Con gái nằm trong top 3 của trường nhưng mẹ vẫn không thoả mãn còn suốt ngày cằn nhằn khiến cô bé phải thốt lên một câu khiến mẹ 'chết lặng'

Sự kiện: Giáo dục

Con gái không chỉ ngoan ngoãn, hiểu chuyện mà còn có thành tích học tập rất xuất sắc, luôn nằm trong top 3 của trường. Dù vậy, mẹ cô bé vẫn cho là chưa đủ.

Mới đây, một câu chuyện được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội Trung Quốc về cặp mẹ con gây xôn xao. Theo đó, chương trình truyền hình nước này đã mời đến trường quay con gái Đinh Đinh và người mẹ của em. Mục đích chương trình là để kể những câu chuyện xoay quanh cuộc sống, học tập của trẻ nhỏ.

Mở đầu tập chương trình, trong khi cô bé Đinh Đinh ngoan ngoãn ngồi giải bài tập về nhà thì người mẹ của bé không ngừng dạy dỗ con: "Mẹ không dám ăn, không dám mặc, dành hết hy vọng cho con. Mẹ chỉ mong con có thể thay đổi cuộc sống của chính mình".

Con gái học giỏi, ngoan ngoãn mẹ vẫn không hài lòng.

Con gái học giỏi, ngoan ngoãn mẹ vẫn không hài lòng.

Nghe người mẹ chia sẻ, có lẽ ai cũng nghĩ rằng, Đinh Đinh rất ngỗ nghịch, ngang bướng nên mới để mẹ phải nói nhiều như thế. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn ngược lại, Đinh Đinh không chỉ ngoan ngoãn, hiểu chuyện mà còn có thành tích học tập rất xuất sắc, luôn nằm trong top 3 của trường. Dù vậy, mẹ Đinh Đinh vẫn cho là chưa đủ.

Đinh Đinh luôn mơ ước trở thành một vũ công. Mỗi khi tham gia lớp học khiêu vũ, Đinh Đinh đều rất nghiêm túc, chăm chỉ nhưng mẹ em lại luôn thấy con chưa đủ cố gắng, nỗ lực và trì hoãn việc học. Nhiều lần, mẹ Đinh Đinh gọi con ra ngoài mắng và ngăn cấm con đi học vũ đạo.

Khi Đinh Đinh làm bài kiểm tra đạt điểm B+, người mẹ của cô bé cho rằng: "Điểm B+ chẳng là gì cả". Như thể mọi ưu điểm của Đinh Đinh trong mắt người mẹ đều như vô hình. Người mẹ vĩnh viễn cảm thấy con gái mình thiếu sót rất nhiều và chưa bao giờ đủ tài giỏi.

Khi suốt ngày phải nghe mẹ không nhừng cằn nhằn: "Mẹ làm mọi thứ vì con", Đinh Đinh cuối cùng cũng bộc bạch lòng mình. Em nói rằng, mình không thích mẹ và hy vọng mẹ sau khi tan làm sẽ không về nhà!

Áp lực từ mẹ khiến con gái không thích mẹ về nhà sau giờ làm nữa.

Áp lực từ mẹ khiến con gái không thích mẹ về nhà sau giờ làm nữa.

Khoảnh khắc đó đã khiến rất nhiều phụ huynh xem truyền hình phải lặng người. Họ cảm nhận được sự tuyệt vọng và chán nản của Đinh Đinh. Một số khán giả đã bình luận rằng: 

- "Cách giáo dục đó thật tiêu cực và áp đặt", 

-"Tôi cảm thấy được bầu không khí nặng nề vây quanh Đinh Đinh",...

Trung Quốc: Áp lực kỳ vọng từ phía cha mẹ còn cao hơn cả áp lực thi cử

Tờ South China Morning Post đã dẫn kết quả một cuộc nghiên cứu mới nhất của tổ chức hỗ trợ học sinh Học Hữu Xã, Trung Quốc. Theo đó nhiều học sinh trung học không cảm thấy quá căng thẳng trước kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, nhưng lại cảm thấy áp lực từ chính cha mẹ.

Theo kết quả khảo sát, các em học sinh cho rằng mức độ căng thẳng trung bình là 6,75/10 - giảm hơn so với năm ngoái. Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân vì học sinh ngày càng tự tin hơn về điểm số.

Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh cho rằng họ đang phải chịu áp lực, kỳ vọng từ cha mẹ là 42,1%, tăng gần 1% so năm ngoái (41,5%).

54,3% học sinh muốn cha mẹ "cho không gian riêng" trong quãng thời gian ôn thi này và khoảng 42,5% muốn cha mẹ đừng so sánh con cái họ với bạn bè.

Với hầu hết các bậc phụ huynh ở quốc gia tỷ dân, mục tiêu của họ là giúp con mình có thể theo học các đại học top đầu như Bắc Kinh, Thanh Hoa...

Tại một quốc gia đất chật người đông và ngày càng phát triển, cuộc cạnh tranh về giáo dục trở nên cực kỳ khốc liệt. Ấp ủ hy vọng con cái mình không bị tụt lại so với bạn bè và đề cao phương châm "không để con thua ở vạch xuất phát", các bậc phụ huynh đầu tư cho mình từ rất sớm.

Thậm chí với nhiều đứa trẻ, cuộc đua đó bắt đầu ngay từ khi chúng chập chững biết đi.

Kỳ vọng từ bố mẹ khiến trẻ Trung Quốc gặp nhiều áp lực từ khi còn nhỏ. (Ảnh: CNN)

Kỳ vọng từ bố mẹ khiến trẻ Trung Quốc gặp nhiều áp lực từ khi còn nhỏ. (Ảnh: CNN)

Theo NPR, niềm tin vào sức mạnh vào giáo dục và mong muốn con cái không bị tụt lại so với bạn bè cùng trang lứa khiến nhiều gia đình trích ra trung bình 25-50% thu nhập của họ cho các hoạt động giáo dục bổ túc cho con cái.

Tại Bắc Kinh, các lớp học toán và ngoại ngữ cho học sinh tiểu học sẽ dao động từ 500-1.000 NDT (1,7-3,5 triệu đồng)/giờ. Các lớp năng khiếu như khiêu vũ sẽ có giá tối thiểu là là gần 19.000 NDT (hơn 67 triệu đồng)/tháng.

Một trong thuật ngữ nổi lên Trung Quốc những năm gần đây là "gà con". Các phụ huynh - "gà mẹ" sẽ huấn luyện con em phương pháp mà nhiều người vẫn thường gọi là "luyện gà".

Các "gà con" sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình mà bố mẹ đề ra, tham gia các lớp học văn hóa, năng khiếu gần như kín tuần.

Như trường hợp của Li - một phụ huynh tới từ Bắc Kinh, buổi sáng của cô bắt đầu bằng việc cho con gái 11 tuổi đi học vào 6h. Tới chiều, 15h, Li đón và đưa con mình tới lớp khiêu vũ, lớp học toán và lớp học bơi. Có nhiều khi quá vội, mẹ con Li phải ăn tối ngay trên xe khi di chuyển giữa các lớp.

Một ngày của Li sẽ kết thúc vào 23 giờ khi cô đưa con về nhà.

Nhưng Li nói bản thân mình vẫn còn chưa quá nghiêm khắc với con cái như các bậc phụ huynh khác.

Những "gà mẹ" nổi tiếng nhất phải kể tới các phụ huynh ở quận Hải Điền - nơi tập trung nhiều trường đại học nổi tiếng của Trung Quốc, trong có cả Bắc Kinh và Thanh Hoa. Đây là cũng là nơi có nhiều trường tiểu học và trung học danh giá nhất.

"Tôi gặp một số "gà mẹ của Hải Điền". Họ rất tuyệt vọng. Họ dường như không thèm quan tâm xem con cái thích gì", Li nói.

"Nhiều năm trước, hầu hết đều tin rằng một đứa trẻ 5 tuổi biết 1.500 từ tiếng Anh là đủ sống ở Mỹ. Nhưng con số đó giờ là chưa đủ để chúng cạnh tranh với bạn bè nếu sống ở quận Hải Điền", Ding Yanqing - Giáo sư khoa Giáo dục sau Đại học của Đại học Bắc Kinh (PKU) chia sẻ.

Tuy nhiên, phong cách nuôi dạy con của các bậc "bố mẹ gà" ở Trung Quốc với sự ám ảnh về thành tích của con cái có thể ngăn cản sự phát triển toàn diện của các em. Văn hóa "bố mẹ gà" được cho là đang nằm trong tầm ngắm của các nhà chức trách Trung Quốc.

Vào thời điểm Bắc Kinh muốn các gia đình sinh nhiều con hơn để bổ sung nguồn lực lao động trong tương lai, giới chức Trung Quốc lo ngại cách nuôi dạy con cái đầy áp lực và cạnh tranh của các "bố mẹ gà" có thể ngăn cản chính sách ba con mới của nước này.

Trong khi đó, Giáo sư Thẩm Dịch Phi thuộc Đại học Phúc Đán nhận định, kiểu cha mẹ trên thường có tâm lý sợ con chậm lớn, bị tụt lại so với bạn bè cùng trang lứa. Nhiều người mong muốn con thành tài, vô tình bỏ quên ý kiến của con. Họ sẵn sàng dùng nhiều cách khác nhau để thuyết phục, thậm chí ép con tham gia hàng loạt lớp học thêm.

Khi cuộc sống thay đổi, con người buộc phải hoàn thiện bản thân để chứng minh vị thế trong xã hội. Qua đó, giấy khen, huy chương, chứng chỉ ngoại ngữ dần trở thành tấm vé thông hành cho những đứa trẻ thời hiện đại, giúp các em thi được vào những trường học top đầu.

Tuy nhiên, nuôi con kiểu "luyện gà" có thể gây phản tác dụng. Khi đứa trẻ bị ép vào khuôn khổ, chúng có thể hình thành tâm lý phản kháng. Hơn nữa, lịch học dày đặc, áp lực thành tích có thể khiến trẻ cảm thấy nặng nề, ám ảnh tâm lý. Trong tương lai, những điều này có thể để lại hậu quả không ngờ đến.

Bà Trần Thiện Văn, phó giám đốc trung tâm hướng dẫn học sinh thuộc Học Hữu Xã, cho rằng: "Cha mẹ nên đóng vai trò là người hỗ trợ và hướng dẫn. Họ có thể đồng hành cùng con mình để hiểu chúng hơn và biết về những triển vọng trong tương lai để giúp chúng có kế hoạch cho cuộc sống".

Nguồn: [Link nguồn]

Học người Nhật cách dạy con thông minh vượt trội từ 2 tuổi

Phụ huynh người Nhật thường dạy con tự lập, có quy tắc, ngoài ra họ cũng có nhiều bí quyết giúp trẻ thêm thông minh rất đáng để học hỏi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thư Di ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN