Có nên loại bỏ các kỳ thi áp lực?

Sự kiện: Giáo dục

Nhiều chuyên gia nhận định, kỳ thi vào lớp 10 công lập ở một số tỉnh, thành hay kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đề thi khó và dài khiến thí sinh, phụ huynh áp lực chuyện đỗ - trượt. Không ít ý kiến cho rằng, thay vì tạo thêm áp lực qua thi cử nên tổ chức các kỳ đánh giá năng lực học sinh một cách hiện đại, phù hợp hơn.

Ngày càng nặng về thi cử, bằng cấp

Dù chấp nhận rằng đã học là phải thi, tổ chức thi hay kiểm tra cũng là hình thức để “đo” chất lượng giáo dục, sàng lọc, tuyển chọn học sinh… Tuy nhiên, cứ mỗi kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập ở một số thành phố, hay kỳ thi đại học (nay là kỳ thi THPT Quốc gia) không ít người lại cảm thấy ngán ngẩm về độ “nóng” của kỳ thi, mặc dù ngành Giáo dục cũng đã điều chỉnh nhiều về mặt kỹ thuật để giảm bớt thời gian, đi lại cho các thí sinh. Và một câu hỏi mà nhiều người quan tâm được đặt ra, đó là có nên tồn tại những kỳ thi ngày càng khắc nghiệt như thế?

Đơn cử, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội, TPHCM, số lượng thí sinh đã tăng tới con số hàng vạn, trong khi chỉ tiêu dù đã được mạnh dạn tăng lên nhưng chưa thi cũng có thể hình dung ra sẽ có cả vạn “Dê vàng” (sinh năm 2003) ngậm ngùi học trường dân lập, hệ bổ túc, trường nghề… vì không đủ điểm vào trường công. Hay tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua, đã không ít giáo viên lo mất ăn mất ngủ, thậm chí bật khóc vì thương học sinh gặp phải đề khó. Thậm chí, chuyên gia Toán học cũng không làm hết đề Toán trong 90 phút. Huống chi, với các thí sinh, phụ huynh sẽ lo lắng thế nào về điểm số các môn đã thi.

Có nên loại bỏ các kỳ thi áp lực? - 1

Nhiều chuyên gia cho rằng, các kỳ thi gây áp lực sẽ dễ tạo nhiều hệ lụy đối với học sinh. Ảnh minh họa: Q.Anh

Chứng kiến các kỳ thi áp lực năm nay, ThS Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh chuyên ngành Giáo dục tại Đại học Newcastle (Australia) cho biết, trong khi ở một số nước giáo dục tiên tiến, cụ thể là nước Australia chẳng hạn, học sinh còn được mời vào học đại học mà không phải trải qua thi cử. Còn ở Việt Nam và một số nước châu Á vẫn con ảnh hưởng của khoa cử, trọng bằng cấp, học vị. Chúng ta đang cứng nhắc trong đánh giá học sinh dựa theo điểm số, thành tích chứ không chú trọng phát triển năng lực và sở thích của các em. Việc đánh giá học sinh theo điểm số và chạy đua thành tích đã kéo theo nhiều hệ lụy cho cả phụ huynh và học sinh.

“Thi cử, đỗ đạt, điểm số… ngay việc vinh danh thủ khoa hay những thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi cũng vô tình định hướng cho trào lưu học gạo, học để lấy thành tích mà không chú trọng đến kỹ năng thực nghiệm. Vì vậy, nhiều thí sinh đậu thủ khoa nhưng khi vào học đại học lại học rất yếu hay một số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng khi ra làm thực tế thì rất kém về kỹ năng. Để hướng tới được nền giáo dục thật sự tiến bộ, xoá bỏ nền giáo dục khoa cử, trọng hư danh và bằng cấp là xu thế tất yếu của các quốc gia muốn hội nhập với các nền giáo dục tiến bộ khác. Việt Nam không phải là một ngoại lệ”, ThS Nguyễn Sóng Hiền đưa ra kiến nghị.

Hệ lụy lớn từ những kỳ thi áp lực

Đi sâu vào tác động của kỳ thi tới tâm lý của phụ huynh, học sinh, TS Tâm lý học Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các sự kiện kỳ thi đã xảy ra không phải là vấn đề. Vấn đề là chúng ta đang diễn giải kỳ thi đó như thế nào? Chúng ta sẽ cảm thấy kỳ thi áp lực hơn vì có những niềm tin sai lầm rằng: Vào đại học là con đường duy nhất để thành công”; con không tốt nghiệp được THPT thì xấu hổ cả dòng họ. Phụ huynh và học sinh sẽ áp lực hơn nếu hoang mang trước rất nhiều thông tin trái chiều về nội dung, tính chất cuộc thi, chọn trường, cách thức ôn tập, giáo viên hướng dẫn. Văn hóa “học chỉ để thi” không còn phù hợp với cách ra đề thi theo tiếp cận đánh giá năng lực.

Cũng theo TS Trần Hoài Nam, sau những kỳ thi lớn, năm nào chúng ta cũng thấy có những học sinh mất hết ý chí, hành động dại dột như gây hại cho bản thân hoặc tự tử. Ở những học sinh này, kết quả thi tồi chỉ là phần gây áp lực nhỏ. Phần gây sang chấn tâm lý nhiều hơn, dẫn đến hành vi tự tử là những quy gán tự thân là người thiếu khả năng, là thất bại... Nhiều học sinh thi trượt không phải không có năng lực mà vì áp lực căng thẳng trong thời gian dài ôn thi đã ức chế việc thể hiện năng lực. Những người tổ chức thi và phụ huynh cần phải nhận thức rõ những yếu tố có thể làm hạn chế tiềm năng của trẻ để quản lý nó thật tốt trước khi đi thi.

Phải làm thế nào đó để truyền thông cho cả phụ huynh và học sinh hiểu rằng, đây chỉ là một bài thi, một điều phải làm. Và nó không phản ánh tất cả các mặt năng lực của con em họ. Có thể giới thiệu cụ thể hơn về cấu trúc đề thi với các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó được thiết kế để học sinh không thể làm hết. Đồng thời, có những câu hỏi thật khó để phát hiện những người có năng lực đặc biệt. Cũng theo TS Trần Thành Nam, công tác tổ chức kỳ thi thế nào để hôm thi cũng diễn ra như một buổi học bình thường. Kết quả thi là một vấn đề riêng tư của cá nhân được quản lý bằng tài khoản thay vì công bố rộng rãi như hiện nay để tránh việc so sánh với “con người ta”.

Từ kinh nghiệm đánh giá trí tuệ của mình, TS Trần Thành Nam đưa ra kiến nghị: “Với xu hướng giáo dục cá nhân hóa hiện nay, cũng cần có các đề thi cá nhân hoá. Mỗi học sinh sẽ làm đề thi trên máy tính với số lượng câu hỏi khác nhau, thời gian làm khác nhau nhưng kết quả thi vẫn đánh giá chính xác năng lực học sinh. Đánh giá bằng một số câu hỏi sàng lọc để xác định mức sàn, thí sinh đạt mức sàn tiếp tục làm những câu khó cho đến khi đạt đến mức trần. Điểm năng lực của học sinh sẽ được tính bằng điểm số của những câu dưới mức trần” và cả ở mức sàn. Đây là phương pháp đánh giá năng lực thích ứng, một xu hướng đánh giá mới đang rất được quan tâm và đang được triển khai tại Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia HN”.

“Việc đánh giá học sinh theo điểm số, điểm thi và chạy đua thành tích đã kéo theo nhiều hệ lụy cho cả phụ huynh và học sinh. Bố mẹ phải lo chạy vạy để cho con được vào lớp chọn hay trường điểm, ép con phải đi học thêm những môn mà chúng không hề thích. Gây áp lực cho con phải đạt điểm cao, phải hơn bạn hơn bè mà không quan tâm tới mong muốn, khả năng của con. Nhiều học sinh vì sợ bố mẹ hoặc muốn làm vừa lòng bố mẹ đã phải ép mình để học và khi không đạt được kết quả như bố mẹ mong đợi, nhiều em bị khủng hoảng tâm lý và đã chọn cái chết”.

ThS Nguyễn Sóng Hiền

Thi tốt nghiệp THPT: Băn khoăn chấm lỏng, chấm chặt

Ðiểm chấm thi môn Ngữ văn của thí sinh ở TPHCM cao nhất chỉ đạt 8,75 và điểm phổ biến chỉ từ 4-7, trong khi đó ở một...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN