Con em công nhân thiếu chỗ “nương thân”

Công nhân làm việc cực khổ, thu nhập thấp nhưng đến khu lưu trú cho họ cũng không có, rồi con em họ đi học làm sao?

“Để xảy ra việc bạo hành trẻ thời gian qua là quá đau lòng. Đó là tiếng chuông cảnh báo đến việc chăm lo đời sống cho anh em công nhân. Chúng ta không thể để tình trạng có KCN, KCX để lo lợi nhuận mà quên an sinh xã hội cho người lao động được”.

Đó là trăn trở của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tại buổi họp riêng với Sở GD&ĐT TP.HCM sáng 24/12 về những vấn đề xoay quanh công tác quản lý, đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao sự quyết liệt của TP thời gian qua, đồng thời chia sẻ những khó khăn mà TP.HCM phải đối mặt vì tốc độ tăng dân số cơ học hằng năm cao nhưng vẫn dành quỹ đất đầu tư cho các KCN. TP cũng đã có quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020, đến nay đã được 10 năm. Trong 13 KCN, một khu đã khánh thành các lớp học cho trẻ, năm khu đã có dành quỹ đất để đầu tư và khởi công xây dựng trường học trong thời gian tới.

Con em công nhân thiếu chỗ “nương thân” - 1

Anh Tường dự định đi làm thêm một, hai năm nữa kiếm tiền về quê để có điều kiện chăm sóc con tốt hơn. Ảnh: Mai Thanh

Thứ trưởng yêu cầu TP phải tổ chức rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp. Ở đâu đông dân cư, TP phải tập trung hơn nữa để đảm bảo công tác chăm sóc trẻ. Sở nên tham mưu, đốc thúc để các dự án trường học được khởi công sớm, giảm áp lực cho người lao động, nơi nào còn vướng quy hoạch thì tìm cách tháo gỡ ngay. “Công nhân làm việc cực khổ, thu nhập thấp nhưng đến khu lưu trú cho họ cũng không có, rồi con em họ đi học làm sao? Đó là vấn đề rất lớn nhưng vẫn chưa được quan tâm. Nếu cần, địa phương phải báo cáo và đề xuất lên Chính phủ để có chính sách chăm lo ngay” - Thứ trưởng chia sẻ.

Thứ trưởng cho rằng TP.HCM đã có chủ trương kích cầu để xây dựng trường mầm non tư thục là tốt và cần thực hiện mạnh hơn nữa. Ngân sách Nhà nước hạn hẹp, dân nhập cư nhưng không ổn định, TP nên cân nhắc, mở rộng nhiều loại hình trường lớp, phương thức giáo dục như tư thục, dân lập, tăng loại hình bán công lưu trú… để cộng đồng chia sẻ thêm. Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để tăng thu nhập cho giáo viên hoặc tạo điều kiện bồi dưỡng giáo viên.

Để xảy ra sự việc đau lòng vừa qua, ngoài vấn đề đạo đức nghề nghiệp, vấn đề kỹ năng chăm sóc và giáo dục trẻ của giáo viên còn quá thiếu. Vì vậy, Sở GD&ĐT cần tăng cường bồi dưỡng hơn nữa cho cán bộ giáo viên công và ngoài công lập, nhất là các nhóm trẻ nhỏ lẻ để họ có thêm kiến thức, kỹ năng về cả pháp luật và nuôi dưỡng trẻ nhằm hạn chế tối đa những thương tâm tương tự.

Tôi biết gửi con ở đâu cho an toàn?

Vợ chồng anh Huỳnh Hữu Tường (Quảng Ngãi) vào TP.HCM lập nghiệp đã hơn sáu năm nay. “Cưới nhau rồi ai mà không muốn có con để vui cửa vui nhà. Vợ chồng tôi cũng vậy. Lúc chưa có con, vợ chồng tôi cũng lo lắng không biết sau này gửi con như thế nào vì thấy mấy anh chị công nhân gần đây gửi con ở nhóm trẻ gia đình mà thấy không an tâm cho lắm. Chờ hoài không thấy Nhà nước xây trường trong KCN. Không lẽ chờ hoài, rồi cũng có con. Bất đắc dĩ tôi phải gửi con ở nhóm trẻ gia đình để đi làm” - anh Tường chia sẻ.

Mai Thanh

Cùng ngày tại TP.HCM, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo góp ý hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non cho khoảng 200 cán bộ quản lý, giáo viên của gần 30 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Theo đó, sau bốn năm, đã có 98% cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Từ ý kiến đóng góp của các địa phương, chương trình này có nhiều ưu điểm, được xây dựng theo hướng chương trình khung, đảm bảo sự sáng tạo cho giáo viên mầm non, thể hiện được sự liên thông giữa mầm non và tiểu học, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ.

Tuy nhiên, dù là chương trình khung nhưng còn một số nội dung chưa rõ ràng, phần hướng dẫn chưa thật cụ thể khiến giáo viên khó khăn, lúng túng khi triển khai. Giữa chương trình và hướng dẫn có nhiều điểm chưa thống nhất. Đơn cử, theo chương trình, trẻ ở độ tuổi 4-5 chỉ làm quen với một số chữ cái, đến năm tuổi sẽ làm quen với tất cả chữ cái và bắt đầu tập tô, đồ một số nét chữ. Nhưng trong hướng dẫn thực hiện lại là trẻ tô, đồ các chữ cái, dẫn đến xuất hiện rất nhiều sách tập tô, tập đồ các chữ cái nặng tính kỹ thuật như ở tiểu học là không đúng. Từ thực tế đó, Bộ đã xây dựng, bổ sung, hướng dẫn cụ thể lại, nhất là ở khối mẫu giáo, xoay quanh ba nội dung còn khó khăn: xây dựng kế hoạch chương trình, tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ, theo dõi và đánh giá sự phát triển của trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN