Cử nhân vác lúa, bán hàng thuê chờ việc
Tốt nghiệp ĐH, không ít cử nhân chưa kịp vui đã tỏ ra hoang mang trước nguy cơ thất nghiệp. Có những cử nhân hăm hở đi xin việc và chờ đợi mỏi mòn....
Đỏ mắt tìm việc
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước đứng trên bờ vực phá sản, các công ty thu hẹp sản xuất, kinh doanh, cắt giảm nhân sự, hoạt động cầm chừng. Mỗi năm cả nước lại có hàng ngàn sinh viên ra trường, dự báo “cơn bão thất nghiệp” khiến cuộc chạy đua việc làm trở nên gay gắt, khốc liệt hơn bao giờ hết.
Đã hơn 1 năm nay, tấm bằng cử nhân kinh tế của Nguyễn Thanh Vân (quê Hưng Yên) nằm gọn lỏn trong hộc bàn, cũng từ lâu cô bạn chẳng còn hào hứng ôm ấp, ngắm nghía nó như ngày đầu mới tốt nghiệp.
Vân không thể đếm nổi mình đã rải bao nhiêu bộ hồ sơ đến các công ty, có thời gian cả tháng trời ròng rã đi phỏng vấn, thi tuyển vào các vị trí từ nhân viên kinh doanh tới kế toán doanh nghiệp nhưng vẫn “bặt vô âm tín”. Nàng cử nhân kinh tế chấp nhận làm đủ nghề từ lễ tân, rải tờ rơi, tiếp thị đến bán hàng thuê cho một cửa hiệu dây lưng ngoài chợ để có tiền nuôi sống bản thân, tiếp tục “sự nghiệp” tìm việc làm.
“Có những lần đi phỏng vấn mình cảm thấy ổn rồi, họ cũng nói là sẽ liên lạc lại trong thời gian sớm nhất, tưởng là sẽ ứng tuyển vào vị trí phù hợp với trình độ, bằng cấp nhưng cuối cùng vẫn bị loại” – Vân ngậm ngùi.
Còn với những tân cử nhân vừa ra trường được vài tháng, thất nghiệp đang là mối đe dọa khủng khiếp nhất. Họ cũng háo hức rải hồ sơ, gõ cửa khắp các nhà tuyển dụng nhưng phần nhiều trong số đó nhận lại sự thờ ơ, hoặc bị từ chối thẳng thừng.
Vừa đợi việc, Nguyễn Văn Đạt (khoa Vận tải đường bộ và thành phố, Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) vừa đi làm thợ sắt, vác lúa phụ giúp bố mẹ. Công việc làm sắt, buộc sắt để làm móng, cột nhà tuy nặng nhọc, vất vả nhưng lương rất bèo bọt, chỉ 50.000 đồng/buổi. Những hôm không có việc, chẳng ai thuê thì chàng “kỹ sư tương lai” ở nhà vác lúa, phụ việc đồng áng cho bố mẹ, còn buổi tối tranh thủ lên mạng tìm thông tin tuyển dụng để gửi hồ sơ và lại đợi chờ.
Đạt cho biết: “Mình đã đăng ký ứng tuyển ở rất nhiều nơi, có chỗ chỉ xin vào vị trí bán hàng nhưng cũng không tới lượt dù đáp ứng hầu hết những yêu cầu đưa ra. Trở ngại lớn nhất cho sinh viên mới tốt nghiệp là thiếu kinh nghiệm, mà đó là đều nhà tuyển dụng nào cũng cần”.
Các bạn của Đạt đều là cử nhân, kỹ sư mới ra trường, 10 người thì có tới 8 người đang đỏ mắt tìm việc, số còn lại có việc nhưng chấp nhận làm trái ngành hoặc không ưng ý.
Kỹ sư này lui về quê phụ giúp mẹ đồng áng trong lúc chưa xin được việc
Thi cao học để chờ...cơ hội
Khi bằng ĐH nhiều như lá rụng mùa thu, một số cử nhân cho rằng càng nhiều bằng, hoặc học cao sẽ có giá hơn, và họ lại chen chân nhau học văn bằng hai, thi cao học.
Lớp ĐH của Thúy Hà (Khoa Giáo dục chính trị, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) gần như hội tụ đông đủ tại đợt thi cao học vừa rồi vì đều chưa xin được việc làm ưng ý. Nhưng muốn học cao cũng không phải chuyện dễ vì số lượng hồ sơ dự thi mỗi năm một tăng, tỷ lệ chọi theo đó “nhảy vọt”, những người trượt cao học lại đổ xô vào các lớp văn bằng hai, thậm chí có người học tới ba, bốn bằng đại học với hi vọng tìm được “ghế” tốt, chỗ làm “xịn”.
“Lớp mình có tới 60% chưa có chỗ làm ổn định, có người vừa đi học vừa bán quần áo trên mạng để có tiền trang trải thêm. Đi học cao học nghe có vẻ hoành tráng nhưng thực chất là không xin được việc nên phải học lên để lấy cái bằng xin việc cho dễ…” – Nguyễn Anh Tuấn ( lớp cao học Tư tưởng HCM, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) cho biết.
Các sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính – ngân hàng đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thừa nhân sự. Bởi vậy, nhiều người đã chọn giải pháp học văn bằng hai sang khối kỹ thuật hoặc theo đuổi những ngành nghề có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Thất nghiệp vì không hướng nghiệp
Trước tình hình kinh tế không mấy sáng sủa như hiện nay, các kỹ sư, cử nhân phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, cần thực sự nổi bật, khác biệt thì mới “lọt mắt xanh” của nhà tuyển dụng.
Hầu hết sinh viên được hỏi đều không biết lý do mình bị “out” ngay từ vòng loại hồ sơ, hoặc biết không đáp ứng đủ tiêu chí đề ra nhưng vấn ứng tuyển nên đành ngậm ngùi bị loại.
Như Liên Phương, SV Học viện Tài chính từng dở khóc dở cười khi đi phỏng vấn tại công ty Topcom. Cô bạn khá tự tin khi đáp ứng 6/7 yêu cầu nhà tuyển dụng đưa ra, duy chỉ có phần: “Tuổi từ 28 – 40, đã lập gia đình” thì Phương không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn cố “bon chen” thử sức. Kết quả là sau một hồi phỏng vấn bị quay như chong chóng, cô nàng bị từ chối vì chưa đủ 28 tuổi và chưa lập gia đình.
Những điểm mà các sinh viên mới tốt nghiệp đều yếu và thiếu trong khi các nhà tuyển dụng luôn luôn cần đó là kinh nghiệm, kỹ năng (giao tiếp, sử dụng thiết bị văn phòng) và trình độ Tiếng anh thông thạo.
Theo anh Nguyễn Anh Đức (phó GĐ công ty CP tư vấn và đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội), nguyên nhân chủ yếu khiến sinh viên khó tìm việc làm khi ra trường là do không hướng nghiệp ngay từ ban đầu.
"Thêm vào đó, điều khiến nhiều sinh viên đánh mất cơ hội việc làm của mình là ngại xuất phát điểm thấp. Nhiều bạn có suy nghĩ học ĐH ra trường phải làm ở vị trí cao, tương xứng với trình độ và bằng cấp của mình nên chỉ đăng kí vào những “ghế” trên nên khó với....", lời anh Đức.
NHẬN KẾT QUẢ THI TỐT NGHIỆP SỚM NHẤT – CHÍNH XÁC TUYỆT ĐỐI Để biết thêm chi tiết Bấm đây |