Con phải làm sao khi bị bắt nạt ở trường?

Sự kiện: Dạy con

Vụ cô bé lớp 9 ở Hưng Yên bị bạn đánh hội đồng lột quần áo không phải là vụ đầu tiên và chắc chắn cũng sẽ không phải vụ cuối cùng nếu như chúng ta không dạy con kỹ năng phòng và tránh bị bắt nạt trong trường học cũng như chính các trường, các thầy cô không vào cuộc tích cực.

Chia sẻ với các cha mẹ và thầy cô một vài điều hy vọng giúp được con cái chúng ta.

Nữ sinh lớp 8 bị bạn cào rạch mặt mới đây tại Nghệ An.

Nữ sinh lớp 8 bị bạn cào rạch mặt mới đây tại Nghệ An.

Với các con

1. Hãy cho trẻ tập thể lực. Không nhất thiết phải là học võ. Cứ là rèn luyện thể lực cho tốt là được. Có sức khoẻ ít nhất lũ trẻ có thể… bỏ chạy nhanh hơn khi bị vây đánh. Bớt một giờ học tiếng Anh thêm 1 giờ tập thể dục vì đám bắt nạt không dùng tiếng Anh nói chuyện đâu.

2. Dạy trẻ sinh mạng là trên hết. Đừng nói cái gì như là "đàn ông đàn ang" hay sĩ diện này nọ. Giữ được sinh mạng rồi về ta tính tiếp.

3. Tránh xa những rắc rối và những đứa bạn hay nói chuyện đánh nhau, bạo lực hoặc thích gây sự với các bạn bè khác. Đây cũng là cách để giải trừ bạo lực cho cộng đồng của các con. Những kẻ ưa bạo lực sẽ thấy đó là điều không được ai hoan nghênh. Muốn chơi cùng - hãy trở thành một đứa trẻ văn minh, lịch sự.

4. Gặp đám côn đồ, đừng tỏ ra sợ hãi, rúm ró, khép nép nhưng cũng đừng tỏ ra ta đây cóc sợ. Hãy bình tĩnh nhất có thể. Giấu nỗi sợ đi. Nói chuyện khiêm tốn, vừa phải và cố gắng dừng lại ở mức này, không thách thức, sẵn sàng nhận thua, xin lỗi và rút lui kịp thời. Mềm mỏng là cách làm nguội cơn giận của người khác. Và trong lúc nói chuyện, hãy để ý xung quanh tìm kiếm con đường thoát thân.

5. Bỏ chạy luôn là cách nhanh nhất để tránh một trận ẩu đả. Một, hai, ba… chạy! Hết tốc lực mà chạy.

6. Hãy nhắm hướng đông người mà chạy. Hãy chạy vào những nơi như nhà hàng, quán cafe, công sở, ngân hàng… nếu không tìm thấy đồn công an.

7. Tuyệt đối không nghe theo lời kẻ đang đe doạ mình mà đi tới nơi vắng vẻ. Kẻ bắt nạt luôn muốn kéo nạn nhân vào nơi vắng vẻ để đánh.

8. Nếu có thể, hãy bấm điện thoại gọi 113 hoặc người thân. Điện thoại luôn đặt chế độ quay số nhanh bằng cách giữ phím.

9. Bị bắt nạt, đe doạ hay bất cứ khi nào thấy dấu hiệu có những kẻ muốn đánh mình cần phải nói sớm nhất có thể với cha mẹ hoặc thầy cô. Đừng sợ mà giấu. Kẻ bắt nạt muốn các con không được kể với ai vì chúng sợ con kể với người khác.

10. Luôn có những người bạn, nhóm bạn thân để nếu bất cứ ai trong nhóm bị tấn công, những người còn lại sẽ đi báo thầy cô, cha mẹ, công an một cách nhanh nhất.

Với cha mẹ - thầy cô

1. Luôn tin vào những gì lũ trẻ nói. Đừng xua đuổi chúng. Đừng nghi ngờ chúng và cũng đừng coi nhẹ những lời chúng nói.

2. Luôn để mắt tới lũ trẻ. Những đứa trẻ nào dễ bị bắt nạt thì càng phải để ý tới chúng nhiều hơn. Coi trọng những dấu hiệu cho thấy con cái mình, học trò mình đang bị uy hiếp, bắt nạt như trẻ sống thu hẹp mình, hay sợ hãi, tâm trạng phấp phỏng, lo âu… (Cha mẹ thầy cô nên được học kỹ về các dấu hiệu - Google đi, đừng lười. Hoặc mua cuốn 30 ngày cùng con học hiểu về phòng chống bạo hành của tôi)

3. Dạy trẻ những kỹ năng về phòng tránh bạo lực học đường. 4. Cho trẻ biết chúng luôn được cha mẹ thầy cô bảo vệ.

5. Tạo cho con cái - học trò tâm lý thoải mái để chúng có thể chia sẻ bất cứ câu chuyện gì với chúng ta.

6. Để mắt đến cả những hành vi nếu con em mình thích bạo lực, hay sử dụng bạo lực.

7. Kết nối với bạn bè của con cái mình, học trò mình. Chúng sẽ là tai mắt hữu hiệu của mình.

8. Làm sạch môi trường quanh con cái bạn - học trò của bạn bằng việc nói không với bạo lực - bắt nạt - nói xấu. Trừng phạt mạnh tay với những hành vi này ngay khi nó mới manh nha bắt đầu.

9. Cho con cái thấy, cho học trò thấy chúng ta sẽ làm gì nếu con cái chúng ta, học trò của chúng ta bị bắt nạt. Trẻ sẽ yên tâm hơn khi biết cha mẹ, thầy cô chúng luôn có sẵn những giải pháp bảo vệ chúng.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyên gia giáo dục chia sẻ cách giúp con trẻ thoát khỏi bạo lực học đường

Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết con của bạn đang bị bạo lực học đường, ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh Tú ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN