Cử nhân không viết nổi cái đơn: Sinh viên 'phản pháo'

Sự kiện: Giáo dục Sinh viên

Trước ý kiến cho rằng, những kỹ năng tưởng như đơn giản như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết văn bản, kỹ năng quản lý thời gian nhưng sinh viên của chúng ta rất yếu,… nhiều sinh viên cho rằng, không thể đổ lỗi hết cho sinh viên.

Cử nhân không viết nổi cái đơn: Sinh viên 'phản pháo' - 1

Ảnh minh họa

Một cuộc Hội thảo mới đây đã chỉ ra, những kỹ năng tưởng như đơn giản nhưng sinh viên của chúng ta rất yếu như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết văn bản, kỹ năng quản lý thời gian,… Thậm chí nhiều sinh viên không viết nổi cái đơn xin việc.

Sinh viên cần được làm thực sự

Nguyễn Phương Anh, sinh viên năm 3 của ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng, việc viết một cái đơn là không quá khó. “Em nghĩ phần nhiều sinh viên không viết nổi một cái đơn một phần là do nhiều trường đại học không chú trọng vào môn học phát triển các kỹ năng mềm", Phương Anh nói.

Phương Anh cũng chia sẻ, dù đến cuối năm mới đi thực tập nhưng hiện giờ em đã tự xin việc ở một công ty tại Hà Nội, làm đúng chuyên ngành của mình: “Em đi làm mới thấy vỡ vạc ra nhiều. Được làm thật sự nên thấy tự tin hơn nhiều trong giao tiếp. Thực tế ở nơi làm thì trong nhà trường không thể dạy được”- Phương Anh chia sẻ.

Ông Đỗ Đức Thành, Phó Giám đốc Công ty Yamguchi Việt Nam cũng nhận định, việc các cử nhân, kỹ sư ra trường thiếu kỹ năng mềm chiếm số đông. Điều này do cách đào tạo của các trường đại học. Cơ bản sinh viên trong nước không được học hỏi, tích lỹ kiến thức và không có mục đích trong học tập cũng như công việc”- ông Thành cho hay.

Ông Thành cũng đưa ra lời khuyên, sinh viên nên chủ động tiếp cận doanh nghiệp để học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm.

Nên thay đổi thế nào? 

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên ĐH Ngoại thương chia sẻ: "Việc cử nhân không viết nổi một cái đơn là có thật vì “sinh viên có viết bao giờ đâu mà biết viết?"

PGS Ánh cũng cho rằng, trước khi trách sinh viên thì nên nhìn nhận lại: “Lý do chủ yếu là giáo dục phổ thông hay đại học đều không có chương trình dạy viết những văn bản thực tế trong đời sống. Ví dụ khi viết sơ yếu lí lịch đi xin việc sinh viên chỉ biết ra cửa hàng mua bộ in sẵn là xong mà không biết cách viết sao cho gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng”.

Theo điều tra của Bộ LĐ-TB và XH, có hơn 13% sinh viên phải được đào tạo lại hoặc bổ sung kỹ năng, gần 40% phải được kèm cặp lại tại nơi làm việc, 41% cần thời gian làm quen với công việc. 

Bà Ánh cũng cho rằng, việc các trường dạy về kỹ năng mềm cho sinh viên là một việc đúng đắn nhưng với quy mô lớp ở Việt Nam thì không thể dạy hay và thu hút được sinh viên.

“Ví dụ, dạy sinh viên về kỹ năng làm việc nhóm thì cần có trò chơi, quy mô nhóm chỉ 5 người và mỗi giảng viên chỉ quản lý tối đa 5 -6 nhóm nhưng với lớp cả 80-100 người như ở mình thì không thể làm được. Như vậy sinh viên không có điều kiện để học tốt”- PGS Ánh nói.

Bên cạnh đó, việc mở các lớp đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên hiện nay ở nhiều trường vẫn còn rất hạn chế, phần nhiều chỉ trên góc độ lý thuyết, vì vậy không tạo nên được niềm say mê và hứng thú của sinh viên trong các khóa học. Dẫn đến việc hiện nay với nhiều bạn sinh viên, kỹ năng mềm vẫn còn là một thuật ngữ khá xa lạ. 

Sinh viên thiếu kỹ năng đang là thách thức đối với các trường ĐH hiện nay nên đang có đề xuất cho sinh viên thêm một kỳ thực tập từ năm thứ 2. Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh quan trọng là thực tập làm sao để đúng thực chất là đi thực tập.

Theo PGS Ánh, hiện nay, hiếm khi sinh viên đi thực tập được làm việc thực sự. "Thông thường sinh viên đến chỗ người quen để thực tập, được giao cho một đống tài liệu là xong. Thực tập hiện nay chỉ như kì viết trước tốt nghiệp”- PGS Ánh cho hay.

Bên cạnh đó “nếu xếp mùa thực tập cùng lúc, có cả hàng chục nghìn sinh viên cùng “túa” đi xin thực tập thì làm sao có đủ chỗ? Nếu quy định cần thực tập trong hai kì thì các trường nên đặt so le, đỡ chồng chéo sẽ tốt hơn”- PGS Ánh nhận định.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO (năm 2013 ) năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/5 Malaysia và 2/5 so với Thái Lan. Và đặc biệt trong số các kỹ năng lao động, thì nhóm kỹ năng mà người lao động Việt Nam thiếu hụt nhiều nhất là kỹ năng mềm. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hợp (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN