Cô giáo làng gần 20 năm trông trẻ miễn phí
“Trong cuộc đời của mình không phải không có người đàn ông theo đuổi nhưng nghĩ đến tình cảm nam nữ, mình lại cảm thấy phức tạp và mất nhiều thời gian. Mình chỉ muốn dành cho các cháu những tình yêu thương chân thực nhất của mình” – Bà Nguyễn Thị Ngân, người phụ nữ gần 20 năm giữ trẻ miễn phí ở một làng quê nghèo thuộc xã An Dương, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang tâm sự.
Tranh: Văn Hổ.
Hơn 30 tuổi mới học lớp 5
Dường như định mệnh bắt bà Ngân phải gắn bó với những đứa trẻ còn nhiều khó khăn ở quê hương bà. Bởi ngay từ lúc sinh ra, bà đã thiếu thốn sự chăm sóc của gia đình. Bà là con thứ 4 trong gia đình có đến 10 anh, chị em, như một cây dại lớn lên từng ngày. Học hết lớp 5 cô bé Ngân phải nghỉ học để cùng phụ giúp bố mẹ làm ruộng, bắt cua, bắt cá…
Năm 1993, Ngân vào Nam làm công nhân. Trong một buổi đi chơi, Ngân thấy những lớp học mầm non do người dân tự đứng ra tổ chức. Chợt nghĩ đến những đứa trẻ ở quê đang phải sống vất vưởng, thiếu sự giáo dục từ nhỏ do cuộc sống còn khó khăn, bố mẹ không có đủ tiền cho con đi học đàng hoàng, Ngân bắt đầu khát khao được là người đưa đò cho chúng.
Nhiều đêm liền Ngân không chợp mắt được khi nghĩ đến những gương mặt lem luốc với ánh mắt đầy thơ ngây, tha thiết của những đứa trẻ nhỏ nông thôn. Vậy là cô gái Nguyễn Thị Ngân, khi ấy đã hơn 30 tuổi bắt tàu trở ra Bắc để xin… đi học cấp 2. Cô đánh liều khai thấp hơn chục tuổi rồi xin vào học tại một trường bổ túc văn hóa ở tận huyện Lục Nam để học cùng với những bạn học kém mình gần hai chục tuổi.
“Ban đầu, nhiều thầy cô giáo ngạc nhiên, ngỡ rằng có giáo viên đến dự. Nhiều bạn học cũng nhìn mình với ánh mắt khó hiểu. Nhưng sau đó, thấy mình hòa đồng, không phân biệt tuổi tác, cùng chơi, cùng học và học một cách nghiêm túc nên các thầy cô giáo, bạn bè đều rất quý” – bà Ngân tâm sự.
Năm 1998, sau khi trải qua các cấp 2, 3 theo chương trình bổ túc, Ngân đã thi và đỗ vào lớp đào tạo giáo viên mầm non của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Tân Yên. Cũng năm ấy, bà quyết tâm mở lớp mầm non ngay tại nhà.
Khá nhiều người dân khi đó ngạc nhiên bởi Ngàn Ván là thôn nghèo, người dân lấy đâu ra tiền để gửi trẻ? Nhưng ít ai biết rằng phía sau đó là những nỗ lực đầy yêu thương của người phụ nữ quá băm này…
Vay lãi ngân hàng dựng lớp học tình thương
Người dân thôn Ngàn Ván, xã An Dương, huyện Tân Yên chủ yếu sống bằng nghề nông nên không nhiều gia đình có của ăn, của để. Đời sống người dân thấp nên trẻ em cũng không được quan tâm nhiều. Bà Ngân nhớ lại, những năm đầu mở lớp, bà định nhận những cháu có hoàn cảnh khó khăn thôi.
Thế mà mọi người dân xung quanh biết tin đều đưa con đến nhờ gửi. Bà không lấy tiền công nhưng đề nghị gia đình phải cùng bà lo bữa ăn cho các cháu. Nói là thế nhưng nhiều người khó khăn quá, có những gia đình chỉ dám giấm giúi xách vào nhà bà 1 kg gạo rồi bước vội đi, có những gia đình xin khất đến vụ gặt… trả một thể.
“Nhiều phụ huynh chọn cơ sở của bà Ngân không chỉ bởi bà không thu tiền của học sinh mà còn bởi họ tin tưởng ở con người bà”. Ông Hoàng Quốc Huy, |
Những đồng tiền do phụ huynh học sinh gửi bà hàng tháng không thể đủ tiền ăn nhưng nghĩ thương lũ trẻ, bà Ngân lẳng lặng đi mua chịu thịt lợn, cá, tôm… về cải thiện cho lũ trẻ. Còn mấy cô giáo trông trẻ vẫn phải ăn cơm độn sắn. Ngôi nhà được tận dụng làm lớp học bị dột nát, cô Ngân mang sổ đỏ của gia đình đi vay được 2 triệu đồng rồi tự tay chặt những cây bạch đàn làm cột, làm xà sang sửa lại. Nghĩ lại quãng thời gian ấy, bà Ngân chia sẻ: “Tôi cũng chẳng biết vì sao cơ sở của mình tồn tại được đến bây giờ. Tôi đang bị bệnh tim, thận nên sức khỏe yếu. Đã rất nhiều lần tôi nằm nghĩ: thôi làm nốt năm nay, năm sau nghỉ cho khỏe nhưng việc cứ quấn lấy, chẳng thể bỏ được”.
Hiện tại, cơ sở giữ trẻ của bà gồm 3 phòng, chia ra làm 2 nhóm tuổi mầm non với tổng diện tích khoảng gần 150 mét vuông. Ngoài ra sân chơi cũng được đầu tư xây dựng vườn, đu quay, cầu trượt cho các cháu… Người dân ở đây đánh giá cơ sở của bà Ngân khang trang hơn cả điểm chính của Trường Mầm non An Dương 2.
Tất cả đều từ sự tự tích cóp, đầu tư của bà Ngân và sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm. Bà Ngân cho biết, có những chủ doanh nghiệp đến thăm đã đầu tư hàng chục triệu đồng giúp cơ sở của bà quy hoạch, xây dựng thêm phòng học. Mới đây, Bí thư Huyện ủy Tân Yên cũng đến thăm và tặng lớp học của bà tủ thuốc cấp cứu và khoảng 50 mét xốp trải nền.
Bà Ngân vui chơi cùng các cháu.
Ước mơ thành hiện thực sau hơn 15 năm chờ đợi
Ước mơ lớn nhất của bà Ngân là được mọi người và các cấp coi bà như một giáo viên trong ngành giáo dục thực sự. Nhưng mãi đến năm 2013, ước mơ ấy mới trở thành hiện thực khi bà Ngân chính thức trở thành viên chức ngành giáo dục, thuộc biên chế Phòng Giáo dục đào tạo huyện Tân Yên ở tuổi U50.
Đến nay, bà Ngân đang được hưởng mức lương khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, theo ông Hoàng Quốc Huy, Trưởng phòng Giáo dục Tân Yên thì bà Ngân đã bỏ hết số tiền lương ra để đóng học phí cho các em, nộp cho nhà trường theo quy định vì nhiều em không có đủ tiền để đóng đủ học phí tối thiểu. Chính tấm lòng ấy đã trở thành chỗ dựa ý nghĩa nhất cho những thân phận trò nghèo.
Nhiều gia đình ở tận huyện Sơn Động hoặc tỉnh Thái Nguyên cũng mang về cơ sở của bà trông nom. Hiện tại trong cơ sở của bà có bé Lê Hữu Nội, bị thiểu năng trí tuệ, bố mẹ bỏ đi hết để lại cháu cho bà nội trông nom, mỗi năm gia đình chỉ có vài kg gạo để đóng góp nhưng bà Ngân vẫn vui vẻ trông nom, dạy dỗ.
Bà Nguyễn Thị Túc, một người dân thôn Am, xã An Dương cho biết: “Tôi đang gửi cháu Nguyễn Thị Ngọc Anh là cháu nội của tôi ở đây đã 2 năm nay. Bố mẹ cháu từ khi gửi được cháu cứ đi làm biền biệt, có khi mấy tháng mới về thăm con một lần. Tôi không có đủ tiền nộp tiền ăn cho cháu đành phải khất bà Ngân đến tận vụ thu hoạch hoặc khi bố mẹ cháu về mới có.
Thế mà bà Ngân không bao giờ hỏi lại một lời nào, cháu tôi vẫn được ăn học đàng hoàng, lớn lên, khỏe ra, ngoan ngoãn, nề nếp. Chính vì thế mà nhiều người khó khăn ở cùng thôn tôi cũng đến đây gửi con như anh Nguyễn Văn Thanh, anh Nguyễn Văn Lệ…”.
Ghi nhận những sự cố gắng đó, bà Ngân đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cúp lưu niệm và vòng nguyệt quế trong Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong giáo dục đào tạo năm 2007.
Còn Trưởng phòng giáo dục huyện Tân Yên Hoàng Quốc Huy cho biết: “Những người như cô giáo Ngân thực sự đáng trân trọng. Chúng tôi đánh giá cao sự tận tình với công việc của bà Ngân và sẽ tiếp tục hỗ trợ bà về chuyên môn, đào tạo để phát triển hơn nữa, góp phần bảo đảm phát triển toàn diện cho các trẻ em trong cơ sở mầm non của bà”.
Người nghèo lo cho người khó Biết bà sống độc thân nên ban đầu chúng tôi cũng khá ngại khi hỏi về chuyện tình cảm của bà Ngân nhưng thấy cách nói chuyện thoải mái, tôi mới gặng hỏi thêm về đời sống riêng tư. Bà Ngân bảo: Là phụ nữ thì ai chẳng va phải những chuyện tình cảm và có những người đàn ông đến hỏi han. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bà lại lo vướng vào những câu chuyện tình cảm sẽ mất nhiều thời gian, mệt đầu để suy nghĩ và nói chung là… rất phức tạp. “Niềm vui của tôi là được thấy con trẻ ngoan ngoãn, cười nói bi bô. Và khi tôi không còn nghĩ đến chuyện chồng con nữa, chỉ nghĩ đến việc cho đi những tình thương thì tôi như khỏe mạnh ra” – bà Ngân nói. Về mức thu đối với mỗi cháu hàng tháng bà Ngân cho biết, các gia đình có con em đi học tại cơ sở của bà đang đóng góp tiền ăn là… 6.000 đồng/ngày. Đầu năm, các cháu đóng thêm tiền đồ dùng là 20.000 đồng. Ngoài ra, không có tiền học phí hàng tháng cũng không có thêm bất kỳ khoản thu nào khác. Hỏi, làm sao bà có thể đủ tiền trang trải thì bà chỉ cười: “Tôi còn mấy sào ruộng nữa, phụ huynh vẫn giúp làm thêm nên đủ gạo để nuôi các cháu. Hơn nữa, anh chị em nhà tôi cũng đều ủng hộ nên thỉnh thoảng giúp đỡ thêm về mặt tài chính cho lớp học”. Thậm chí như chị Nguyễn Thị Hường, em gái út của bà Ngân có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bản thân con trai chị Hường đang bị bệnh máu trắng, lại thuộc nhóm máu hiếm nên nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào nhưng hằng ngày vẫn đến giúp bà Ngân các công việc trong lớp. “Sự vô tư và tấm lòng của chị tôi cùng niềm vui được nhìn thấy nụ cười của các cháu chính là động lực để chúng tôi gắn bó với lớp học này” – chị Hường tâm sự. |