Cô giáo nhặt đồng nát nuôi chồng mắc bệnh hiểm nghèo

Hằng ngày cứ đầu giờ chiều người dân phường Viên Sơn (thị xã Sơn Tây - Hà Nội) lại thấy hình ảnh một cô gái với vóc dáng gầy gò đạp chiếc xe cũ kĩ, cứ một lúc lại dừng xe nhặt những vỏ chai nhựa, những vỏ lon nước bên lề đường.

Không ai có thể ngờ rằng người phụ nữ đó chính là cô giáo Vương Thị Thùy - giáo viên dạy mỹ thuật ở trường tiểu học Viên Sơn (phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây). Từ khi chồng (anh Phạm Văn Mạnh - PV) mắc phải căn bệnh ung thư quái ác, mọi công việc đều đổ dồn lên đôi vai gầy của cô. Với đồng lương dạy học ở trường không thể trang trải nổi điều kiện gia đình hiện tại, cô phải đi thu gom đồng nát để có thêm tiền thuốc men cho người chồng đang nằm viện.

Cô giáo nhặt đồng nát nuôi chồng mắc bệnh hiểm nghèo - 1

Sau buổi dạy ở trường cô Thùy lại đi thu mua đồng nát. Ảnh T.G

Sáng đi dạy, chiều đi buôn đồng nát

Chị Vương Thị Thùy (1981) và anh Phạm Văn Mạnh (1980) quen biết rồi có tình cảm với nhau hồi hai người đang học ở trường cao đẳng mỹ thuật ở Hà Nội. Năm 2005 họ kết hôn với nhau và sống tại phường Viên Sơn. Hai người đều là giáo viên dạy mỹ thuật, chị Thùy dạy ở trường tiểu học Viên Sơn còn anh Mạnh dạy ở trường trung học cơ sở Trung Hưng đều thuộc thị xã Sơn Tây. Hai người sinh được hai đứa con, cháu đầu là Phạm Trường Thành năm nay 7 tuổi và cháu Phạm Hà Thủy năm nay mới 2 tuổi.

Cuộc sống cứ bịnh dị thế trôi đi cho đến ngày 27/11/2012, anh Mạnh kêu đau bụng dữ dội, cô đã phải gửi con cho hàng xóm đưa chồng đi khám. Đến bệnh viện được các bác sĩ chuẩn đoán anh Mạnh có một khối u trong bụng ảnh hưởng đến ruột nên phải phẫu thuật cắt bỏ. Thời điểm đó chị chỉ nghĩ đó là một khối u lành phẫu thuật xong là không sao. Nhưng sau đó một tuần chị không thể tin nổi vào mắt mình khi nhận được kết quả xét nghiệm là anh đã bị bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 3… "Tinh thần tôi lúc đó tôi suy sụp hoàn toàn, gần 2 tháng trời tâm trạng rối bời, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và cũng rất sợ sẽ có một ngày căn bệnh ung thư sẽ cướp mất người chồng mình", chị Thùy chia sẻ.

Sau gần 2 tuần ở bệnh viện Sơn Tây, vì phải điều trị lâu dài nên anh Mạnh phải chuyển xuống bệnh viện K (Tân Triều, Thanh Trì, Hà nội). Phận đàn bà một mình phải quán xuyến mọi việc, giờ chồng lại đi điều trị xa nhà càng đè nặng trên hai vai chị. Để có thêm thu nhập, hàng tuần và các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6 chị đi dạy học, còn buổi chiều của các ngày đó chị lại đi nhặt và thu mua đồng nát. Ngoài thu mua đồng nát nếu có ai thuê dọn dẹp lau chùi nhà cửa chị đều đảm nhận hết. Còn hai ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật chị tranh thủ xuống bệnh viện chăm chồng và tận dụng luôn khoảng thời gian này nếu có ai thuê làm việc gì thì chị cũng nhận làm luôn. Chị Thùy chia sẻ: "Bình thường mỗi ngày tôi đi thu nhặt đồng nát cũng kiếm được tầm 20 đến 25 nghìn, cũng có hôm được 50 nghìn nhưng hiếm lắm. Giờ kiếm được đồng nào thì quý đồng đó chứ lương thưởng của tôi đi dạy ở trường cũng chỉ đủ một phần tiền thuốc men cho chồng điều trị".

Trước khi theo nghề thu mua đồng nát, chị cũng nghĩ đến công việc khác như bán quần áo hay làm thêm cho quán ăn nhà hàng cho đỡ cực hơn nhưng đó là những công việc phải cố định về thời gian mà với chị như thế thì không được vì còn phải chăm chồng. Đối với chị, khó khăn vất vả đến đâu cũng không ngại miễn là có một công việc để kiếm ra những đồng tiền chân chính.

Chị nhớ lại khoảng thời gian đầu đi thu gom đồng nát, phía người thân không ai đồng ý với cách làm đó của chị. Khi biết tin vợ mình làm thêm công việc đó thì chồng chị cũng nhiều lần khuyên can, không muốn vợ mình phải khổ như thế. Hàng xóm anh em cũng góp ý sao không kiếm một công việc khác cho đỡ vất vả, chị cũng biết thế nhưng vì phải chạy đi chạy lại suốt nên không thể làm một việc cố định về thời gian. Chị cũng cho biết thêm, từ khi biết hoàn cảnh gia đình như thế thì các đồng nghiệp ở trường tiểu học Viên Sơn luôn tạo điều kiện giúp đỡ về vật chất cũng như động viên về tinh thần làm chị trong lòng cũng thấy nhẹ nhõm phần nào.

Cô giáo nhặt đồng nát nuôi chồng mắc bệnh hiểm nghèo - 2

Cô giáo Thùy đang hướng dẫn cho học sinh. Ảnh T.G

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Hương là giáo viên dạy cùng trường với cô Thùy tâm sự: "Gia đình cô Thùy rất khó khăn, chồng bị bệnh phải nằm viện quanh năm suốt tháng, là phận gái phải quán xuyến lo cho chồng rồi lại lo cho 2 đứa con đang nhỏ. Từ khi Thùy làm thêm công việc thu mua đồng nát bán chúng tôi cũng có những đồ chai lọ, phế liệu gì mà gia đình không dùng là gom lại ở góc nhà cứ cuối tháng lại gọi Thùy đến. Bản thân tôi cũng khâm phục bản lĩnh của Thùy vì tôi nghĩ rằng ít người mà có một nghị lực phi thường đến thế".

Cùng chồng chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo

Theo lời kể của chị Thùy, gia đình bên nội và bên ngoại hoàn cảnh đều không khá giả gì. Những ngày ốm đau bố mẹ hai bên chỉ giúp vợ chồng chị chăm con nhỏ, lo cho các cháu bữa ăn giấc ngủ. Còn chị cứ đến cuối tuần thì như con thoi chạy từ Sơn Tây xuống bệnh viện K thăm chồng, rồi thời gian chồng nghỉ ngơi chị lại đi thua mua đồng nát hay ai nhờ dọn dẹp nhà cửa thì đi làm ngay. Cuộc sống vất vả và lo toan khiến cô già hơn nhiều so với tuổi 33 của mình. "Nhiều đêm nằm viện trông chồng mà nước mắt cứ rơi, rồi nghĩ quẩn. Nhưng thương chồng, con nên lại gắng gượng vượt qua", chị Thùy tâm sự.

"Từ hôm biết tin chồng bị ung thư đại tràng đến bây giờ là giai đoạn khó khăn nhất đối với gia đình tôi. Hàng tháng cứ chạy đi chạy lại cũng đã có lúc tôi cảm thấy chán nản, nhưng khi nhìn thấy chồng mình nằm một chỗ thì ý nghĩ đó bỗng tiêu tan. Khi anh Mạnh xuống điều trị ở bệnh viên K các bác sĩ cũng đã xác định sẵn với gia đình là bệnh nhân phải "chung thân" với bệnh viện. Nhiều hôm một mình nằm ngủ nghĩ đến chồng nước mắt tôi lại cứ chảy ra", chị Thùy bùi ngùi. Thương chồng thương con chị như tiếp thêm được một nghị lực phi thường để vươn lên.

Gạt nước mắt chị tâm sự tiếp: "Nhiều lần anh Mạnh bảo, thôi cho anh về nhà nằm chờ chết, đằng nào cũng không cứu được. Những lúc đó tôi động viên anh rằng em và các con luôn đặt niềm tin là anh được bình phục…". Chị cũng hiểu được rằng những người bị căn bệnh quái ác đó thường rất hay bi quan chán nản, nên chị luôn an ủi làm cho chồng vui không phải phiền lòng. Chị thường bảo với chồng "Em và các còn lúc nào cũng ở bên cạnh anh". Giờ đây mong muốn lớn nhất của chị Thùy lúc này là người chồng được nhanh chóng bình phục, con cái luôn luôn khỏe mạnh không bao giờ ốm đau.

Chia sẻ với chúng tôi, cô Đào Kim Anh - Hiệu trưởng trường tiểu học Viên Sơn cho biết: "Thùy là một giáo viên mặc dù ít tuổi nhưng rất chăm chỉ trong công việc và có nghị lực trong cuộc sống. Tuy còn trẻ nhưng Thùy là một người mẹ đảm đang, một người vợ chăm sóc chồng con rất chu đáo. Khi biết tin chồng cô Thùy mắc bệnh hiểm nghèo. Lãnh đạo nhà trường cũng động viên an ủi cô cố gắng vượt qua khó khăn. Phía nhà trường cùng với công đoàn đã xây dựng quỹ "Vòng tay đồng nghiệp", quỹ đó tuy không nhiều nhưng cũng thể hiện được tấm lòng của các cô giáo, thầy giáo với gia đình cô Thùy".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Phúc (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN