Có xảy ra “náo loạn” tuyển sinh đầu cấp khi bỏ sổ hộ khẩu?

Sự kiện: Giáo dục

Thông tin trong tương lai sẽ bỏ hộ khẩu được nhiều người dân vui mừng vì sẽ thoải mái hơn trong lựa chọn dịch vụ công, đỡ mất thời gian đi lại để làm các thủ tục hành chính… Tuy nhiên, đối với các thành phố luôn “nóng” vấn đề tuyển sinh đầu cấp như Hà Nội, TPHCM lại đặt ra mối lo tình trạng quá tải, học trái tuyến ở một số trường điểm.

Có xảy ra “náo loạn” tuyển sinh đầu cấp khi bỏ sổ hộ khẩu? - 1

Bỏ hộ khẩu khiến nhiều người lo ngại phụ huynh ồ ạt cho con vào trường nổi tiếng như từng xảy ra tại Trường Phổ thông cơ sở Thực Nghiệm năm 2012 (Liễu Giai, Hà Nội). Ảnh: Q.Anh

Vui mừng, nhưng vẫn… thấp thỏm

Những năm gần đây, mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp diễn ra đều là nỗi ám ảnh của biết bao phụ huynh có con vào trường công lập. Xin học, thi cử vào trường công lập ở Hà Nội là chuyện không hề dễ dàng bởi các trường tuyển sinh theo tuyến, phải có hộ khẩu mới được xét duyệt. Thậm chí, có hộ khẩu cũng chưa chắc chân mà phải qua vòng bốc thăm trúng tuyển đầy may rủi như đã từng xảy ra ở nhiều trường mầm non tại các quận nội thành. Vì thế, với những phụ huynh đang sinh sống ở Hà Nội, thông tin bỏ hộ khẩu là hết sức quan trọng bởi cái đầu tiên mà họ nghĩ tới là chuyện xin học cho con.

Mấy ngày qua, thông tin trong thời gian tới sẽ chính thức bỏ hộ khẩu khiến gia đình anh Việt Hưng đang sinh sống ở Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) hết sức quan tâm, theo dõi hàng ngày. Anh Hưng tâm sự: “Tôi từ hồi học đại học, lập gia đình và đã công tác ở Hà Nội tính ra cũng mười mấy năm. Năm vừa rồi tích cóp, vay mượn cũng mua được căn hộ để sinh sống ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, dù đáp ứng được nhiều tiêu chí, song quá trình làm hộ khẩu cũng khá vất vả, mất thời gian mà chưa chắc đã được. Năm sau con vào lớp 1, nếu không có hộ khẩu khó mà chắc suất vào trường công lập”.

Câu chuyện của gia đình anh Việt Hưng cũng là điểm chung của nhiều gia đình đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội hiện nay bởi tình trạng thuê nhà, lao động kinh doanh buôn bán, thậm chí lao động hợp đồng có thời hạn ngắn là yếu tố không đủ điều kiện để có hộ khẩu, ảnh hưởng tới chuyện học tập của con cái. Chị Trần Thị Hải (quê Hải Hậu, Nam Định), hiện thuê nhà tại Khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Ở nhà thuê, công việc không ổn định nên tôi không thuộc đối tượng được nhập hộ khẩu, con học trường tư rất tốn kém. Nếu bỏ hộ khẩu mà con được học trường công lập thì tôi mừng quá”.

Bài toán khó cho công tác tuyển sinh

Đúng như những gì mà đông đảo phụ huynh đang “mừng thầm”, thông tin bỏ hộ khẩu khiến nhiều người quan tâm, theo dõi và hi vọng vào những điểm mới để thuận tiện hơn trong việc xin học cho con. Bởi nhiều năm nay, tại Hà Nội do quy mô học sinh ngày càng tăng, nên muốn có suất học trường công lập phải có sổ hộ khẩu mới được nhập học. Nếu không có hộ khẩu thì phải tìm cách “lách”, “chạy” học trái tuyến, rất khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.

Hàng năm, bước vào kỳ tuyển sinh, TP Hà Nội tiếp tục tuyên truyền chủ trương cấm “chạy trường”, hạn chế trái tuyến. Dữ liệu của học sinh còn được cập nhật trên hệ thống dữ liệu điện tử, phục vụ công tác tuyển sinh trực tuyến nhằm sàng lọc học sinh học trái tuyến. Bên cạnh đó, quá trình nhập học cũng phải tiếp khâu kiểm tra hồ sơ phải trùng khớp với giấy khai sinh, sổ hộ khẩu.

Còn nhớ, câu chuyện khắt khe về yếu tố hộ khẩu đến mức vào năm 2014 em Đỗ Hồng Sơn (học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân) bị nhà trường đình chỉ học giữa chừng vì không có hộ khẩu Hà Nội. Do không kịp thời gian để làm hộ khẩu như đã “nợ” với nhà trường, học sinh Đỗ Hồng Sơn này đã phải chuyển đến trường tư thục để học tiếp. Câu chuyện này cũng đã nổ ra nhiều tranh luận, khiến nhiều chuyên gia cảm thấy đáng tiếc cho một học sinh quyết tâm học tập, nỗ lực thi vào trường mình mong muốn, nhưng cuối cùng đã phải bất đắc dĩ phải chuyển qua trường khác.

Đến nay, ngành Giáo dục chưa có chủ trương chính thức về việc có bỏ hạn chế trái tuyến bằng hộ khẩu hay không? nhưng nhiều ý kiến của các nhà quản lý giáo dục cho rằng, việc tuyển sinh vào một trường nào đó nên căn cứ vào chỗ ở thực tế của gia đình học sinh - kể cả những trường hợp phụ huynh học sinh ở nhờ hoặc thuê. Theo họ, tuyển sinh theo cách này có thể sẽ gây khó khăn, phiền phức cho các cơ quan chức năng nhưng đổi lại quyền lợi được học tập ở gần nhà của học sinh sẽ được bảo đảm. Nhưng nếu không tìm ra phương án tuyển sinh phù hợp, dễ dẫn đến “loạn” trong tuyển sinh khi nhiều học sinh đổ xô vào học trường điểm, hoặc có sự chuẩn bị trước để vào các trường nổi tiếng, chuyện đã từng xảy ra ở một số trường.

Theo các chuyên gia giáo dục, thủ tục hộ khẩu là “rào cản” của nhiều học sinh ngoại tỉnh muốn theo học trường công lập hiện nay. Bỏ sổ hộ khẩu là điều cần thiết, bởi việc này sẽ giảm bớt phần nào thủ tục hành chính, sự phiền hà cho người dân và học sinh. Tuy nhiên, việc bỏ sổ hộ khẩu cũng khiến nhiều bậc phụ huynh học sinh đang rất lo lắng về tuyển sinh và xin học cho con vào trường công lập. Bỏ hộ khẩu học sinh có được thoải mái chọn trường, hay lại phải mất thời gian để xin xác minh, chứng nhận chỗ ở để tham gia vào quá trình tuyển sinh?

Đề xuất thêm phương án thi cho mùa tuyển sinh tới: Tốn kém, mất công?

Bộ GD&ĐT vừa gửi văn bản tới các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên để lấy ý kiến về phương án thi THPT...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN