trường đại học trong toàn quốc. Tiêu chuẩn tuyển sinh: Tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT (hoặc trung cấp), xếp loại hạnh kiểm năm cuối cấp (hoặc xếp loại rèn luyện năm cuối khoá) đạt loại khá trở lên; xếp loại học tập năm cuối cấp đạt trung bình trở lên đối với người dân tộc thiểu số và loại khá trở lên đối với người dân tộc Kinh... Hạn nộp hồ sơ: Từ ngày 28/8 đến hết ngày 11/9.
Theo Bộ GDĐT, hàng năm bộ dự kiến khoảng 4.000 chỉ tiêu cử tuyển. Mặc dù điều kiện tuyển sinh khá thuận lợi - sinh viên không phải qua thi tuyển - nhưng các tỉnh chỉ đăng ký và thực hiện khoảng 3.000 chỉ tiêu/năm. Trong 5 năm từ 2007 - 2011 đã có 11.300 sinh viên vào các trường ĐH, CĐ theo diện cử tuyển, đạt 85% kế hoạch.
Khó đào tạo
Về cơ cấu ngành nghề, tổng hợp từ kết quả tuyển sinh cử tuyển của các địa phương và các cơ sở đào tạo cho thấy cử tuyển đối với nhóm ngành sư phạm chiếm tỉ lệ cao nhất (26,3%), sau đó là ngành y (24,8%), kinh tế (17,3%), nhóm ngành kỹ thuật (15,5%) và cuối cùng là nhóm ngành nông lâm (11,2%).
Tuy nhiên, với hai ngành có tỉ lệ bố trí cử tuyển nhiều nhất là y dược và sư phạm, thì lãnh đạo các trường này tỏ ra khá lo lắng về chất lượng sinh viên cử tuyển. Trường ĐH Y Hà Nội - trường danh tiếng nhất cả nước về đào tạo y - không nhận sinh viên cử tuyển.
Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết lý do là để đảm bảo chất lượng đào tạo. Nhưng không phải trường nào cũng có quyền từ chối sinh viên cử tuyển. Ông Lương Xuân Hiến, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Thái Bình nhận xét: “Chất lượng cử tuyển rất kém nên chúng tôi rất khó khăn trong đào tạo. Dạy thêm học thêm đều có nhưng cuối cùng thì kém vẫn là kém”.
Lãnh đạo một trường ĐH khối y dược khu vực phía nam thẳng thắn cho biết, ông không muốn đào tạo hệ này vì không có chất lượng, mà muốn có chất lượng cũng không được vì không thể bổ đầu sinh viên để nhét kiến thức vào. “Nghề y là nghề nắm giữ trong tay sinh mạng con người. Một bác sĩ nội trú học 9 năm chưa chắc đã được việc ngay, vì vậy đào tạo ngành y phải có sàng lọc từ đầu, phải là những sinh viên giỏi, học hành tử tế, có chuyên môn tốt và thực hành liên tục để nâng cao kiến thức. Đáng lẽ các địa phương cần có một chuẩn nhất định khi tuyển sinh viên vào trường y, chứ nếu cứ như hiện nay sẽ cho ra lò những bác sĩ “nguy hiểm”.
Đối với nhóm ngành sư phạm - chiếm tỉ lệ cao nhất trong cơ cấu ngành nghề đào tạo cử tuyển - cũng khiến nhiều người lo lắng về “chất lượng sản phẩm” khi những sinh viên theo học sẽ trở thành giáo viên để giảng dạy cho những lứa học trò khác. Một cựu sinh viên cử tuyển của tỉnh Lạng Sơn, học khoa Sư phạm Lý Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tâm sư: "Em thật sự cảm thấy mệt mỏi trong thời gian theo học đại học. Vì học cùng các bạn thi chính quy, có nền tảng tốt hơn, nên thời gian lên lớp luôn luôn là “cực hình”, thi trượt, thi lại cũng nhiều. Cố gắng rồi cũng có cái bằng, nhưng bây giờ đứng lớp em vẫn không thật sự tự tin".