Cô giáo trẻ “chắp cánh” ước mơ trẻ tự kỷ nghèo

Sự kiện: Giáo dục

“Nếu không vì tình thương, chỉ biết tới lợi nhuận, có lẽ cơ sở đã phải đóng cửa ngay từ khi mới mở”

Cô giáo trẻ “chắp cánh” ước mơ trẻ tự kỷ nghèo - 1

Niềm vui và đam mê hiện rõ trong những giờ dạy trẻ tự kỷ của cô Hạnh

“Nếu không vì tình thương, chỉ biết tới lợi nhuận, có lẽ cơ sở đã phải đóng cửa ngay từ khi mới mở”, cô giáo Lương Thị Bích Hạnh chia sẻ về lớp học dành cho trẻ tự kỷ có hoàn cảnh khó khăn mang tên Tương lai mới.

Cơ hội cho những trẻ tự kỷ nhà nghèo

“Cả lớp, hôm nay chúng mình múa bài Chú bộ đội nhé. Các bạn đứng lên múa cùng cô nào”… Tiếng nhạc cất lên, một bé trai ngồi góc phòng cứ ngửa cổ lên trời cười típ mắt; bạn bên cạnh thì cúi gằm mặt, mắt nhắm lim dim, lắc lư toàn thân như đang “lên đồng”; bạn khác lại khua chân, múa tay giậm nhảy bình bịch trên sàn; có bé lại rờ rờ chậm rãi nhúc nhích từng cánh tay, bước chân… Bỗng nhiên, tiếng khóc tru tréo thét lên từ một cậu bé khoảng 5 tuổi, khiến cô giáo đang múa vội chạy lại vỗ về. Ấy vậy mà, bé vẫn cứ lăn lộn gào khóc, giãy đạp… Như hiểu ý, cô giáo liền chạy lại tủ đồ chơi lôi ra hai cái đĩa nhựa, nhét vào tay bé. Chỉ cần có thế, bé ngồi dậy đập hai cái đĩa vào nhau cưới toét miệng khi nước mắt còn chưa ráo… “Bốp (tên nhân vật đã được thay đổi) lại tè rồi hả con, để cô lấy quần thay nhé”, cô giáo trẻ chạy tới cạnh bé trai 6 tuổi ướt sũng quần vẫn đang lắc lư oặt oẹo thân hình…

Đó là những hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi chứng kiến ngay khi vừa bước vào lớp can thiệp sớm và hỗ trợ giáo dục Tương lai mới (thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội). Cơ sở nuôi dạy trẻ đặc biệt dành cho những gia cảnh khó khăn này được cô Lương Thị Bích Hạnh mở ra hơn 3 năm nay. Từng 10 năm gắn bó với trẻ đặc biệt, nhưng với cô giáo nhỏ nhắn ấy, chưa từng có ca dạy nào được bình yên.  “Đêm nào cũng nằm mơ về học trò. Câu hỏi thường trực day dứt nhất là làm thế nào cho các con tiến bộ? Có những bạn nhận thức quá chậm, ngày qua ngày, tháng qua tháng, cô dạy đi dạy lại nhưng con vẫn thờ ơ, vô cảm. Ngay cả khi đã đổi nhiều phương pháp, cách thức, con vẫn hầu như không thay đổi. Những lúc “bốc hỏa”, bất lực cũng chỉ biết chạy ra ngoài khóc tức tưởi bởi vừa thương con, vừa trách bản thân. Nhưng lúc tĩnh tâm lại tự vấn mình đã tìm đúng phương pháp dạy hay chưa, có phù hợp với thể trạng của con hay không? Hay mình đã tự áp kỳ vọng quá cao trong khi những thay đổi của bé lại rất nhỏ?”, cô giáo Hạnh mở đầu chia sẻ về công việc như thế.

Được biết, tới nay, hơn 100 trẻ tự kỷ đã được cơ sở của cô Hạnh tiếp nhận và “tốt nghiệp”. “Có những ngày mệt nhọc, căng thẳng nhưng chỉ cần nhận được tin nhắn của phụ huynh rằng bé đã biết làm việc này, việc kia, những lời cảm ơn chân thành “con được như bây giờ là nhờ đã gặp được cô”… lại tiếp thêm động lực giúp tôi gắn bó và gắng duy trì cơ sở”, cô giáo trẻ tâm sự và chia sẻ: “Món quà của ngày 20/11 thường là những cân hoa quả, bánh kẹo và lời chúc chân thành của phụ huynh mang tới. Chỉ đơn giản vậy thôi với mình cũng là quá đầy đủ và hạnh phúc rồi, không còn mong chờ hơn”.

“Đến với trẻ đặc biệt không chỉ bằng tình thương, mà còn như một niềm đam mê. Càng gắn bó với các bé, mình lại thêm nhận ra ý nghĩa và hạnh phúc từ cuộc sống”, cô Hạnh nói. Từ hồi là sinh viên năm thứ hai của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Hạnh đã tham gia nhóm tương trợ phụ huynh, tiếp xúc và giảng dạy tại nhà trẻ đặc biệt. Càng ngày, Hạnh phát hiện xung quanh mình có rất nhiều trẻ tự kỷ có biểu hiện khác thường, nhưng không có điều kiện được hỗ trợ can thiệp sớm. “Tự kỷ không loại trừ gia cảnh nào, trước đây mọi người cứ nghĩ chỉ những nhà khá giả có điều kiện, con cái bị cha mẹ bỏ mặc nên mới mắc. Song khi phát hiện, các bé đều được đến trung tâm hỗ trợ điều trị. Thương nhất là các bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi phát hiện con mắc biểu hiện bất thường, lại không đủ điều kiện can thiệp sớm, buộc phải trông giữ tại nhà”. Day dứt ấy khiến Hạnh ấp ủ ước mơ mở cơ sở hỗ trợ trẻ đặc biệt có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có cơ hội được can thiệp sớm.

Ngày đi làm ở trung tâm, tối lại đi dạy thêm tại nhà, có những khi tưởng như kiệt sức song vẫn cố gắng gom góp, chắt chiu từng đồng để thực hiện ước mơ của mình. Gần 8 năm trời như thế, cuối cùng, ngôi nhà dành cho trẻ đặc biệt cũng được mở ra tại làng quê huyện ngoại thành Đông Anh. Không liên kết cá nhân hay tổ chức nào, cơ sở do một tay Hạnh gây dựng. Từ việc sắp đặt bàn ghế, lựa đồ dùng học tập, bố trí phòng ốc tới tuyển dụng đào tạo giáo viên đều do một mình lo liệu. “Khi đầu chỉ nghĩ đơn giản sẽ thuê cái nhà, có học sinh tới mình giảng dạy nhưng lúc triển khai mới thấy nhiều vấn đề phức tạp. Tự tay lựa mua, đi xin những đồ chơi, hình dán… để sao chi phí tiết kiệm mà vẫn hiệu quả”.

Chi phí chăm sóc bán trú, giảng dạy cho mỗi trẻ tại cơ sở của cô Hạnh chưa tới 3 triệu đồng/tháng. Trong suốt quá trình theo học, nếu trường hợp nào quá khó khăn sẽ được miễn giảm học phí. “Nếu không vì tình thương, chỉ biết tới lợi nhuận, có lẽ cơ sở đã đóng cửa từ ngay sau khi mở ra. Các bé theo học ở đây phần lớn là con em của lao động tự do hoặc công nhân tại khu công nghiệp. Với đồng lương eo hẹp của phụ huynh, nếu cơ sở không hỗ trợ tối đa, các bé sẽ rất khó có thể theo học và chữa trị đúng quy trình”, cô Hạnh chia sẻ.

Đừng nghĩ trẻ tự kỷ không có tương lai

“Su ơi, con nhắc lại theo lời cô nhé. Đây là quyển vở!”. Bé trai nhanh nhảu đáp: “Đây là quyển vở” - “À đúng rồi, vậy bây giờ con chỉ cho cô xem quyển vở đâu nào?”, không có tiếng trả lời, cô Hạnh hỏi lại tới vài lần, song trò vẫn cứ ngơ ngác nhìn quanh rồi bỗng cười phì phì…

Chìa ra tập giáo án dày cộp, cô Hạnh nói: “Mỗi bé nhập học sẽ được lên chương trình riêng để phù hợp về nhận thức, khả năng của mình. Sau mỗi ca học, giáo viên sẽ ghi vào sổ nhật ký từng trường hợp rồi cuối tuần gửi về cho phụ huynh. Cứ như thế, tới khi “tốt nghiệp”, mỗi bạn sẽ có 4-5 quyển sổ ghi chép tỉ mỉ từng quá trình học tập, kết quả biến chuyển. Chúng tôi vẫn đùa nhau đó là hồ sơ của những giáo sư tài ba!”, cô Hạnh ví von.

Nói về biểu hiện trẻ tự kỷ, cô Hạnh cho hay có rất nhiều dạng. Thể nhẹ thì đồng nghĩa nhận thức kém, chậm nói, chậm giao tiếp và tương tác. Trẻ ở thể nặng thường tăng động quá mức, không kiểm soát hành vi hoặc ngược lại gần như không có phản xạ giao tiếp. “Có những bé thường có hành vi tự kích thích như sờ chim cả ngày, rớt rãi chảy hay “ị tè” tại chỗ; lại có những bé đang yên đập đầu vào tường hay chạy tới các cô đấm bùm bụp hoặc lên gân cật lực cấu xé… Đặc biệt, trẻ tự kỷ rất nhạy cảm với thời tiết, chỉ đổi mùa một chút các bé sẽ quấy khóc, bỏ ăn, thậm chí hung hãn hơn… Những lúc như thế, giáo viên phải là người thấu hiểu, tìm ra sở thích của các con để cắt cơn hưng phấn, ức chế trở lại bình thường”, cô Hạnh chia sẻ.

Áp lực là vậy, thu nhập lại cũng không cao nên nhiều cô giáo sau vài buổi tới thực tập không quay lại nữa. Vậy là vừa quản lý, “cô hiệu trưởng” lại trực tiếp giảng dạy những ca khó. “Không phân biệt bé ở thể nặng hay nhẹ, với tình thương và lòng nhẫn nại, mình tin sớm hay muộn các con sẽ có sự chuyển biến. Qua đó, cũng muốn thay đổi cách nhìn của xã hội về trẻ tự kỷ. Không phải cứ nhắc tới trẻ tự kỷ là nghĩ ngay tới những bé không biết kiểm soát, không nhận thức, không có tương lai… Đây cũng chính là lý do vì sao mình đặt tên cơ sở lại là: Tương lai mới”, cô Hạnh tâm sự.

Vừa tan ca, chị Trần Thị Vân, công nhân tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Nam Thăng Long lại tất tả chạy xe về lớp đón con. Phải mất nhiều lần gọi và thuyết phục, bé Khải (5 tuổi), con trai chị mới chịu chạy ra chào mẹ. “Thích ở lớp hơn ở nhà, cháu quý các cô lắm, về nhà cứ líu lo kể chuyện không dứt”, chị Vân chia sẻ. Vậy mà, chỉ cách đây 7 tháng, trước khi vào lớp Tương lai mới, Khải rất ít nói, ngoài ra rất bướng bỉnh, nghịch ngợm, không tập trung… “Vì không có điều kiện nên sau sinh được vài tháng, em đã phải gửi con ở quê cho ông bà chăm sóc. Tới 2 tuổi khi phát hiện nhiều biểu hiện khác thường mới cho con đi khám thì đã muộn. Quá lo lắng, em đi tìm hiểu nhiều trung tâm dạy trẻ tự kỷ thì được biết chi phí giảng dạy lên tới hơn chục triệu đồng/tháng, vượt quá cả mức thu nhập của hai vợ chồng. May sao được đồng nghiệp mách mới tìm tới lớp của cô Hạnh… Bây giờ, dù tư duy của cháu vẫn còn hơi chậm nhưng cũng đã cải thiện hơn trước rất nhiều”, chị Vân nói.

Cô giáo 9X với cách dạy văn độc đáo

Cô Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên Trường THPT Trưng Vương, quận 1 (TP.HCM) cho học sinh vẽ tranh, hóa thân vào nhân vật, đóng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Ngân (Báo Giao Thông)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN