Cơ hội nào để thí sinh giành “vé vớt” vào đại học?

Hiện tại, nhiều trường đại học đang trong quá trình bận rộn cho tiếp nhận thí sinh trúng tuyển ở đợt I. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường với hàng nghìn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Đây là cơ hội cho các thí sinh trượt, hoặc không xác nhận nhập học đợt I trúng tuyển vào đại học năm nay.

Cơ hội nào để thí sinh giành “vé vớt” vào đại học? - 1

Cơ hội cho các thí sinh ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung vẫn còn nhưng tính cạnh tranh cũng rất gắt gao. Ảnh minh họa: Q.Anh

Hàng nghìn chỉ tiêu “chờ” thí sinh

Kết thúc xét tuyển đợt 1 kỳ tuyển sinh Đại học 2018 cho thấy, nhiều trường đại học công lập “tốp đầu” cơ bản đã tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn còn hàng nghìn chỉ tiêu tuyển sinh tại một số trường, trong đó có cả các trường nằm trong tốp trên. Nhằm tuyển đủ chỉ tiêu, rất nhiều trường đại học đã phải tiếp tục đợt xét tuyển bổ sung bắt đầu từ nay đến hết ngày 20/8.

Ở khu vực phía Bắc, đáng chú ý là một số trường công lập top giữa như: ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải Hà Nội, ĐH Thủy Lợi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Tài chính - Kế toán dù tỷ lệ trúng tuyển đợt I ở mức cao, song vẫn còn chỉ tiêu cho đợt xét tuyển bổ sung. Cụ thể, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ngoại trừ khối ngành Báo chí, truyền thông, trường vẫn tiếp tục xét tuyển bổ sung 300 chỉ tiêu đại học chính quy vào các chuyên ngành lý luận, chính trị như: Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học... Mức điểm nhận hồ sơ là 15,5 điểm, riêng ngành Lịch sử có điểm thi môn Lịch sử nhân hệ số 2 quy về thang điểm 30.

Theo thông tin từ ĐH Tài chính - Kế toán, trường vừa mới thông báo xét tuyển bổ sung 280 chỉ tiêu vào 6 ngành bằng hai hình thức là kết quả thi Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 và học bạ. Trong đó, với hình thức xét học bạ, thí sinh phải có tổng điểm trung bình cả năm lớp 12 của 3 môn xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên và hạnh kiểm loại khá trở lên. ĐH Công nghệ Giao thông vận tải Hà Nội cũng xét tuyển bổ sung khoảng hơn 300 chỉ tiêu diện sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia, đào tạo tại cơ sở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển từ 14,5 đến 15,5 điểm tùy từng ngành đào tạo. ĐH Thủy lợi cũng xét tuyển hơn 400 chỉ tiêu còn thiếu tại gần 10 ngành đào tạo.

Trong khi đó, tại TPHCM, nhiều trường cũng phải xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho các thí sinh, không chỉ các trường ngoài công lập, một số trường công lập đóng tại địa bàn cũng còn nhiều chỉ tiêu tiếp tục xét tuyển. Cụ thể, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM sẽ tuyển bổ sung nhiều ngành, điểm nhận hồ sơ bằng điểm chuẩn đợt 1, trường đồng thời nhận hồ sơ xét tuyển theo hình thức học bạ từ 20 điểm trở lên tới hết ngày 18/8. ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ thực hiện xét tuyển nguyện vọng bổ sung với ngành cử nhân dinh dưỡng (30 chỉ tiêu bằng tổ hợp khối toán, hóa, sinh).

Cạnh tranh gắt gao hơn đợt 1?

Vào thời điểm này, trong khi các bạn trúng tuyển đã nhập học, rất nhiều thí sinh tiếp tục việc tìm kiếm thông tin và cơ hội trúng tuyển ở những trường còn chỉ tiêu. Thậm chí, không ít trường hợp từ chối trúng tuyển đợt I để hi vọng vào được trường hoặc ngành theo ý muốn ở đợt bổ sung. Thí sinh Trần Văn Hoàng (ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Em được 19,5 điểm theo khối D, ở đợt I em trượt Học viện Báo chí nhưng nguyện vọng 2 em lại đỗ vào một trường dân lập. Không muốn học trường dân lập, em từ chối nhập học và đang tìm trường và ngành phù hợp với sở thích, mặc dù cơ hội chắc là không cao”.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh lưu ý để trúng tuyển trong đợt xét nguyện vọng này cần xem kỹ thông báo của nhà trường. Ví dụ như thời gian nộp hồ sơ, số lượng chỉ tiêu, ngành nghề để cân nhắc cho phù hợp… Thực tế cho thấy, có một số thí sinh đang nhầm lẫn về đợt xét tuyển bổ sung nên từ chối trúng tuyển đợt I để mong cơ hội đỗ ở đợt bổ sung vì có thể sẽ hạ điểm. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn của đợt xét tuyển bổ sung không được thấp hơn đợt một đồng nghĩa với việc cạnh tranh sẽ lớn hơn khi điểm cao thêm, chỉ tiêu lại ít đi.

Bộ GD&ĐT cho biết, kết thúc xét tuyển đại học đợt I, những trường còn chỉ tiêu sẽ tiếp tục thực hiện xét tuyển bổ sung cho đến khi hết chi tiêu. Đối với các thí sinh, nếu trong xét tuyển đợt I không trúng tuyển, hoặc từ chối nhập học đều có thể tham gia xét tuyển ở đợt bổ sung tại các trường còn chỉ tiêu. Các trường thông báo điều kiện xét tuyển bổ sung, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt I. Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện đăng ký xét tuyển bổ do trường quy định.

Chia sẻ cho các thí sinh tại Ngày hội xét tuyển đại học được tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Trần Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, sau khi kết thúc xét tuyển đợt I, nếu còn chỉ tiêu các trường có thể xét tuyển bổ sung. Đối với các thí sinh, có quyền lựa chọn nhập học hay từ chối nhập học đợt I để tìm cơ hội ở đợt sau. “Tuy nhiên, thí sinh cần cân nhắc kỹ bởi ở đợt xét tuyển bổ sung rất ít trường “tốp đầu” còn chỉ tiêu, trong khi đó chỉ tiêu cũng không còn nhiều so với đợt I mà điểm nhận hồ sơ, trúng tuyển không được thấp hơn đợt I”, ông Anh Tuấn cho biết thêm.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, kết thúc mỗi đợt xét tuyển (đợt xét tuyển bổ sung), trường công bố trên trang thông tin điện tử và phương tiện thông tin đại chúng về điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí theo quy định của trường. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt I.

Trường sư phạm chật vật tuyển sinh

Với quy định điểm sàn CĐ sư phạm là 15, ĐH là 17, nhiều trường sư phạm đang lâm vào thế khó vì không tuyển đủ chỉ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN