Con đến trường vẫn chạy theo cung phụng

Sự kiện: Dạy con

Những buổi đầu theo chân con vào lớp một, cha mẹ nào cũng chung nỗi băn khoăn: Con có quen môi trường học tập mới? Con sẽ ăn và ngủ bán trú thế nào? Con sẽ hăng hái đến trường hay mè nheo mỗi sáng?...

Con đến trường vẫn chạy theo cung phụng - 1

Tình yêu thương dành cho thiên thần bé bỏng của chúng ta rất đáng trân trọng. Nhưng khoảng cách giữa yêu thương đúng nghĩa và thương yêu mù quáng lại gần trong gang tấc. Tôi bắt gặp nhiều bậc sinh thành lo lắng, chở che và "úm" con quá mức.

Mười một giờ trưa, chuông reo báo hiệu giờ học buổi sáng ở trường tiểu học vang lên. Phụ huynh ùa vào, hối hả, cập rập vì vừa rời nhiệm sở, cơ quan tranh thủ chạy sang thăm, nhìn và theo dõi tình hình con trẻ. Hộp sữa chua, chai nước cam, bịch nước mía lủng lẳng trên tay cha mẹ.

Vì tiền sảnh không đủ chỗ cho học sinh bán trú cùng ăn trưa nên các cháu lớp một ăn tại phòng học. Phụ huynh lấp ló ngoài cửa ở hai dãy hành lang trước và sau lớp, cố chen chân, len người, áp sát cửa kính để trông thấy con.

Nhân viên bán trú khệ nệ bê cơm và thức ăn vào lớp. Cô giáo chủ nhiệm chọn 4 học sinh của 4 tổ lên nhận nhiệm vụ phân phát cơm cho các bạn. Mỗi cháu bê một khay nhôm có phần cơm và thịt đến các dãy bàn chia cho các bạn. Riêng phần canh thì cô giáo sẽ chủ động chia cho học sinh.

"Mình không thích con đi đưa cơm như vậy!". Giọng nói vang lên sau lưng kèm theo tiếng chép miệng, bĩu môi làm tôi chú ý. Tôi quay lại và bắt gặp khuôn mặt một người mẹ chăm chú nhìn từng bước chân của cậu con trai yêu quý đang bê khay cơm đi từng dãy bàn.

Tôi nửa đùa nửa thật với chị rằng: "Chị phải hãnh diện vì con trai được cô giáo tin tưởng giao "trọng trách" chứ?". Tôi nhìn con gái mình, cháu cũng đang nhanh nhảu đi phân cơm cho các bạn và có vẻ thích thú với nhiệm vụ ấy.

Ngờ đâu, người mẹ trẻ có vẻ quý phái ấy phản bác kịch liệt: "Không, mình không muốn con làm cái việc đi phục vụ bạn khác như thế! Ở nhà cháu không thể làm việc gì và không phải làm bất cứ công việc gì cả!".

Rồi người mẹ ấy cau mặt bảo sẽ trao đổi với cô giáo về việc này và đề nghị không giao nhiệm vụ phân cơm cho con trai mình. Không phải chị ấy lo con mình làm đổ cơm trong khi đi lại mà là sợ con vất vả, cực khổ với nhiệm vụ bé tí ti ấy.

Ngay đến nhiệm vụ luân phiên đi phân phát cơm cho các bạn của con trẻ còn bị phụ huynh phản đối thì thử hỏi nhà trường làm thế nào để có thể dạy con trẻ phát triển một cách toàn diện đức - trí - thể - mỹ?

Tôi biết có những bạn trẻ lớp 7 vẫn đợi mẹ cắt móng tay; lớp 9 vẫn không biết nấu cơm, quét nhà; lớp 11 ăn xong bỏ y nguyên bát đũa tại bàn đến mức kiến đến cả đàn… Khá nhiều cha mẹ từng than thở: "Sao con tôi không biết phụ việc nhà?", "Sao con tôi chẳng biết sẻ chia vất vả với bậc sinh thành?" và "Sao con tôi chả bao giờ biết hỏi han mẹ có mệt không, ba đã khỏe chưa?"…

Và chúng ta, những ông bố, bà mẹ thương con hết mực, có thể nào sống trọn một đời để giúp con làm tất tần tật mọi việc không? Để rồi có những đứa trẻ có lớn mà không có khôn…

“Cô mong ba mẹ đừng bắt con học nhiều”

Lần đầu tiên tôi thấy cô giáo nghẹn giọng, rớm nước mắt trong một cuộc họp với phụ huynh học sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRANG NGUYỄN ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN