Cơ hội vàng đổi mới giáo dục
Việc thực hiện kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá là cơ hội vàng tạo cơ chế, thu hút trí tuệ tham gia vào đề án này và triển khai ngay từ đầu năm 2013.
Quan trọng nhất là sự trung thực
“Lạc hậu lớn nhất của giáo dục Việt Nam so với thế giới, theo tôi, đó là cách dạy và học” - ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐHDL Hải Phòng nhận xét. Cũng theo ông Nghị, học sinh Việt Nam hiện nay không tự tin, chịu sức ép lớn và đặc biệt tính trung thực không cao. Việc này bắt nguồn từ giáo viên, từ những việc như khi có đoàn kiểm tra, cô giáo yêu cầu cả lớp phải giơ tay phát biểu nhưng bạn nào thuộc bài thì giơ tay kiểu khác, bạn không thuộc giơ tay kiểu khác. “Tôi kêu gọi những trường sư phạm, nơi sinh ra đội ngũ giáo viên, phải làm thế nào để các thầy cô giáo từ bậc học mầm non trở đi phải coi việc giáo dục sự trung thực, thật thà cho học sinh là nhiệm vụ số một”. Ông Trần Hữu Nghị cũng cho rằng chương trình học, mục tiêu học tập chưa thực sự tốt là nguyên nhân dẫn tới việc quay cóp, gian lận thi cử phổ biến, nhờ nhau đi thi, người đi học không cần kiến thức, chỉ cần cái bằng.
Ông Nguyễn Xuân Trạch, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp Hà Nội đánh giá, vấn đề hiện nay là sức ỳ ở trong tư duy, nhận thức và đặc biệt có những cán bộ, giáo viên nhận thức được nhưng không muốn đổi mới vì sợ “mua dây buộc mình”.
Trước hết các giáo viên cần tâm huyết với đổi mới phương pháp dạy học (Ảnh minh họa)
Thiếu sức hút đầu vào ngành sư phạm
Đổi mới giáo dục cũng được đa số các nhà quản lý giáo dục nhấn mạnh ở khâu đào tạo giáo viên. Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, ông Nguyễn Văn Tuấn kiến nghị cần có chính sách để thu hút học sinh giỏi vào sư phạm. Chỉ rõ cần thay đổi chính sách thu hút đầu vào giỏi với ngành sư phạm, ông Tuấn phân tích: “Trước đây chúng ta thu hút học sinh giỏi vào sư phạm bằng cách miễn học phí. Tuy nhiên, gần đây chúng ta lại có chương trình cho sinh viên được vay tiền để đi học. Vì vậy đầu vào của sư phạm hiện nay không còn là sinh viên có điểm cao mà thí sinh có điểm trung bình cũng có thể vào được. Sau 4 năm đào tạo, không thể biến được một sinh viên trung bình thành một người giỏi” - ông Tuấn khẳng định. “Nếu không có giáo viên giỏi, chất lượng giáo dục không thể mạnh lên như chúng ta mong muốn”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Ngọc - Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng lo ngại về tình trạng các địa phương đào tạo giáo viên tràn lan, chất lượng ra trường không đảm bảo. Ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa cho biết, trong số 600 hồ sơ thi tuyển giáo viên mà Sở này nhận được trong năm qua thì trên 100 hồ sơ có kết quả tốt nghiệp xếp loại giỏi nhưng trong số đó không rơi vào những trường sư phạm trọng điểm. Kết quả là có những em điểm tốt nghiệp rất cao được tuyển về dạy ở trường chuyên nhưng rất chật vật khi lên lớp. Sở buộc phải đề xuất nếu sau 1 năm không dạy được thì không ký hợp đồng.
Cơ hội tập trung đổi mới giáo dục
Về những tồn tại của giáo dục, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng yếu kém của giáo dục là chưa tạo ra lợi thế cạnh tranh. “Ngoài vấn đề cơ chế, địa lý thì vấn đề con người là yếu tố quan trọng. Chúng ta chưa hài lòng với chất lượng nhân lực. Nguyên nhân do tư duy giáo dục chậm đổi mới. Do chưa nhận thức được quy hoạch nhân lực phải đi kèm với quy hoạch kinh tế. Giáo dục còn nặng về hành chính, chưa tạo được sự chủ động, đòi hỏi từ bên trong của ngành giáo dục, đó chính là sức ỳ lớn”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Kết luận 51 chính là cơ hội vàng để tạo cơ chế, thu hút mọi trí tuệ tham gia vào việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Vì vậy Bộ GD-ĐT cần có lộ trình tạo sự đồng thuận trong ngành và xã hội để có tính khả thi, hiệu quả. Phó Thủ tướng yêu cầu trước mắt ngành giáo dục địa phương có kế hoạch quản lý, kiểm tra làm rõ trách nhiệm các cấp trong việc khắc phục 3 vấn đề: thu chi, dạy thêm học thêm và thi tuyển sinh.
Ngay từ đầu năm 2013, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận yêu cầu riêng khối trường sư phạm đặc biệt tập trung định hướng đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non sau năm 2015… Bộ trưởng cũng cho biết sẽ quy hoạch nhân lực ngành sư phạm, sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm trong cả nước, điều chỉnh chỉ tiêu các trường sư phạm phù hợp với quy hoạch, giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên sư phạm, tập trung đầu tư trọng điểm cho hai trường ĐH Sư phạm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh...