Có nên cho trẻ từng mắc COVID-19 đi học trước?
Hiện nay số trẻ mắc COVID-19 khá nhiều, một số ý kiến băn khoăn: Có tính đến phương án cho trẻ đã mắc đi học trước?
Về góc độ chuyên môn y tế, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: Các trường hợp tự test ở nhà mà không có triệu chứng gì thì không gọi trường hợp đó là bệnh mà là người lành mang virus như các bệnh nhiễm khuẩn khác. Đây là kiến thức cơ bản về vi sinh học, bệnh lý học và miễn dịch học. Chỉ có những người vừa xét nghiệm dương tính vừa có triệu chứng mới gọi là bệnh. Khi đã là bệnh rồi thì cũng như các bệnh khác như cảm cúm không nên cho con đi học.
(Ảnh minh họa).
“Với bối cảnh hiện nay tôi cho rằng nên cho trẻ đi học bình thường, khi trẻ có bệnh nên cho trẻ nghỉ học ở nhà, theo dõi sức khoẻ đến khi khỏi bệnh thì đi học”, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng nói.
Với những trẻ bị F0 sau khi âm tính trở lại, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, cần ăn uống đầy đủ, tập thể dục nâng dần cường độ lên tuỳ theo sức khoẻ, giữ cho tinh thần thoải mái.
Cha mẹ nên theo dõi sức khoẻ chung của con như theo dõi các bệnh khác. Nếu có các dấu hiệu và triệu chứng bất thường như mệt mỏi, khó thở, đau đầu, đau ngực, sốt, tim đập nhanh, đánh trống ngực, giảm khả năng học tập... thì nên cho con đi khám.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trẻ em nhiễm ở thể nhẹ, nhưng không biết được có nhiều trẻ em có bệnh nền, bệnh tiềm tàng trong cơ thể, trẻ em béo phì có thể gặp nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.
Khuyến cáo của chuyên gia càng bảo vệ cho trẻ em khỏi nhiễm COVID-19 càng tốt. Theo khuyến cáo, tất cả trẻ em thì nên cho đi học nhưng phải đảm bảo được các yêu cầu của ngành giáo dục và y tế về phòng, chống dịch.
Về cơ bản, những người tiêm vắc-xin cũng như những người đã mắc COVID-19 thì cơ thể tạo ra kháng thể từ 3-6 tháng. Do đó, những người đã nhiễm, trong vòng 3 tháng vẫn có thể bị nhiễm nhưng rất nhẹ, hoặc không có triệu chứng. Những trường hợp nhiễm có thể xảy ra ở những người có sức đề kháng kém, không tạo được miễn dịch. Nếu đã bị nhiễm COVID-19, phải tuyệt đối thực hiện 5K, theo dõi sức khoẻ, không được chủ quan.
Đánh giá về nguy cơ dịch COVID-19 hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết, hiện nay số mắc 180.000 ca chưa phải là số thưc, chỉ mới là "tảng băng nổi", có nhiều người trong cộng đồng có thể mắc nhưng không biết, không xét nghiệm, đặc biệt là những người không có triệu chứng.
Tuy nhiên hiện nay, một số địa phương chưa tiêm vắc-xin cho toàn bộ người dân, trẻ em chưa được tiêm. Cho nên trong thời gian tới, số lượng ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng lên. Vấn đề cơ bản là số lượng người tử vong ổn định, tỉ lệ tử vong giảm mạnh. Phải mất một thời gian nữa thì dịch mới có thể giảm dần. Trong những ngày tới có thể tăng cao, sau đó mới giảm dần. Những thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng đã bắt đầu giảm, như TP. Hà Nội đã qua đỉnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi phát hiện F0 trong giờ học/làm việc tại trường, cần thực hiện 4 bước theo hướng dẫn.