Công nghệ vũ trụ: Chi 6 tỷ đào tạo, về trả lương 4 triệu
“Để đào tạo một kỹ sư, thạc sỹ công nghệ vũ trụ phải đầu tư hơn 250 nghìn USD (gần 6 tỷ đồng), thế nhưng khi về Việt Nam trả lương mấy triệu đồng, như thế có phung phí không?” - PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia nói về thực trạng đãi ngộ nhà khoa học hiện nay.
Học viên Trung tâm Vệ tinh Quốc gia thử nghiệm vệ tinh MicroDragon tại Học viện kỹ thuật Kyushu (Nguồn VNSC)
Dự án “Trung tâm Vũ trụ Việt Nam” có kinh phí 600 triệu USD, là dự án KHCN lớn nhất trong 35 năm qua của ngành KHCN với mục tiêu Việt Nam có thể làm chủ công nghệ vũ trụ vào 2020.
Dự án do Trung tâm Vệ tinh Quốc gia thực hiện, mục tiêu cụ thể, đến năm 2022, đội ngũ cán bộ Việt Nam có thể thiết kế, lắp ráp vệ tinh LOTUSAT-2 – vệ tinh sử dụng công nghệ rada quan sát, chụp ảnh trái đất ở độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết (vệ tinh này có khối lượng lớn hơn 5 lần và sử dụng công nghệ khác hẳn với VNRED Sat 1- Vệ tinh được phóng vào năm 2013, đưa Việt Nam thành một trong 25 quốc gia trên thế giới có vệ tinh quan sát trái đất-PV). Để đạt mục tiêu này, một trong những hợp phần quan trọng của dự án là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ vũ trụ.
“Lắp ráp vệ tinh hàng trăm triệu đô nhưng lương có mấy triệu đồng, vẫn lo tiền thuê nhà, tiền chi phí sinh hoạt thì làm sao tâm huyết được”. PGS.TS Phạm Anh Tuấn |
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) đã cử 35 cán bộ trẻ sang học thạc sỹ công nghệ vũ trụ tại 5 trường đại học hàng đầu của Nhật Bản với bốn đợt, mỗi đợt 2 năm.
Để có thể tham gia khóa học này, các ứng viên phải trải qua quá trình xét tuyển ngặt nghèo thực hiện bởi hội đồng chuyên gia của Nhật Bản và Việt Nam. Chi phí cho mỗi cán bộ trẻ tham gia khóa đào tạo này là hơn 250 nghìn USD một người (gần 6 tỷ đồng). Chi phí này gồm tiền học phí, sinh hoạt phí (như đào tạo một thạc sỹ bình thường theo tiêu chuẩn nhà nước), chi phí nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp ráp và thử nghiệm một vệ tinh Micro nặng 50kg, kích thước 50x50x50cm để các học viên có thể thực hành thiết kế, lắp ráp, chế tạo.
Trong số 35 cán bộ được cử đi, 11 học viên đã về nước và đang làm việc tại Trung tâm Vệ tinh Quốc gia. Trong số đó, chỉ 6 người có biên chế nhà nước, trả lương theo hệ số lương nhà nước (khoảng 3 đến 5 triệu đồng một tháng cho một kỹ sư ra trường từ 1 đến 5 năm). Số lượng còn lại phải nhận lương từ nguồn hỗ trợ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, ngân sách các đề tài khoa học của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia.
Mặc dù, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã cố gắng đảm bảo cho các cán bộ này được nhận lương cao hơn mức lương cơ bản theo quy định của nhà nước, tuy nhiên so với yêu cầu của ngành công nghệ cao và mũi nhọn như công nghệ vũ trụ, mức đãi ngộ đó còn chưa tương xứng ngay cả đối với một số đơn vị trong nước và có sự chênh lệch lớn so với các cơ sở công nghệ vũ trụ ở khu vực Đông Nam Á.
“Khó khăn lớn nhất trong phát triển công nghệ vũ trụ hiện nay là đội ngũ nhân lực có được nuôi dưỡng để đảm bảo yên tâm công tác không? Lắp ráp vệ tinh hàng trăm triệu đô nhưng lương có mấy triệu đồng, vẫn lo tiền thuê nhà, tiền chi phí sinh hoạt thì làm sao tâm huyết được”, PGS Phạm Anh Tuấn nói.
Lo chảy máu chất xám
Theo PGS Phạm Anh Tuấn, Công nghệ Vũ trụ (CNVT) được đánh giá là “biểu tượng sức mạnh công nghệ và khả năng cạnh tranh công nghệ cao” của mỗi quốc gia trên thế giới. Do đó, chế độ đãi ngộ với nhân lực chất lượng cao của ngành này cần phải quan tâm hơn nữa, nhất là khi chúng ta sắp có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại hàng đầu Đông Nam Á (đang xây dựng tại KCN cao Hòa Lạc, dự kiến khánh thành vào 2018).
“Nhà nước cũng đã có những cơ chế đặc thù cho ngành năng lượng nguyên tử, Viện Công nghệ tiên tiến Việt Nam – Hàn Quốc và các trường đại học quốc tế ở Việt Nam như Đại học Việt – Đức, Đại học Việt - Pháp. Tôi đề xuất VNSC ít nhất cũng được hưởng cơ chế đặc thù tương tự với các đơn vị trên”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, đào tạo một kỹ sư, thạc sỹ về công nghệ vũ trụ tốn kém nhiều thời gian và chi phí bởi vì họ được đào tạo cả về lý thuyết lẫn thực hành. Nguồn nhân lực chất lượng cao này là nhu cầu của không chỉ ngành công nghệ vũ trụ mà còn của các ngành công nghệ cao khác như công nghệ ô tô, công nghệ điện tử. Do đó, việc chảy máu chất xám rất dễ xảy ra do các ngành khác đãi ngộ cao hơn và không mất chi phí đào tạo nhân lực.
Ngành KHCN chưa có phụ cấp công việc Theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, trong các ngạch công chức, viên chức ở nước ta, chỉ duy nhất ngành KHCN chưa có phụ cấp, hỗ trợ ngoài mức lương cơ bản. Mức lương này thấp hơn rất nhiều so với các nước cùng trình độ trong khu vực. |