Con gái 56 tuổi trải qua 3 đời chồng lại quay về ăn bám bắt mẹ già cơm bưng nước rót, tất cả đều do cách dạy con sai lầm này
Hai trong số 3 người chồng của cô không thế chịu đựng nổi cách sống đã được hình thành từ bé của vợ mình.
Con gái lớn không biết làm gì vì được nuông chiều từ bé
Theo trang 163, Xiong Li sinh năm 1967, là con út trong một gia đình có 6 anh chị em ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn, nhưng từ nhỏ đã có nhan sắc xinh đẹp nên Xiong Li được cha mẹ nuông chiều hết mực, không bao giờ phải động tay động chân vào bất cứ công việc nào trong nhà.
Thậm chí, ăn có cha đút, tắm có mẹ lo, mỗi sáng Xiong Li còn được mẹ nhúng khăn mặt vào nước, bôi kem đánh răng vào bàn chải. Tất cả những thứ tốt đẹp nhất trong gia đình, chỉ cần cô muốn, cha mẹ sẽ bất chấp thực hiện và yêu cầu các anh chị còn lại nhường cho em.
Tuy là con nhà nghèo nhưng từ nhỏ, Xiong Li chưa từng phải làm việc nhà (Ảnh Sina)
Vào đầu những năm 1970, nguồn cung cấp cực kỳ khan hiếm và mỗi gia đình cung cấp rất ít ngũ cốc tốt, cha mẹ đã để dành những loại này cho một mình Xiong Li. Trong những ngày lễ, đơn vị phân phát một số kẹo, người mẹ cũng không chia đều mà đưa hết cho con út.
Thậm chí khi bố qua đời vào năm cô 13 tuổi, mẹ cô đã bắt những đứa con lớn phải nghỉ học để làm việc nuôi em.
Do được cưng chiều nên Xiong Li cũng không mặn mà chuyện học. Rốt cuộc anh chị ham học phải nghỉ học để nuôi em, còn em út thì bỏ học ngay trước khi vào cấp 3. Nhưng khi ở nhà người mẹ vẫn không muốn cô phải ra ngoài làm việc như các anh chị của mình. Mỗi ngày cô ăn uống, ngủ nghỉ và không phải làm bất cứ việc gì.
Nghĩ rằng bản thân có khả năng quyết định mọi thứ nên Xiong Li dần hình thành thành tính cách ích kỷ và kiêu ngạo. Cô muốn mọi người phải phục tùng theo mệnh lệnh của mình.
Cụ bà 94 tuổi vẫn vui vẻ hầu hạ con gái hàng ngày (Ảnh Sina)
Dần dần, những đứa con lớn lên, đi làm, thường gửi tiền về cho mẹ. Riêng Xiong Li được mẹ cưng chiều, không muốn cô phải bươn chải bên ngoài. Những đứa con lớn không biết mẹ đã dùng hết số tiền được chu cấp để mua quần áo, đồ tiện nghi cho em út.
Hàng xóm khuyên bà đừng chiều con như vậy nhưng bà không nghe.
Khi Xiong Li đến tuổi kết hôn, nhiều thanh niên trong làng đến hỏi cưới nhưng bà từ chối hết. Bà muốn con gái được gả vào một gia đình giàu có để không phải chịu khổ cực.
Cũng may, Xiong Li càng lớn càng xinh đẹp. Vẻ bề ngoài của cô đã thu hút được một người đàn ông giàu có. Ở thời đại bạn bè đều coi chiếc xe đạp là tài sản lớn, Xiong Li đã ngồi ô tô về nhà chồng.
Đám cưới của cô hoành tráng đến nỗi tất cả mọi người trong làng đều đến xem, ai cũng ghen tị với sự may mắn của Xiong Li.
Sau khi kết hôn, Xiong Li sống sung sướng như cô mong muốn. Cô có một tài xế phục vụ mỗi khi cần đi ra ngoài và một người giúp việc nhà. Đáng tiếc, thời gian tốt đẹp ấy không kéo dài lâu.
Mặc dù người chồng rất thích sắc đẹp của vợ nhưng tính cách ích kỷ và lười biếng của Xiong Li khiến anh không thể chịu đựng. Anh đệ đơn ly hôn và bồi thường cho cô 140.000 tệ (gần 500 triệu đồng).
Thời điểm đó, 140.000 tệ là số tiền rất lớn, đủ để mua 2 căn nhà trong thành phố. Nhưng Xiong Li, người đã quen với thói hoang phí đã tiêu hết nó trong vòng 2 năm.
Cụ bà vẫn bênh vực mỗi khi con gái bị chỉ trích. (Ảnh Sina)
Dù đã trải qua một cuộc hôn nhân nhưng Xiong Li vẫn trẻ trung xinh đẹp. Cô lại chưa sinh con nên có rất nhiều đàn ông ngỏ ý. Lần này, cô chọn được một người làm kinh doanh, tuy không giàu bằng người chồng đầu tiên nhưng cũng dư dả, đủ để cô tiếp tục an nhàn, hưởng thụ.
Đáng tiếc, Xiong Li vẫn không thay đổi, chỉ mải mê ăn chơi nên người chồng thứ 2 quyết định dừng lại cuộc hôn nhân sau 3 năm chung sống.
Sau đó không lâu, cô kết hôn với người đàn ông là công nhân vệ sinh. Người này không giàu nhưng lại ngoan ngoãn đưa từng xu mình kiếm được cho vợ.
Nhưng người phụ nữ đã quen với cuộc sống xa hoa, làm sao có thể sống với số lương ít ỏi. Vì vậy, cô đệ đơn ly hôn khi vừa bước qua tuổi 40.
Trải qua 3 cuộc hôn nhân, Xiong Li tiêu hết sạch số tiền bồi thường, không kiếm được ai dựa dẫm vì nhan sắc lúc này đã xuống cấp trầm trọng, cô phải bỏ về quê ngoại ở cùng với mẹ.
Lúc này mẹ cô đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn xót con gái vô cùng, bà chấp nhận nuôi dưỡng hai người bằng số tiền các con lớn gửi và tiền lương hưu của mình.
Người mẹ già nhìn thấy đứa con gái "nhỏ" của mình trở lại sống cùng thì rất vui mừng. Bà chăm sóc cô hàng ngày như một đứa trẻ không thể tự chăm sóc bản thân, cô hầu như không động tay vào việc nhà, kể cả nấu ăn và giặt quần áo.
Xiong Li vốn được cưng chiều chiều chuộng từ nhỏ nên coi những thứ này là đương nhiên, cô chưa bao giờ nghĩ đến việc ra ngoài tìm việc làm, chỉ ở nhà nghịch điện thoại hay đến các tụ điểm giải trí.
Người mẹ chăm sóc đứa con ngái lớn tuổi của mình hàng ngày, mỗi sáng đều dậy sớm để mua thức ăn cho con, thậm chí còn mang đồ ăn sáng vào phòng khi trời lạnh. Ăn xong bà phải rửa bát, giặt quần áo, làm việc nhà, tính toán làm gì với tiền hưu mỗi tháng cho hai mẹ con.
Xiong Li nhìn mẹ già của mình, không những không cảm thấy đau lòng mà còn nghĩ rằng đây là việc mà một người mẹ nên làm, cùng lắm là trò chuyện với mẹ, chưa bao giờ nghĩ đến việc giúp mẹ. Thậm chí cô còn ngửa tay xin tiền mẹ khi có món đồ cần mua.
Các anh chị thấy cảnh đó thường chỉ trích và bảo cô hãy ra ngoài kiếm việc làm nhanh đi, đừng bắt mẹ phải khổ sở hầu hạ. Nhưng Xiong Li rất khó chịu, và ngay lập tức trả lời: "Anh chị đều ra ngoài làm việc, và tôi là người duy nhất ở nhà với mẹ. Các người nuôi tôi được ngày nào chưa? Tại sao lại làm phiền tôi?" .
Người mẹ già thấy vậy cũng xua tay bảo các con đây là ý của mẹ, đừng trách móc nữa.
Mấy năm sau, căn nhà của họ được cho là vào diện giải tỏa. Người mẹ và mỗi đứa con trong hộ khẩu được chia một căn hộ và trợ cấp một số tiền lớn. Các anh chị của Xiong Li quyết định làm một số tiết kiệm, và toàn bộ số tiền đền bù sẽ được đưa cho mẹ như một khoản trợ cấp, phòng khi mẹ ốm đau, cần một số tiền lớn.
Dĩ nhiên, cụ bà đưa toàn bộ cho con gái cưng, căn nhà mới cũng giao cho con gái út đứng tên. Xiong Li cho thuê phía trước, và lấy tiền này tiêu vặt.
Năm 2019, Xiong Li lúc này 52 tuổi, người mẹ 94 tuổi, trong một lần bà đi chợ để mua rau về nấu ăn cho cô, bà đã bị ngã gãy xương. Phía bệnh viện yêu cầu Xiong Li nộp tiền để làm phẫu thuật cho mẹ nhưng cô không thể.
Số tiền đền bù phá dỡ căn nhà, cô đã tiêu hết. Xiong Li chỉ đành gọi cho các anh chị, yêu cầu họ gửi tiền gấp.
Anh chị chất vấn Xiong Li sổ tiết kiệm của mẹ đâu mà đến nhập viện cũng không có mà đóng (Ảnh Sina)
Biết chuyện, cơn giận dữ tích tụ nhiều năm cuối cùng cũng bộc phát, anh chị của cô không những không chịu trả phí phẫu thuật mà còn mắng chửi cô thậm tệ.
Trải qua nhiều tranh cãi, kiện cáo, cuối cùng, anh chị Xiong Li cũng chấp nhận chi trả hết số tiền phẫu thuật cho mẹ. Nhưng họ đưa ra điều kiện, cô không được phụ thuộc vào mẹ và phải tự nuôi sống bản thân mình.
Tuy vậy, do chưa bao giờ phải làm việc nên hiện tại Xiong Li vẫn gặp khó khăn trong việc tự kiếm việc làm.
Xiong Li hứa khi mẹ khỏe cô sẽ đi tìm việc làm, nhưng giờ cô đã 52 và chưa một lần quét nhà, ai sẽ nhận? (Ảnh Sina)
Nhiều người chê trách Xiong Li nhưng cũng nhiều người cho rằng, để tạo nên một 'em bé khổng lồ' như Xiong Li, lỗi trước tiên thuộc về cha mẹ.
"Cha mẹ thương xót con cái, nhưng cũng phải dạy chúng cách trưởng thành, cách tồn tại và cách đối mặt với sóng gió cuộc đời. Đây là một loại trách nhiệm đối với con cái", một người viết.
Bi kịch của đứa trẻ bị nuông chiều quá đà
Đứa trẻ nào sinh ra cũng giống như tờ giấy trắng và mang đức tính tốt đẹp. Chính cách giáo dục của mỗi gia đình lại tạo ra những cuộc đời khác nhau.
Trong đó, nuông chiều con cái là một trong những phương pháp giáo dục con sai lầm, dễ đẩy cuộc đời đứa trẻ vào bi kịch. Những đứa trẻ lớn lên được nuông chiều tất yếu thiếu tinh thần kiên cường và dũng khí vượt khó.
Ở nước Anh thì hiện tượng này được dùng thuật ngữ NEET (Not in Education, Employment, or Training) để chỉ những người không đóng góp sức lao động cho xã hội hay tham gia các hoạt động giáo dục hoặc đào tạo, không có thu nhập kinh tế, hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình.
Ở Pháp, đó là những "đứa con chuột túi" (Kangaroo), được bố mẹ nuôi kể cả khi đã đến tuổi trưởng thành.
Còn ở Trung Quốc, gọi là những "đứa trẻ to xác" không thể tự độc lập về kinh tế, cần sự bảo bọc của cha mẹ.
Nếu nuông chiều con mù quáng, cha mẹ không chỉ tước mất của con cơ hội được trưởng thành mà còn tạo nên những đứa trẻ ích kỷ, chỉ biết sống hưởng thụ. Cha mẹ càng dễ dàng trong việc nuôi dạy sẽ khiến trẻ càng dễ mắc sai lầm, dần dần không có cách nào vực dậy được.
Ảnh minh hoạ
Dưới đây là nguyên tắc "5 không chiều" mà cha mẹ có thể tham khảo nhằm khuyến khích tính độc lập và trưởng thành của trẻ:
- Đừng chiều những đứa trẻ không biết nguyên tắc:
Cha mẹ nên dạy cho trẻ những nguyên tắc xã hội ngay từ khi còn nhỏ. Hãy nói cho con biết những điều con nên và không nên làm. Lúc bắt đầu, chúng ta sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Nhưng khi khôn lớn, con sẽ hiểu được sự khổ tâm của cha mẹ.
- Đừng chiều cho trẻ không làm việc nhà:
Các công việc nhà tưởng như nhỏ bé như quét dọn nhà cửa, gấp quần áo, nhặt rau... nhưng lại rất có lợi trong việc rèn kỹ năng sống cho trẻ. Nếu như cha mẹ cứ mãi làm hộ con việc nhà, cha mẹ không chỉ khiến trẻ trở nên lười biếng mà còn "tước" mất quyền được học kỹ năng sinh tồn cơ bản. Bên cạnh đó, làm việc nhà không chỉ giúp con tăng tính tự giác, có trách nhiệm với gia đình hơn.
- Đừng bỏ qua những lần con thất lễ với người lớn:
Khi con được bao bọc trong sự nuông chiều của người lớn, con bắt đầu có những hành vi cử chỉ và lời nói xấc xược. Khi đó, cha mẹ cần phải giáo dục và uốn nắn con nghiêm khắc. Tất nhiên chúng ta không bắt con phải học hết những lễ nghi rườm rà, phức tạp. Nhưng những lễ phép cơ bản thì con nhất định phải nắm được.
- Đừng chiều những đứa trẻ hay khóc lóc ầm ĩ:
Những đứa trẻ hư thích dùng nước mắt hay ăn vạ để lấy được lòng thương cảm của người lớn. Tuy nhiên, khi con làm sai, cha mẹ không nên vì thương con mà lúc nào cũng nhân nhượng cho con. Lâu dần, hành vi này sẽ hình thành cho trẻ một lối suy nghĩ sai lầm. Trẻ sẽ nghĩ rằng mình chỉ cần tỏ ra yêu đuối, cả thế giới xung quanh sẽ phải đảm bảo những thứ chúng muốn.
- Đừng chiều đứa trẻ ích kỷ:
Những đứa trẻ ngoan là người biết cách nhường nhịn và quan tâm người xung quanh đúng lúc, đúng chỗ. Đối với con, cha mẹ luôn sẵn sàng dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Khi con còn nhỏ, con chưa đủ nhận thức để hiểu những đặc quyền ấy quý giá nhường nào.
Cũng vì thế, con sẽ dần hình thành suy nghĩ bố mẹ và người lớn phải có nghĩa vụ chiều chuộng mình. Nếu suy nghĩ này không được thay đổi, dần dần con sẽ đánh mất chính mình, thậm chí trở thành người vô ơn và bất hiếu khi trưởng thành.
Nhiều cha mẹ thường có tâm lý không muốn con mình buồn bực, chán ghét nên cố gắng đáp ứng mọi đòi hỏi của con.
Nguồn: [Link nguồn]