Có nên bỏ xếp hạng theo điểm: Học sinh, giáo viên nói gì?
Nhiều học sinh mong muốn bỏ xếp hạng theo điểm vì lí do điểm số không những làm học sinh mệt mỏi mà còn khiến các em cảm thấy mất đi tính công bằng, khách quan.
Theo nhiều ý kiến, bỏ xếp loại giỏi, yếu, kém sẽ không còn lạm phát danh hiệu học sinh giỏi, cũng sẽ không còn học sinh bị o ép học thêm vì loại giỏi hay vì sợ phải thi lại, ở lại lớp nếu không học thêm.
Một số học sinh cho rằng, việc đánh giá thứ hạng của học sinh chỉ dựa trên tiêu chí điểm số không những làm học sinh mệt mỏi mà còn khiến các em cảm thấy mất đi tính công bằng, khách quan.
Em Nguyễn Đình Minh, học sinh lớp 8 (Hà Nội) cho rằng, có những ngày em không muốn đến trường vì việc xếp hạng điểm số khiến bản thân thấy mỗi ngày đến trường đều áp lực, luôn phải chạy theo những con số.
“Em học có mấy môn xã hội đều kém hơn nên rất sợ cách xếp loại này. Mặt khác điểm số đôi khi chưa phản ánh đúng thực lực của học sinh, quá trình học mới là điều nói lên tất cả”- Minh chia sẻ.
Em Đỗ Văn Dũng, học sinh lớp 7 (Hà Nội) cho rằng, dù mình học vào loại top ở lớp nhưng việc xếp hạng bằng điểm số khiến em không thực sự vui vẻ khi học.
“Đầu năm, bố mẹ không áp lực em phải đứng trong top 3 hay top 5. Nhưng đôi khi chỉ một câu nói nhỏ của bố mẹ kì vọng có tên của con trong bảng xếp loại ở lớp cũng khiến em tự thấy áp lực. Mỗi ngày, em đều phải tính toán cân đối điểm số giữa các môn để môn này có thể bù môn kia” - Dũng chia sẻ.
Em Nguyễn Hương Ly, học sinh lớp 8 của một trường có tiếng của Hà Nội cho rằng, nếu vẫn giữ xếp hạng, Ly cũng mong việc này chỉ được thông báo riêng cho phụ huynh.
"Có như vậy em đỡ được phần bị so sánh với các bạn. Vì theo em, việc xếp hạng thành tích học tập của học sinh theo điểm tổng kết. Vì có nhiều trường hợp xếp hạng không đúng, điểm số đó chỉ phản ánh thành tích ảo"- học sinh này nói.
Có con đang học bậc tiểu học, chị Nguyễn Thanh Tâm - phụ huynh ở Đông Anh, Hà Nội nêu quan điểm về việc xếp hạng điểm số. Chị không hoàn toàn đồng ý cách xếp hạng học sinh theo điểm số. Vì khi nhìn vào bảng xếp hạng, các con có một sự so sánh.
"Thực tế tôi thấy, khi giáo viên đưa bảng xếp hạng đó ra, rất nhiều phụ huynh áp lực. Ở phía con cái áp lực với bạn bè, không thấy niềm vui khi đi học"- chị Tâm chia sẻ.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại đồng ý với việc xếp hạng điểm số vì họ cho rằng, sẽ biết con mình học hành ra sao, giỏi môn nào, kém môn nào để điều chỉnh kịp thời.
Thay vì đánh giá điểm số, nhiều giáo viên đã chọn hình thức "đánh giá" như thế này khiến phụ huynh và học sinh rất vui vẻ.
Giáo viên, hiệu trưởng nói gì?
Thực tế tại Việt Nam, việc xếp thứ tự học sinh không phải yêu cầu bắt buộc của Bộ GD&ĐT hay bất kỳ địa phương nào. Song, các trường vẫn có dữ liệu thứ hạng của học sinh, nhằm theo dõi kết quả học tập, đánh giá.
Cô Đỗ Thị Dung, giáo viên trường THCS Dương Liễu (Hà Nội) cho rằng, cô không có bản xếp hạng theo điểm cho học sinh bao giờ vì quan điểm không làm như vậy. Tuy nhiên, giáo viên này cho rằng, đôi khi làm dữ liệu, không để ý máy xếp sẵn quên không sửa thì mới bị có bảng xếp hạng này.
Tuy nhiên, theo cô Dung, nói có bảng xếp hạng điểm này sẽ gây áp lực cho phụ huynh cũng như học sinh thì không hẳn.
"Điều này lại phù thuộc vào quan điểm của chính phụ huynh và học sinh. Nhưng chắc chắn, không xếp hạng theo điểm sẽ đỡ áp lực cho học sinh"- giáo viên này nói.
Hiệu trưởng một trường THCS tại huyện Đông Anh, Hà Nội, nhìn nhận bất kỳ hoạt động nào cũng cần được đánh giá. Vì đã học và thi thì phải có đánh giá, xếp loại.
"Tất cả các ngành khác cũng có cách đánh giá vậy tại sao giáo dục lại không?"- vị hiệu trưởng này đặt ra câu hỏi.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Dung, giáo viên trường THCS Minh Khai (Hà Nội ) cho rằng, việc xếp hạng học sinh theo điểm số nhà trường không làm.
“Trước đây, nhà trường có xếp hạng theo điểm số nhưng bây giờ nếu xếp loại như vậy mang tính chất phân biệt học sinh quá”- bà Dung chia sẻ.
Mang quan điểm "thầy cô thay đổi, phụ huynh thay đổi và trường học hạnh phúc", thay vì xếp hạng theo điểm để đánh giá từng học sinh, cô Dung đã làm việc sẽ viết những lá thư gửi tới phụ huynh cũng như học sinh để thông báo thành tích của con và điểm mạnh của con.
Cô cho biết, đã luôn động viên các giáo viên bộ môn trong trường có một hình thức làm việc nào để có mối liên hệ với phụ huynh, hướng dẫn các phương pháp đồng hành tích cực, thay vì một bản xếp hạng khô cứng.
"Nếu các trường áp dụng đánh giá qua điểm số mà sau phụ huynh nhận được lại không thấy vui vẻ, lúc nào cũng chì chiết con vì kết quả học tập, việc bỏ hay giữ xếp thứ hạng thì việc xếp loại, đánh giá không có ý nghĩa"- vị hiệu trưởng nói.
Tuy nhiên, theo nhiều hiệu trưởng ở Hà Nội, việc xếp thứ tự học sinh giúp theo dõi kết quả, tạo động lực thi đua, nên không có gì xấu.
Một vị hiệu trưởng một trường THCS ở Phú Xuyên, Hà Nội cho rằng, việc xếp hạng theo điểm số cũng có mặt tích cực. Vì theo bà, nếu không có điểm số, đôi khi học sinh sẽ ỉ lại không học. Giáo viên sẽ không không có dữ liệu biết học sinh nào tiến bộ, học sinh nào cần cố gắng hơn để có biện pháp giáo dục phù hợp kịp thời.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 27/10, Trường Đại học (ĐH) Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức diễn đàn về Khoa học sư phạm và Giáo dục năm 2023 (HaFPES 2023). Trong các nội dung được đưa ra...