Cô giáo chưa kết hôn ‘né’ dạy giáo dục giới tính

Sự kiện: Giáo dục

Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho học sinh các cấp hiện chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều giáo viên còn e ngại khi truyền đạt các kiến thức về giới tính cho các em.

Đó là ý kiến của các đại biểu (ĐB) tại hội thảo ĐB dân cử với vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh thiếu niên diễn ra sáng nay tại Đà Nẵng. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức.

BS-ThS Bùi Đại Thụ, Viện Nghiên cứu y-xã hội học, cho biết theo kết quả điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục tại Hà Nội, TP.HCM và sáu tỉnh đại diện cho sáu vùng sinh thái gồm Sơn La, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Gang, trung bình độ tuổi có kinh nguyệt lần đầu của các em gái là 15 tuổi, bé trai có mộng tinh lần đầu là 13,4 tuổi.

Có 2,3% thanh, thiếu niên được hỏi cho biết quan hệ tình dục lần đầu trước 15 tuổi. Tỉ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân là 15%, trong đó nam giới chiếm tỉ lệ cao hơn so với nữ giới, không có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn. Đặc biệt, chỉ có 17,4% trả lời đúng câu hỏi về “thời điểm mà người phụ nữ có thể có thai”.

Theo ông Lưu Thành Công, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, việc giáo dục giới tính cho học sinh tại các trường hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Các trường học chưa có một chương trình riêng biệt về giáo dục giới tính, mới chỉ có các tiết học đan xen với các môn học dẫn tới việc tiếp thu của học sinh bị phân tán, không hiệu quả.

Ngoài ra, nội dung kiến thức còn chung chung. Nhiều thầy cô giáo trẻ vẫn còn tâm lý e dè, né tránh khi phải truyền đạt kiến thức sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho học sinh. Có trường hợp cô giáo trẻ vì chưa kết hôn nên một mực từ chối dạy giáo dục giới tính, phải nhờ đồng nghiệp nam lên lớp thay.

“Đã đến lúc chúng ta cần có chương trình giáo dục giới tính cụ thể, phù hợp với từng lứa tuổi để giúp học sinh nắm được các kiến thức cơ bản về giới tính, sức khỏe sinh sản. Cha mẹ ngại, thầy cô ngại, nhân viên y tế ngại thì các em biết hỏi ai? Nếu cứ để các em tự mày mò, tìm hiểu qua mạng, qua bạn bè thì rất nguy hiểm vì không phải thông tin nào cũng chính xác” - ĐB Công nói và cũng cho rằng cần có thêm các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên để họ không còn tâm lý ngại ngùng khi giảng dạy kiến thức về giới tính.

Tán đồng với quan điểm này, phó trưởng Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết cần cho xây dựng, đăng tải những chương trình tuyên truyền về giáo dục giới tính lên YouTube và các trang mạng xã hội để giới trẻ tiếp cận. Vị này cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần quản lý tốt hơn nữa các loại thuốc, thực phẩm chức năng và các chất kích thích tình dục trên thị trường.

Cha mẹ đã vô tình kích thích sự tò mò giới tính của bé như thế nào?

Những lưu ý nhỏ sau đây sẽ giúp bé có một tuổi thơ lành mạnh trong sáng, tránh những tâm lý không hay cho bé về vấn đề...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm An (Pháp luật TPHCM)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN