Có nên hoãn xét tuyển đại học để rà soát điểm thi sau vụ gian lận chấn động?
Sau vụ tiêu cực nâng điểm thi tại Hà Giang và thêm nghi vấn tại một số tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng, cần hoãn kỳ xét tuyển đại học để rà soát điểm thi trên phạm vi toàn quốc, tạo sự công bằng giữa các thí sinh.
Trong khi Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công an, tỉnh Hà Giang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Giang) can thiệp làm thay đổi điểm thi của 114 thí sinh, tiếp tục xuất hiện thêm nghi vấn điểm thi cao bất thường xảy ra ở một số địa phương khác.
Cụ thể, khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, theo bảng thống kê trong Top 15 thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi THPT quốc gia năm nay có 2 thí sinh đến từ Sơn La. Đặc biệt là điểm công bố của 2 thí sinh này đều cách xa so với điểm thi thử trước đó diễn ra tại trường.
Biểu đồ so sánh số thí sinh điểm cao tại Sơn La với cả nước.
Thí sinh N.D có đến hai điểm 10 cho môn Lịch sử và Tiếng Anh, các môn khác Toán 9,6; Ngữ văn 9,0; Địa lý 8,25, GDCD 7,5. Điểm thi thử hồi tháng 3 của em này là Toán 6,4; Ngữ văn 6,5; Tiếng Anh 5,8; Lịch sử 5,5; Địa lý 4,25; GDCD 5,5.
Còn thí sinh N.B có điểm thi 6 môn lần lượt: Toán 9,8; Ngữ văn 8,75; Lịch sử 7,5; Địa lý 8,25; Giáo dục Công dân 8; Tiếng Anh 9,8. Trong khi điểm thi thử B.N có Toán: 5; Ngữ văn: 4; Tiếng Anh: 1,2; Lịch Sử: 6,25; Địa lý: 6,25; Giáo dục Công dân: 5,25. Đáng chú ý, điểm thi thử Tiếng Anh của nữ sinh chỉ đạt 1,2 nhưng điểm thi thật lên tới 9,8.
Còn tại Lạng Sơn, trên mạng xã hội đã xuất hiện một bảng điểm trong đó có danh sách khá rõ tên, tuổi, ngày tháng năm sinh và số điểm 3 môn (Toán, Văn, Lịch Sử) của 35 thí sinh được cho là đã dự kỳ thi THPT tại Lạng Sơn năm 2018.
Giả thiết đặt ra là nếu bảng điểm này là thật thì qua thống kê, số lượng điểm 9 môn lịch sử là 4/9.000 thí sinh thi THPT của Lạng Sơn. Có 21 thí sinh có điểm 8 trong danh sách này. Đối với môn Ngữ Văn, có 5 thí sinh đạt điểm 9.
Trong khi đó, theo phổ điểm môn Ngữ Văn được Bộ GD&ĐT công bố thì chỉ có 1.706 thí sinh trên cả nước đạt điểm 9. Có 23 thí sinh đạt từ 8 đến 8,75 điểm. Tổng 3 môn thi Ngữ Văn, Toán, Lịch sử và điểm ưu tiên của 35 thí sinh trong bảng nêu trên không có thí sinh nào dưới 24 điểm.
Đáng chú ý trong danh sách này là hầu hết các thí sinh trong bảng điểm nêu trên sinh các năm từ 1994 đến 1997. Trong khi các thí sinh thi THPT quốc gia năm 2018 chủ yếu là các thí sinh sinh năm 2000. Được biết, tỉnh Lạng Sơn cũng đã xác minh thông tin, làm rõ về các trường hợp điểm cao nói trên.
Xuất hiện trên mạng xã hội danh sách 35 thí sinh điểm cao tại Lạng Sơn.
Sau khi xuất hiện các thông tin nói trên, chiều ngày 18/7, Bộ GD&ĐT đã có Quyết định thành lập tổ công tác xác minh dấu hiệu bất thường trong điểm thi THPT quốc gia của hai tỉnh Sơn La, Lạng Sơn. Trong đó nêu rõ hai tổ công tác có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo việc xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Sở Giáo dục & Đào tạo Lạng Sơn và Sơn La trong kỳ thi THPT quốc gia. Tổ công tác gồm cán bộ đến từ Cục Quản lý chất lượng, Thanh tra Bộ Giáo dục và A83 Bộ Công an.
Sự việc tại Hà Giang và hàng loạt nghi vấn ở một số địa phương khác về những bất thường trong điểm thi THPT quốc gia năm 2018, nhiều phụ huynh, thí sinh đã bày tỏ sự hoang mang, lo lắng về tính công bằng trong kỳ thi.
Có con dự thi kỳ thi vừa qua, chị Nguyễn Thu Hà (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Hàng ngày tôi đều theo dõi vụ việc điểm thi trên báo chí, bên cạnh ghi nhận sự tích cực của Bộ GD&ĐT vào cuộc làm rõ sự việc ở Hà Giang nhưng cũng mong Bộ rà soát kỹ hơn về điểm thi năm nay ở nhiều nơi nhằm phát hiện, xử lý các sai phạm trong chấm lỏng, nâng điểm cho thí sinh. Đã là kỳ thi chung, thí sinh cần được đảm bảo công bằng”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết: “Từ vụ việc tiêu cực ở Hà Giang, cần làm rõ câu hỏi có phải chỉ riêng Hà Giang xảy ra tình trạng trên, hay đây chỉ là không may mà bị phát hiện? Cần phải xử lý nghiêm để răn đe cho kỳ thi năm sau, chứ không để tái diễn”.
Ngoài bày tỏ mong muốn làm rõ những “điểm nóng” có điểm thi cao bất thường, nhiều ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT nên tạm hoãn (hoặc lùi thời gian) của kỳ xét tuyển ĐH, CĐ sắp tới để tiến hành tổng kiểm tra, rà soát điểm thi trên phạm vi toàn quốc. Sau khi có kết quả, sẽ tổ chức tuyển sinh đại học để đảm bảo khách quan, công bằng giữa các thí sinh.
Trước vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang gây chấn động, đại biểu QH Phạm Thị Minh Hiền cho rằng cơ quan điều tra cần...