Có nên cấm học sinh nhảy Flashmob?

Clip “Flashmob ra trường 2012 - THPT chuyên Lê Hồng Phong” sau bốn ngày đưa lên trang chia sẻ YouTube đã có hơn 58.000 lượt xem và hưởng ứng.

Tuy nhiên, xung quanh việc nhảy flashmob (huy động chớp nhoáng để nhảy) đã có xô đẩy xảy ra tại lễ tổng kết năm dành cho học sinh lớp 12 ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), còn tại Trường THPT Lê Hồng Phong (Q.5) một số học sinh đã bị phê bình.

Học sinh bức xúc

Ngày 19-5, trong buổi lễ tổng kết năm học và lễ trưởng thành cho học sinh khối 12 của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, khoảng 200 học sinh đã nhảy flashmob ngay dưới sân trường hơn bảy phút. Tuy nhiên, theo một số học sinh, khi nhảy gần nửa chặng nhà trường yêu cầu giải tán và tắt nhạc. Một số học sinh tỏ ra bức xúc trên các trang mạng xã hội, cho rằng nhà trường không tôn trọng học sinh.

Sự việc xảy ra tương tự tại buổi lễ tổng kết năm học 2011-2012 sáng 21-5 tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Sau khi buổi lễ chính kết thúc, học sinh khối 12 muốn được nhảy flashmob chia tay tuổi học trò và nhảy xuống hồ bơi như một hình thức truyền thống của trường.

Tuy nhiên nhà trường đã không đồng ý. Trước đó, học sinh khối 12 được yêu cầu viết bản cam kết không nhảy xuống hồ bơi trong buổi lễ tổng kết năm học. Xô đẩy đã xảy ra giữa học sinh và lực lượng bảo vệ (do nhà trường thuê từ bên ngoài vào nhằm giữ trật tự), giáo viên của trường.

Nhà trường: “Muốn an toàn cho học sinh”

Cô Phạm Thị Lệ Nhân - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - cho biết lúc 10g ngày làm lễ tổng kết, có nhóm học sinh lên đăng ký tiết mục nhảy. “Lúc đó đã gần trưa, vẫn còn nhiều tiết mục chưa diễn nên không thể đưa thêm một tiết mục khác vào. Tuy nhiên khi lễ kết thúc, tôi về phòng thấy các em nhảy dưới sân, tôi cũng không phản đối. Một lúc sau, tôi thấy các em kéo nhau đi thành từng đoàn và tỏ vẻ rất giận dữ. Một cô hiệu phó ngăn các em đi đến hồ bơi để nhảy xuống hồ cũng bị các em xô ngã. Hai tấm bảng chặn đường xuống hồ cũng bị đập nát”.

Về vấn đề “nhảy hồ là truyền thống” cô Lệ Nhân cho biết đây chỉ là truyền miệng trong các em chứ không phải là truyền thống. Cách đây năm năm từng có học sinh lúc nhảy hồ không chú ý nên nhảy lên cổ của bạn...

Về việc học sinh phản ảnh có bảo vệ bên ngoài được thuê vào giữ an ninh trong buổi lễ tổng kết, cô Lệ Nhân cho biết: “Lực lượng giám thị trong trường ít người nên khi lễ lớn, đông người chúng tôi đều thuê bảo vệ bên ngoài để giữ trật tự và an ninh. Hôm tổng kết vừa rồi nhà trường đã thuê 10 bảo vệ”.

Thầy Lâm Văn Triệu, hiệu phó Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, xác nhận nhà trường có tắt nhạc khi các em đang nhảy. Thầy nói: “Nhà trường không phản đối chuyện các em nhảy, nhưng phải có đề xuất từ trước, đăng ký danh sách các bạn đứng ra tổ chức để bố trí và hỗ trợ. Nhà trường cũng không đồng ý với những hoạt động không được tổ chức bởi Đoàn - Hội”.

Cô T., hiệu phó một Trường THPT tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho rằng đây là sự việc đáng tiếc với cả nhà trường lẫn học sinh. “Cuối năm, chúng tôi cũng tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em trên Facebook và thấy các em rất thích nhảy flashmod. Chúng tôi đã đề nghị các em cứ mạnh dạn tập luyện và biểu diễn trong ngày tổng kết - cô nói và cho biết thêm - Thay vì cấm đoán khiến các em hoạt động lén lút, nhà trường nên hướng dẫn để tạo một sân chơi hấp dẫn cho các em trong ngày tổng kết cuối cấp”.

Hiệu phó một Trường THPT tại Củ Chi cũng cho rằng nên dung hòa nhu cầu của học sinh và định hướng của nhà trường để học sinh có được những sân chơi dễ thương như nhảy flashmob.

Thêm một clip chia tay tuổi học trò thu hút người xem

Sau clip “Flashmob ra trường 2012 - THPT chuyên Lê Hồng Phong”, đến lượt một clip chia tay tuổi học trò của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam gây sốt trên cộng đồng mạng với 59.000 lượt xem sau sáu ngày đưa lên trang chia sẻ YouTube.

Đoạn clip dài hơn bốn phút với màn trình diễn ấn tượng của hơn 300 thành viên là học sinh lớp 12 trong trường. Nhóm học sinh thực hiện đã lên một kịch bản chi tiết các hoạt cảnh từ cổng trường, sân thể thao, hội trường... để camera có thể quay liền mạch mà không dùng kỹ thuật ghép các đoạn quay ngắn lại với nhau.

Clip có tên gọi Intro made in 12 được làm theo trào lưu lipdub - một clip âm nhạc ghi hình một nhóm người hát nhép theo một bài nhạc nổi tiếng - khác với hình thức nhảy flashmob mà học sinh nhiều trường hay dùng. Hai bài hát được sử dụng trong clip là Edge of glory của nữ ca sĩ Lady Gaga và Teenager của ban nhạc Chemical Romance.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phi Long ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN