Công bố điểm xét tuyển sớm sau 31/5 - hạn chế tiêu cực hay tăng áp lực?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm sau 31/5 sẽ hạn chế tình trạng thí sinh lơ là học tập, theo nhiều chuyên gia, song số khác thấy quyền tự chủ đại học giảm, học trò áp lực hơn.

Hôm 31/10, tại Hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020-2024, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất không cho các trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trước ngày 31/5 - thời điểm kết thúc năm học.

Theo thống kê của Bộ, các trường sử dụng hơn 20 cách xét tuyển, chủ yếu là xét tuyển sớm (xét học bạ, chứng chỉ quốc tế...). Mỗi năm, khoảng 50% trong hơn 600.000 thí sinh vào đại học bằng cách này.

Nhiều trường công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm từ tháng 3, 4, thậm chí từ tháng 1. Căn cứ xét thường là điểm học bạ 3-5 học kỳ, không có kỳ II lớp 12 do học sinh chưa kết thúc năm học.

Ông Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng và ông Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp TP HCM, thấy rằng việc này tạo ra một số ảnh hưởng tiêu cực.

Thứ nhất, việc không tính điểm học kỳ II lớp 12 chưa phản ánh đầy đủ khả năng của học sinh, bởi những kiến thức quan trọng ở bậc THPT hầu hết rơi vào năm cuối cấp.

Thứ hai, biết trúng tuyển sớm trước khi kết thúc năm học vài tháng, nhiều học sinh chủ quan, lơ là học tập.

Đây cũng là điều Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và nhiều chuyên gia lo ngại. Tại hội nghị Giáo dục đại học hồi đầu tháng 8, ông Sơn nói xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông.

"Các cháu trúng tuyển sớm sẽ không học nữa, điều đó rất tai hại", ông đánh giá. Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh dành cho điểm thi tốt nghiệp bị thu hẹp, điểm chuẩn bị đẩy lên cao, tạo sự mất công bằng trong cơ hội được vào trường đại học tốt.

Ông Hà và ông Nhân thấy đề xuất công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm sau 31/5 giúp hạn chế những điều này.

Tân sinh viên trường Đại học Hà Nội, tháng 8/2024. Ảnh: HANU

Tân sinh viên trường Đại học Hà Nội, tháng 8/2024. Ảnh: HANU

Từ năm 2022, các trường không được yêu cầu thí sinh nhập học sớm hơn lịch chung của Bộ, mà chỉ được công bố danh sách đủ điều kiện trúng tuyển.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Quản lý Đào tạo, trường Đại học Thương mại, cho rằng cơ chế này khiến nhiều thí sinh có tâm lý chọn ngành, trường có đầu vào thấp hơn năng lực khi đăng ký xét tuyển sớm để "chắc chân".

Khi nhập nguyện vọng lên hệ thống chung của Bộ, các em sẽ ưu tiên ngành mình thích lên đầu, rồi mới tới các ngành đã đỗ sớm. Dẫn chứng là hơn 375.500 thí sinh trúng tuyển sớm trong năm 2023, nhưng chỉ gần 40% số này đặt làm nguyện vọng 1.

"Từ đó để thấy việc công bố kết quả xét tuyển quá sớm cũng không giúp các trường chắc chắn được thí sinh lựa chọn", ông Trung nói. "Do đó, lùi thời gian công bố kết quả tới sau 31/5, bức tranh tuyển sinh cũng không thay đổi nhiều".

Ông Trần Mạnh Hà cho rằng các trường chỉ bớt chút lợi thế trong việc thu hút thí sinh sớm. Trong khi đó, tác động tích cực mà quy định này mang đến rất lớn, tạo sự công bằng cho thí sinh và giữa các trường đại học.

Luật Giáo dục đại học cho phép đại học tự chủ tuyển sinh. Không ít lãnh đạo trường phản đối đề xuất của đại diện lãnh đạo Bộ.

Phó hiệu trưởng một đại học tư thục tại TP HCM cho rằng nếu các trường không được công bố điểm chuẩn trước 31/5 thì không gọi là xét tuyển "sớm" nữa.

"Xem như các phương thức xét tuyển sớm bị triệt tiêu, gây khó khăn cho các trường phụ thuộc vào nguồn thí sinh từ xét tuyển sớm", ông nói.

Theo ông, về lý thuyết, thí sinh và chỉ tiêu "vẫn còn nguyên", nhưng cả người học và trường sẽ bị động. Những học sinh sớm xác định ngành, trường yêu thích và đủ điều kiện trúng tuyển phải thấp thỏm chờ đến tháng 6 để biết đỗ hay trượt.

Đồng tình, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ TP HCM, thấy rằng thí sinh sẽ thiệt thòi. Bởi biết đỗ sớm phần nào giúp các em yên tâm hơn, tạo tâm lý thoải mái trước kỳ thi tốt nghiệp. Ngược lại, các em phải dồn lực ôn tập cho kỳ thi.

Bà Cao Thị Quỳnh, Trưởng phòng Tuyển sinh, trường Đại học Đại Nam, nhìn nhận xét tuyển sớm giúp học sinh chủ động chọn môn có kết quả tốt nhất để đăng ký, từ đó tăng cơ hội đỗ ngành yêu thích.

"Không công bố điểm chuẩn sớm ảnh hưởng trực tiếp tới phụ huynh và thí sinh, bởi họ mong muốn có thông tin sớm để đưa ra quyết định", bà Quỳnh nói.

Ngoài ra, việc này còn ảnh hưởng tới tiến độ tuyển sinh, khiến các trường bị giảm tính tự chủ, giảm sự đa dạng về thí sinh, tăng áp lực khi xử lý lượng lớn hồ sơ cùng một lúc.

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2025 dự kiến được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào tháng 11.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều trường đại học dự kiến sẽ bỏ xét tuyển học bạ từ năm 2025. Trong khi, hàng loạt trường đã không sử dụng phương thức này từ nhiều năm trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hằng - Tâm Lệ ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN