Cử nhân không viết nổi cái đơn: Hệ quả đào tạo kiểu “nhét chữ”?

Sự kiện: Giáo dục Sinh viên

TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ trước thực trạng nhiều cử nhân, kỹ sư ra trường thiếu nhiều kỹ năng mềm, thất nghiệp, thậm chí không viết nổi cái đơn xin việc.

Cử nhân không viết nổi cái đơn: Hệ quả đào tạo kiểu “nhét chữ”? - 1

TS Hoàng Ngọc Vinh

Một cuộc Hội thảo mới đây đã chỉ ra, những kỹ năng tưởng như đơn giản nhưng sinh viên của chúng ta rất yếu như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết văn bản, kỹ năng quản lý thời gian,… Thậm chí nhiều sinh viên không viết nổi cái đơn xin việc. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT).

PV: Xin ông có thể phân tích về thực trạng này và nguyên nhân vì sao?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Theo Ngân hàng Thế giới có thể chia một cách tương đối kỹ năng ra làm ba nhóm gồm: Kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng nhận thức và kỹ năng hành vi.Đào tạo kỹ năng kỹ thuật liên quan nhiều đến việc thực hành, thực tập và trải nghiệm trong thực tế. Đối với các ngành kỹ thuật công nghệ đòi hỏi máy móc thiết bị thì sinh viên cần được thực hành thì mới có thể hình thành kỹ năng. Kỹ năng hành vi khá phức tạp và được hình thành trong suốt cuộc đời đi học cho đến khi đi làm. 

Chỉ riêng kỹ năng mềm đã có rất nhiều các kỹ năng khác như tinh thần đồng đội, hợp tác, giao tiếp ứng xử, khả năng chịu đựng khi làm việc, đàm phán... Kỹ năng nhận thức cũng được hình thành từ rất sớm từ khi ra đời và trong suốt quá trình giáo dục.

Tổng hợp các nhóm kỹ năng nói trên sẽ giúp cho người ta có khả năng để thực hiện các nhiệm vụ một cách hiệu quả tại nơi làm việc. Một số người cho rằng sinh viên của chúng ta ra trường thiếu hụt kỹ năng thì có thể nói trên bình diện chung là thiếu hụt cả ba nhóm các kỹ năng nói trên.

Một số người cho rằng nguồn lực đầu tư thấp dẫn đến khó hình thành kỹ năng cho người học. Điều ấy đúng với các kỹ năng kỹ thuật đòi hỏi phải có trang thiết bị máy móc, hoặc phải hợp tác với doanh nghiệp... trong điều kiện của ta việc hợp tác ấy chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, phải thừa nhận một điều là muốn đào tạo kỹ năng kỹ thuật bên cạnh trang thiết bị đầy đủ thì giảng viên phải có kỹ năng ấy để huấn luyện sinh viên. Ví dụ, anh dạy về sửa chữa ô tô chẳng hạn thì anh phải sử dụng được trang thiết bị tháo lắp, đo lường chẩn đoán thành thạo... Anh dạy sinh viên về quản trị kinh doanh thì ít nhất anh cũng cần có kinh của một người quản lý, kinh doanh ở doanh nghiệp... nếu không thì bài giảng sẽ trở nên vô hồn và thiếu liên hệ với thực tế. Do đó, kỹ năng kỹ thuật không hình thành được.

Nguyên nhân chính theo tôi là do phương pháp dạy của giảng viên chưa giúp cho sinh viên hình thành các kỹ năng. Ví dụ, dạy sinh viên kỹ năng giải quyết vấn đề anh phải áp dụng chiến lược cho sinh viên thực hành xác định bối cảnh, vấn đề, tìm ra nguyên nhân, và thiết kế giải pháp, thực hiện và đánh giá...như cách thức nhiều trường làm là giao đồ án, dự án, bài tập lớn cho sinh viên. Thông qua việc giao cho nhóm giải quyết, sinh viên sẽ kiến tạo nên tri thức, kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng giải quyết vấn đề, hợp tác...

Đương nhiên, có rất nhiều phương pháp và chiến lược dạy học để có thể áp dụng cho các các nhóm sinh viên, theo học ngành nghề khác nhau... và đương nhiên chiến lược hay phương pháp hiệu quả phụ thuộc nhiều vào quy mô lớp học và thời gian cũng như cấu trúc các học phần trong chương trình. 

Ngoài những kỹ năng kỹ thuật thì nói chung không tốn nguồn lực nhiều nhưng đòi hỏi tài năng, kinh nghiệm của các giảng viên.

Tạo ra môi trường học thuật dân chủ, giảng viên không phải là người ban phát tri thức

PV: Vậy cách xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Kỹ năng không phải là nói hay viết thế nào mà là hành động. Nói cách khác muốn có kỹ năng phải rèn luyện, trải nghiệm sớm với thực tế nghề nghiệp. Các trường đại học cũng cần điều chỉnh bổ sung chương trình một số kỹ năng thiết yếu, đổi mới phương pháp dạy học đặc biệt phần giáo dục đại cương mang tính nền tảng cho một sinh viên tốt nghiệp đại học. 

Ví dụ, môn triết học biện chứng có thể xem là phần rất hay trong chương trình để dạy cho sinh viên phương pháp tư duy, phân tích các mối quan hệ biện chứng... nhưng nếu cứ dạy theo kiểu "nhét chữ" vào não của sinh viên một cách giáo điều thiếu vận dụng thực tế nghề nghiệp, góp phần hình thành thái độ, phẩm chất nghề nghiệp đúng thì môn học sẽ giảm tác dụng. Vì thế, phương pháp dạy học rất quan trọng để rèn luyện kỹ năng tư duy, hành vi...

Nguyên tắc đơn giản là giảng viên có kỹ năng thì mới dạy kỹ năng cho sinh viên. Nhưng việc xử lý vấn đề này không chỉ đơn thuần tập huấn bồi dưỡng cho giảng viên phương pháp dạy học hiệu quả, tạo điều kiện cho giảng viên trải nghiệm thực tế mà điều quan trọng tạo môi trường tự do học thuật, phát triển tư duy phê phán, phản biện của sinh viên, khuyến khích sáng tạo. 

Mỗi sinh viên đều có điều kiện để phát huy năng lực, sở trường của mình, tạo động lực cho sinh viên... hy vọng sinh viên chúng ta sẽ trưởng thành về kỹ năng. Nói cách khác phải tạo ra môi trường học thuật dân chủ, giảng viên không phải là người ban phát tri thức, kỹ năng mà là người có trải nghiệm thực tế nghề nghiệp, dẫn dắt sinh viên giúp họ tự kiến tạo cho mình...

Một số ngành học có thể ứng dụng phần mềm mô phỏng (simulation), video...cũng giúp cho sinh viên cải thiện kỹ năng.

Ngoài ra các hoạt động nghiên cứu khoa học, đoàn thể, các phong trào vì cộng đồng...cũng góp phần hoàn thiện kỹ năng xã hội cho sinh viên.

PV: Có ý kiến cho rằng nên tăng thời gian kiến tập, thực tập cho sinh viên. Ngoài ra, cũng như cho sinh viên đi kiến tập ngay năm thứ 2 để sinh viên tích lũy được nhiều kỹ năng? Ý kiến của ông như thế nào?

Việc tăng thời lượng kiến tập hay thực tập là một mặt nhưng cần xác định rõ mỗi đợt thực tập thì kiến thức và kỹ năng nào sinh viên đạt được, bằng cách nào đánh giá được. Việc đưa sinh viên năm thứ hai hay năm cuối đi thực tập tùy theo ngành học, đặc biệt phương pháp tổ chức dạy học, đặc điểm cấu trúc chương trình và kết quả đầu ra mong muốn của mỗi đợt thực tập. Nếu đưa sinh viên đi thực tập ngay năm thứ hai trong khi chưa kịp có kiến thức thì việc hình thành kỹ năng khó khăn. Vì thế khó có công thức chung cho mọi ngành học về thời gian nào đi thực tập tốt nhất. 

PV:  Nhà tuyển dụng kêu ca cử nhân thiếu kỹ năng nhưng dù rất cần thiết mà nhà trường chưa chú trọng đào tạo một cách bài bản? Trong  khi đó thực sự sinh viên đi thực tập không được làm thực sự? Bài toán này cần được giải quyết như thế nào, thưa ông?

Thực chất mỗi đợt đi thực tập nghề nghiệp ở ngoài trường là một lần sinh viên có cơ hội trải nghiệm, vận dụng kiến thức và kỹ năng để làm giàu thêm kỹ năng nghề nghiệp nhờ tích hợp các kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ thực tế. Vì thế, trong quá trình dạy học giảng viên nào có nhiều kinh nghiệm thực tế nghề nghiệp, tích hợp khéo léo vào bài giảng lý thuyết thì việc hình thành kỹ năng hiệu quả. Những kỹ năng kỹ thuật đòi hỏi phải được rèn luyện trong trường trước khi ra ngoài doanh nghiệp để tránh làm hư hỏng thiết bị. Còn nói chung, những kỹ năng nào dạy trước, không đòi hỏi thiết bị máy móc... thì nhà trường làm trước không nên để doanh nghiệp phải đào tạo bổ sung.Vấn đề làm thế nào để cho doanh nghiệp hay các cơ quan tạo môi trường thực tập thì các trường nên học hỏi kinh nghiệm của ngành y tế, nhà trường luôn đồng hành cùng bệnh viện. Nếu nhà trường không đưa sinh viên trực và thực tập tại các bệnh viện thì không thể nào hình thành được các kỹ năng. 

Nói cách khác, phải tạo ra đối tác nhà trường doanh nghiệp theo nguyên tắc các bên đều có lợi. Nhà trường phải có kế hoạch thực tập, phân công giảng viên và chuyên gia doanh nghiệp theo dõi, ghi rõ chuẩn đầu ra của mỗi đợt thực tập cần đạt được, đánh giá nghiêm túc chuẩn đầu ra khi hết đợt thực tập.

Hiện tại, một số trường vì quy mô lớn nên việc đi thực tập do sinh viên tự liên hệ, nặng về tính thời gian thực tập mà thiếu chú ý đến việc rèn kỹ năng, nên vì thế mà người học không phát huy được năng lực của mình.

Xin cảm ơn ông

TS Đỗ Văn Đăng: hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH phủ Osaka (Nhật Bản): Sinh viên năm cuối không nên học bất kì môn nào trên lớp?

TS Đỗ Văn Đăng cho rằng, ở bậc đại học nên làm đồ án/ khóa luận hoặc project, vì làm như vậy sẽ giúp sinh viên tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn trong công việc sau này.

TS Đăng cũng chỉ ra, ở Việt Nam có một điểm khác đó là thời gian cho đồ án và khóa luận khá ngắn (thường là 1 học kỳ) cộng với cơ sở vật chất thiếu thốn.

Trong khi các nước tiên tiến, trong đó có Nhật, sinh viên vào năm 4 sẽ không phải học bất cứ 1 môn nào trên lớp mà sẽ làm việc trong phòng thí nghiệm hoặc thực hiện một dự án nào đó trong vòng 1 năm cho đến khi báo cáo tốt nghiệp. 

Chỉ cần sau 1 năm… cày trong lab, sinh viên Nhật tiến bộ vượt bậc về mọi mặt: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc, cũng như kỹ năng xin việc.

Nguyễn Bá Công (Tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) : Thời gian 3 tháng là đủ

Tôi thấy thời gian thực tập trong 3 tháng là đủ vì khi ra trường thì sinh viên chưa có kinh nghiệm thực tế nhiều nên cần thời gian để làm quen với công việc. Trong 3 tháng này chủ yếu sinh viên chỉ làm quen cũng như hỗ trợ các nhân viên trong công ty vì công ty cũng chưa dám giao những việc quan trọng cho sinh viên thực tập.

Tôi thấy thời gian 3 tháng là đủ dài, quan trọng là sinh viên có thái độ và tinh thần học hỏi trong thời gian đó như thế nào để tích lũy kiến thức kỹ năng được nhiều nhất.

Kỹ năng tôi thấy sinh viên yếu nhất là quản lý thời gian. Rút ra từ bản thân cũng như bạn bè trong quãng thời gian làm ở ngân hàng thì tôi thấy trong thời gian đầu mặc dù lượng công việc giao cho chưa phải lớn lắm nhưng vẫn cảm thấy khá áp lực về mặt thời gian và giải quyết công việc thường không được nhanh gọn. Theo tôi đây là kỹ năng khá quan trọng mà sinh viên cần cải thiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hợp (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN