Cô giáo gửi con cho nội, ngoại lên núi bám bản, gieo chữ

Sự kiện: Giáo dục

Vợ chồng không thể tận tay chăm sóc, nuôi dạy hai đứa con. Con đầu gửi cho ông bà nội ở huyện Con Cuông, đứa con gái sau gửi cho ông bà ngoại ở Vinh.

Cô giáo gửi con cho nội, ngoại lên núi bám bản, gieo chữ - 1

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền sinh ra và lớn lên ở TP Vinh nhưng đã có hơn 10 năm dạy học ở vùng biên huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An). Cô Hiền đang là giáo viên tiểu học cắm bản ở bản Na Mỳ (xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn).

Ở bản xa nơi đây, cô không có phòng riêng nên không thể đưa con lên sống cùng mẹ. Chồng cô là bộ đội đóng quân ở huyện miền núi Con Cuông.

Cô giáo gửi con cho nội, ngoại lên núi bám bản, gieo chữ - 2

Cô Hiền và các giáo viên vượt suối lũ vào trường đến với học sinh vùng biên cương.

Do vậy vợ chồng không thể tận tay chăm sóc, dạy hai đứa con. Con đầu gửi cho ông bà nội ở huyện Con Cuông chăm nuôi và đứa con gái sau gửi cho ông bà ngoại ở Vinh.

Nghỉ hè vừa rồi, cô Hiền về với hai con. Mẹ, con lâu ngày gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Năm nay, con gái cô bước vào lớp 1.

Cô giáo gửi con cho nội, ngoại lên núi bám bản, gieo chữ - 3

Có những đoạn đá lở gập ghềnh.

Cô tâm sự: “Trước mấy ngày khai giảng, tôi dẫn cháu đến trường Tiểu học Hưng Dũng 1 (TP Vinh) và chỉ cho con: Đây là trường của con sẽ học, rồi lần lượt giới thiệu đâu là lớp học, đâu là nhà vệ sinh, đâu là nơi rửa tay cho sạch sẽ. Vào trong lớp, tôi hướng dẫn đây là bảng, là phấn, con sẽ ngồi ngay ngắn như thế này, mở vở ra, tập đọc, tập viết… Rồi tôi nói con tự đi bộ về nhà, cho quen đường. Còn mẹ giả vờ lên xe máy về trước. Thế mà cháu tự về được đến nhà. Thương lắm, mà mẹ không dám khóc. Mẹ cũng là giáo viên dạy tiểu học, mà không được dạy con. Thôi thì trông cậy vào các thầy cô giáo khác, đồng nghiệp với mẹ, sẽ dạy dỗ, chăm sóc con”.

Cô giáo gửi con cho nội, ngoại lên núi bám bản, gieo chữ - 4

Rồi lại phải lên lên dốc núi dựng đứng.

Khi mọi người đi mua bóng bay, cờ hoa để đưa con đi khai giảng thì cô rời thành phố, vượt hơn 270km lên với học sinh miền núi. Nhưng trên đường đi lên điểm trường, gặp lũ, cuốn trôi nhiều đoạn đường.

Cô Hiền và các giáo viên phải đi thành từng nhóm, dìu nhau bước qua những đoạn bùn lầy lũ sạt lở núi, khe, suối... Gắng đi đến bản Xốp Phong thì cô Hiền bị ngã xuống vực lũ xoáy. Cô bám được rễ cây rừng, nhích lên từng chút, các đồng nghiệp đi trước vội quay lại, giúp cứu, kéo cô lên. 

Cô giáo gửi con cho nội, ngoại lên núi bám bản, gieo chữ - 5

Phút nghỉ chân dọc núi bởi đường đi quá nguy hiểm, mệt nhọc.

Hai ngày đi bộ thì cô Hiền và các giáo viên cũng vào được đến Trường tiểu học Mường Típ 1.

Nhưng khi đi tiếp hơn 2km lội suối, vượt núi đến bản Na Mỳ thì cô Hiền bật khóc bởi 5 phòng học- nơi cô dạy học lâu nay và phòng ở giáo viên đã bị lũ dữ tấn công, cuốn hỏng.

Không còn phòng để dạy học, cô Hiền và các cô giáo cắm bản phải vận động đưa học sinh lớp 4, 5 ra dạy trong phòng họp của điểm chính Trường tiểu học Mường Típ 1.

Cô giáo gửi con cho nội, ngoại lên núi bám bản, gieo chữ - 6

Điểm trường ở bản Na Mỳ (xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn) bị lũ dữ tấn công, cô Hiền không còn phòng để dạy học, đành đưa học sinh ra điểm chính.

Sau khi gạt bùn lũ và bọc lại sách vở cho học sinh, các giáo viên nơi đây đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2018-2019 ấm cúng nơi biên cương.

Lúc khai giảng nhìn học trò, cô Hiền thương nhớ con rồi cô nhận được điện thoại báo tin con gái đi khai giảng vào lớp 1 đang bị thất lạc. Cô lo lắng, hốt hoảng.

Cô giáo gửi con cho nội, ngoại lên núi bám bản, gieo chữ - 7

Điểm chính cũng ngổn ngang bùn, đất, cây rác phải dọn dẹp.

Cô Hiền chia sẻ: “Ngày khai giảng cả nước nô nức chào đón. Nhà nhà, người người đưa con đến trường. Thương con gái bị lạc giữa dòng người đông đúc, xa lạ. Mẹ nghe tin mà nghẹn ngào quá. Tại sao cô giáo không để ý gì đến cháu vậy?. Cháu mới bước vào lớp một, vào môi trường lạ lẫm. Buồn! Mẹ thì lo lắng cho con em vùng cao. Vừa chống lũ vừa gieo chữ. Còn con gái đi dự lễ khai giảng bị lạc làm bà hết hồn. Cảm ơn ông trời đã giúp con trở về nhà an toàn...”.

Cô giáo gửi con cho nội, ngoại lên núi bám bản, gieo chữ - 8

Học sinh Trường tiểu học Mường Típ 1, hồn nhiên.

Cho đến ngày 7-9, con đường độc đạo dẫn vào xã Mường Típ vẫn đang bị đất, đá vùi lấp và lũ cuốn hỏng chưa khắc phục được. Nơi đây đang bị lũ “cô lập” nên cô Hiền và các thầy giáo đi bộ 5 giờ đồng hồ mang gạo về trường nấu cơm cho học sinh. Cô Hiền và các cô giáo đang phải lên rừng lấy măng và lá me non về nấu cho học sinh có canh ăn.

Vượt lên vất vả khó khăn và cả thiệt thòi, cô Hiền cùng các giáo viên ở Mường Típ đang cống hiến vì học sinh thân yêu.

Nốt lặng trong lễ khai giảng

Hôm qua (5-9), hơn 23 triệu học sinh (HS) đến trường trong ngày lễ khai giảng năm học mới nhưng ở đâu đó vùng sâu, vùng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đ.Lam - H. Hằng ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN