Cô giáo dạy Địa lý bằng Tiếng Anh đầy sáng tạo được Bộ GD&ĐT tuyên dương
Sáng nay (18/10) Bộ GD&ĐT đã tổ chức Lễ tuyên dương gương Người tốt việc tốt đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 – 2017.
Cô giáo Nguyễn Thị Nga (áo hồng) - Ngưởi thử nghiệm dạy địa lý bằng Tiếng Anh mang lại sự hứng thú cho học sinh.
Phát biểu tại lễ tuyên dương, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ: “Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, Bộ GD&ĐT xác định giáo viên là nhân tố quan trọng quyết định việc dạy và học có chất lượng; sự đổi mới, sáng tạo trong dạy và học của giáo viên và học sinh là yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà.
Xuất phát từ nhận thức đó, ngày 19/10/ 2016, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT GS Phùng Xuân Nhạ đã phát động phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy và học trong toàn ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020.
Một năm qua, phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy và học đã có một vị trí quan trọng trong mỗi nhà trường, nhận được sự hưởng ứng thiết thực và hiệu quả của mỗi thầy giáo, cô giáo, các em học sinh.
Các giáo viên vùng sâu, vùng xa luôn phải thuyết phục học sinh đến trường, hay hình ảnh những giáo viên mầm non hết mình để cứu 15 em học sinh trong trận lũ năm 2016, họ nêu cao tấm gương của những người thầy tận tụy hết lòng vì học sinh.
Trên khắp nẻo đường của đất nước luôn có những giáo viên tận tụy hết lòng vì thế hệ tương lai, không ồn ào, khoa trương hàng ngày các thầy cô gieo chữ, gieo kiến thức, gieo tin yêu và gieo mầm tương lai cho đất nước.
Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức gọn nhẹ, công bằng, khách quan và đúng quy chế, các đoàn học sinh tham gia Olympic quốc tế được giải cao nhất từ trước đến nay. Các giáo viên chính là những người làm nên thành công này, đóng góp không nhỏ vào nền giáo dục nước nhà”.
Tại buổi lễ, có 63 thầy cô giáo và 63 học sinh tiêu biểu đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục nước nhà được vinh danh.
Tại buổi lễ, cô giáo Nông Thị Loan – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) chia sẻ: “Bảo Lạc là huyện nghèo với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%, ở trường tiểu học thường có nhiều lớp ghép.
Số giáo viên và học sinh ít việc tổ chức phong trào thi đua kém hiệu quả, lãng phí trong sử dụng biên chế, cha mẹ học ít quan tâm đến học hành con cái. Tôi đã tìm giải pháp để quy hoạch mạng lưới trường lớp tiểu học để giảm số lớp ghép tăng cường nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh để thu hút các em đến trường.
Chúng tôi rà soát các điểm học sinh ở điểm lẻ, họp phụ huynh để lấy ý kiến về việc dồn ghép học sinh để tổ chức lớp bán trú và chỉ đạo dạy học 2 buổi/ ngày bố trí giáo để phục vụ công tác bán trú.
Sau 5 năm, chúng tôi chuyển 100% trường khó khăn thành trường PTDT nội trú, dư 140 biên chế giáo viên tiểu học để bố trí cho cấp học mầm non, THCS”.
Nguyễn Thị Thúy Nga – dạy địa lý bằng Tiếng Anh tại trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) chia sẻ: “Trước kia là học sinh thì tôi say mê với môn Tiếng Anh và Địa lý, trong quá trình giảng dạy ở THPT chuyên tôi thấy Địa lý mang màu sắc của nhiều môn học, có tính cập nhật cao, những vấn đề này ở chương trình Tiếng Anh phổ thông cũng được đề cập. Tôi đã thử nghiệm soạn giảng một số tiết học địa lý bằng Tiếng Anh để biến ngoại ngữ thành ngôn ngữ chứ không phải môn học.
Tôi cũng đầu tư tương đối nhiều và nhận sự giúp đỡ từ học sinh, học sinh rất hứng thú và như được nhận một làn gió mới.
Đã qua nhiều năm học, tôi nhớ rõ tiết dạy đầu tiên để lựa chọn và đánh giá hiệu quả, tôi đã thực hiện ở nhiều lớp có chất lượng khác nhau (THPT Chuyên Nguyễn Trãi) và một trường tư thục trên địa bàn. Tôi nhận thấy để thực hiện ý tưởng này cả thầy và trò phải có vốn ngoại ngữ đặc biệt và thực hiện tốt nhất ở lớp chuyên Anh. Tôi rất mong mô hình này được nhân rộng hơn nữa”.
“Giáo viên nên lấy việc học phát âm là động lực để thành công và không nên tự ti về xuất phát ngữ âm của mình,...