Con tổn thương tâm lý vì bố mẹ thường xuyên cãi vã
Liên tục chứng kiến bố mẹ to tiếng, cãi vã, tiềm thức của trẻ sẽ in sâu những hình ảnh, lời nói đó, gây ra những tổn thương tâm lý lâu dài.
Liên tục chứng kiến bố mẹ to tiếng, cãi vã, tiềm thức của trẻ sẽ in sâu những hình ảnh, lời nói đó, gây ra những tổn thương tâm lý lâu dài.
"Mẹ ly hôn với bố đi"
"Ông chỉ bám váy đàn bà thôi", đó là câu Hạnh, 16 tuổi - con gái lớn của chị Nga (tên nhân vật đã được thay đổi) hét lên với bố trong cuộc cãi vã. Không kiềm được cơn giận khi thấy con xúc phạm bố, chị Nga đã giáng cho con 2 cái bạt tai. Lập tức, Hạnh vơ lấy chiếc hộp ở bên cạnh đập mạnh vào mặt, vừa khóc vừa nói "Con không muốn sống nữa". Nói rồi, Hạnh chạy về phòng, chốt cửa và ở lì trong đó suốt 2 ngày khiến chị Nga vô cùng lo lắng.
Vợ chồng chị Nga và 3 con nhỏ sống cùng bố mẹ chồng ở Hải Dương. Chị là trụ cột kinh tế gia đình, một tay chèo lái nuôi cả gia đình 7 miệng ăn, còn chồng hàng ngày chỉ ở nhà nhậu nhẹt. Đã vậy, anh còn hay sinh sự, chửi mắng vợ, con.
"Đi làm cả ngày, về đến nhà cũng mệt rồi nên tôi chỉ muốn yên ổn để cho con cái không phải chứng kiến bố mẹ cãi nhau, không làm ảnh hưởng, xấu hổ với hàng xóm. Thế nhưng anh ấy rất hay kiếm chuyện để vợ chồng phải cãi vã”, chị thở dài.
Chứng kiến không khí gia đình thường xuyên căng thẳng vì bố mẹ mâu thuẫn, to tiếng, Hạnh đã vài lần nói: "Mẹ ly hôn với bố đi”. Thế nhưng vì muốn giữ một gia đình trọn vẹn cho các con, chị Nga chấp nhận nhẫn nhịn chồng.
Trẻ buồn bã, bất an khi thấy cha mẹ, cãi nhau. Ảnh minh họa.
Điều chị Nga lo lắng nhất bây giờ không phải là chồng mà là những sự thay đổi tiêu cực của cô con gái lớn. Trước đây Hạnh ngoan ngoãn, thành tích học tập luôn thuộc top 3 của lớp. Nhưng hơn 1 năm nay, Hạnh học hành sa sút, nhiều lần cãi "tay đôi" với bố, thậm chí có lần bỏ nhà đi 2 ngày trời. Mẹ lo lắng nhắn tin, Hạnh cũng không trả lời, dù bình thường cô bé rất thương mẹ và không muốn mẹ phải buồn vì mình.
Không biết làm cách nào để tháo gỡ những bất ổn trong gia đình, chị Nga đã tìm tới chuyên gia tâm lý để xin tư vấn.
Bố mẹ cãi vã, con trẻ "lãnh đủ"
Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) cho biết, mâu thuẫn vợ chồng là điều khó tránh khỏi trong đời sống hôn nhân. Thế nhưng, nếu vợ chồng thường xuyên cãi nhau trước mặt con cái sẽ khiến những đứa trẻ gánh chịu rất nhiều tổn thương tâm lý.
"Đứa trẻ nào cũng có nhu cầu rất lớn là thấy bố mẹ yêu thương, kết nối. Một đứa trẻ hay phải chứng kiến cha mẹ cãi vã, to tiếng thì sẽ cảm thấy bất an, lo lắng, sợ hãi. Vì vậy, trẻ không muốn ở gần bố mẹ, không muốn trở về nhà do không còn cảm giác an toàn”, cô Lanh nói.
Khi mâu thuẫn, cãi vã, các cặp vợ chồng có xu hướng nói xấu đối phương. Trẻ nghe thấy bố nói xấu mẹ, mẹ nói xấu bố sẽ cảm thấy bố, mẹ đều đầy những nhược điểm, không đáng được tôn trọng. Vì thế, trẻ có thể trở nên không nghe lời, hư bướng, có những hành vi phản kháng, chống đối cha mẹ.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh
Bên cạnh đó, môi trường sống kiến tạo nên hành vi. Môi trường thân thuộc và gắn bó với trẻ nhất chính là gia đình. Liên tục chứng kiến bố mẹ thường xuyên to tiếng, xung đột, tiềm thức của trẻ sẽ in sâu những hình ảnh, lời nói đó, gây ra những tổn thương tâm lý lâu dài.
Trẻ có thể nghĩ rằng cãi nhau chính là biện pháp để giải quyết các vấn đề hoặc đạt được điều mình muốn. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc giao tiếp xã hội, cách ứng xử để giải quyết các vấn đề mà trẻ phải đối mặt sau này.
Trong hành trình lớn lên, tiềm thức của trẻ cũng sẽ từng bước thẩm thấu hình mẫu của cha mẹ, dần dần biến thành niềm tin, tư duy của trẻ. Những trải nghiệm, ký ức xấu về việc cha mẹ cãi vã có thể khiến trẻ tư duy tiêu cực về mối quan hệ gia đình, sau này lớn lên cảm thấy sợ hãi hôn nhân, sợ lấy chồng, lấy vợ.
Nữ chuyên gia tâm lý khuyến cáo các cặp vợ chồng nên lắng nghe, tôn trọng, đứng ở góc nhìn của nhau để đánh giá mọi chuyện, thỏa thuận với nhau để cùng giải quyết vấn đề thay vì cãi vã. Đặc biệt, nên học cách quản lý cảm xúc, hạn chế tối đa việc cãi nhau trước mặt con để tránh gây ra những tổn thương tâm lý cho con. Nếu con chứng kiến cảnh cha mẹ bất hòa, sau khi mọi chuyện đã êm đẹp, cha mẹ nên trò chuyện, tâm sự với con để con cảm thấy mình vẫn đang được cha mẹ quan tâm và những tranh cãi đều đã được giải quyết một cách tốt đẹp.
Nguồn: [Link nguồn]
Cha mẹ ai cũng muốn rèn luyện kỷ luật cho con cái. Tuy nhiên, những hành động vô tình của bạn dưới đây sẽ khiến con bạn cảm thấy bị tổn thương và bạn rất khó dạy được...