Công nghệ robot phát triển, ĐH truyền thống sẽ sống thế nào?
Theo Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, hàng loạt các tập đoàn lớn trên thế giới ngay trong năm vừa qua đã cắt giảm hàng triệu lao động do robot thay thế. Điều đó đã tác động rất mạnh đến đào tạo tại các trường đại học. Đây là nội dung thu hút nhiều ý kiến tại hội thảo quốc tế Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục diễn ra ngày 21/10 tại Hà Nội.
Cả trăm triệu lao động sẽ mất việc làm
Theo ông Phan Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) Việt Nam (AVU&C) cho biết cũng như mọi cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) trước đây, cuộc CMCN lần thứ 4 (CMCN4.0) này có thể đưa đến tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động.
“Năm ngoái Mc Donald công bố sẽ xây dựng thêm 25.000 nhà hàng hoạt động hầu như bằng robot. Tháng 5/2016, Foxconn cũng tuyên bố cắt giảm 60.000 công nhân và thay bằng robot. Tháng 11/2015, ngân hàng Anh quốc đưa ra một dự báo còn đáng lo ngại hơn, sẽ có khoảng 95 triệu lao động phổ thông bị mất việc trong vòng 10-20 năm tới rại riêng Mỹ, Anh, tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này” – ông Trung cung cấp thông tin.
Ông Trung cũng cho hay, cuộc CMCN4.0 này đặt giáo dục ĐH trước nhiều thách thức rất lớn. Các trường ĐH không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần do tốc độ thay đổi công nghệ từ CMCN4 diễn ra quá nhanh.
Các hình thức đào tạo trực tuyến như Mooc (Massive Open Online Course) có thể sẽ ngày càng trở nên thịnh hành hơn. Bà Phạm Thị Ly, ĐH Nguyễn Tất Thành cũng cho rằng, chức năng của ĐH là đào tạo và nghiên cứu nhưng ngày nay, một phần lớn kinh phí của nghiên cứu đã dịch chuyển dần sang các doanh nghiệp lớn. Đào tạo cũng vậy, nhiều trường ĐH không thích ứng kịp nên đào tạo nhân lực ra các doanh nghiệp phải đào tạo lại.
Còn ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, với cuộc CMCN4.0, lao động giản đơn sẽ thất nghiệp rất nhiều. “Gần 90% lao động Việt Nam là lao động giản đơn, Việt Nam lấy đâu tiền để mua robot? Trong khi đó doanh nghiệp lớn của nước ngoài sang Việt Nam cũng chỉ là để lắp ráp, chế biến nên không cần nhân lực chất lượng cao, không sáng tạo. Nhân sự cao cấp họ cũng đưa từ nước họ sang” – ông Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nêu thực tế.
Tích hợp đào tạo truyền thống và trực tuyến
Theo ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT khẳng định nếu bảo thủ, các trường ĐH Việt Nam sẽ chết. “Một trong những xu hướng của thời đại là trường học trực tuyến đến từng người. Hình thức đào tạo truyền thống vẫn tồn tại đó là là sự tương tác giữa con người với con người. Mấy chục năm nay không có nước nào xóa hết các trường học. Vì có một thứ máy móc không làm được là tình cảm con người, giao tiếp giữa con người” – ông Ngọc cho hay. Chính vì vậy, hướng đi của các trường ĐH thời gian tới, theo ông Ngọc đó là tích hợp giữa truyền thống và trực tuyến.
Còn đứng ở phía các trường ĐH, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng bản chất của CMCN 4.0 là công nghệ thông minh và trí tuệ nhân tạo. Nền tảng của cuộc CM này là điện, điển tử, công nghệ thông tin, công nghệ điện tử viễn thông nên các trường ĐH kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đầu tiên và phát triển mạnh.
“Như vậy, như cầu nhân lực trình độ cao các ngành này sẽ tăng, nghiên cứu các lĩnh vực này cũng sẽ phát triển nên các trường cần phải chuẩn bị chuyển dịch cơ cấu đào tạo vào lĩnh vực nghiên cứu” – ông Sơn cho hay. Muốn vậy, phải đổi mới chương trình đào tạo vì vòng đời sản phẩm ngắn, các chương trình đào tạo ngày càng phát triển có tính chất liên ngành. Đào tạo ngành rộng ngày càng được khẳng định chứ không phải đào tạo chuyên sâu như trước đây.
Cũng theo ông Sơn, các trường ĐH phải hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo và nghiên cứu. Trường nào không hợp tác sẽ bị đứng ngoài. Đội ngũ giảng viên của các trường cũng phải đổi mới để thích ứng với thực tế. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, cách học truyền thống vẫn tồn tại.
PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, TPHCM cho hay, giáo dục ĐH Việt Nam sẽ phải thay đổi nhiều và đầu tiên là quản lý. “Sự phát triển của sáng tạo và mong ước của cơ quan quản lý thường có mâu thuẫn. Người quản lý thì muốn đặt nó trong một cái lồng, trong khi cuộc cách mạng đòi hỏi con người phải sáng tạo, phải đi tìm cái mới. Con người thực hiện công tác giảng dạy thì sự hiểu biết không chỉ nằm ở một lĩnh vực rồi bắt mọi người học lĩnh vực đó mà phải nhìn đào tạo của mình theo cách khác đi” – PGS. Thái Bá Cần chia sẻ.
Vì vậy, các trường ĐH không dạy cho người ta học cái mình đang có, đang biết mà phải hướng tới dạy người ta sáng tạo ra cái mới. Về phía người học, cũng phải thích ứng với sự thay đổi trong đào tạo, phải đáp ứng được các yêu cầu: biết chọn gì để học, không chỉ học người khác mà phải phát huy cái sáng tạo của mình.