Cô giáo 81 tuổi và những học trò đặc biệt
Đến đường An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội), hỏi thăm nhà cô giáo Hồ Hương Nam, ai cũng biết. Hình ảnh về một cô giáo có khuôn mặt phúc hậu, giọng Huế ấm áp, dáng người nhỏ bé với những việc làm đầy tính nhân văn đã in sâu vào tâm trí của nhiều người.
“Nhớ phải gọi là cô giáo Nam, đừng có quên rồi lại chỉ gọi là bà Nam thôi đấy nhé”- một phụ nữ dặn dò khi chúng tôi dò tìm về nơi cô Nam ở.
Trong khuôn viên Trường THCS An Dương có một lớp học đặc biệt. Cô giáo đã 81 tuổi, nhưng hằng ngày vẫn miệt mài lên lớp chăm sóc và dạy chữ, học sinh là những trẻ em có hoàn cảnh không may (bị câm, điếc bẩm sinh, bị thiểu năng trí tuệ...) và mọi thứ đều miễn phí. Lớp được mở năm 1997. Đều đặn, lớp học từ thứ hai đến thứ sáu theo lịch của nhà trường.
Cô giáo Hồ Hương Nam ngoài việc chính dạy chữ cho những học trò tật nguyền còn là cộng tác viên dân số, làm quản lý của câu lạc bộ sau cai ở phường Yên Phụ. “Đời không cho không ai cái gì bao giờ. Số phận các em kém may mắn, mình may mắn hơn phải làm một điều gì đó có ý nghĩa để giúp các cháu” - cô Nam tâm sự. Ban đầu mới mở lớp, cô Nam đã phải đi từng nhà để vận động gia đình cho con em tới lớp. Những ngày đầu, nhiều gia đình mặc cảm nghĩ rằng con cái họ bị tật nguyền, có học tập thì cũng không thay đổi được gì, nên họ nhất quyết không cho con họ đi học và còn buông lời nhạo báng: “Người bình thường học hành còn chưa ăn ai, huống chi con tôi hoàn cảnh như thế này. Để con tôi yên phận. Bà già rồi, ở nhà mà nghỉ ngơi, đừng có đi làm chuyện lẩn thẩn như thế này”.
Nhiều lần như vậy, thế nhưng cô Nam vẫn không nản chí. Tấm lòng ấy lâu dần đã lay động được mọi người và họ đã cho con mình theo học lớp của cô.
Cô giáo Hồ Hương Nam
Với cô giáo Nam, mở lớp dạy những đứa trẻ tật nguyền chỉ với mong chúng có thể làm nên những điều đặc biệt, có thể tự lập, hoặc ít nhất cũng ý thức được bản thân để bớt đi gánh nặng cho bố mẹ. Trong số 20 cháu được cô chăm sóc, dạy dỗ, giờ một số đã đi làm, lấy chồng. Đặc biệt, học sinh Lưu Hồng Dương (34 tuổi) bị thiểu năng trí tuệ được cô vận động đến lớp theo học, còn học sinh Nguyễn Thị Dung đã lấy chồng năm ngoái, năm nay đã có một con trai đầu lòng kháu khỉnh.
Khi nói về phương pháp dạy học của mình, cô nhấn mạnh: “Dạy học sinh khuyết tật thì cần phải kết hợp giữa tình thương và sự kiên trì. Có khi, chỉ đơn giản là dạy chữ O, nhưng các cháu học cả tháng may ra mới được”.
16 năm gắn bó với lớp học đặc biệt ấy, không hề nhận được bất cứ sự trợ cấp nào, nhưng với cô Nam, được giúp đỡ các em học sinh, như thế là vui, hạnh phúc lắm rồi.
Cô giáo Nam kể, năm 2006, không rõ ai đồn tin cô dạy vẫn có lương hằng tháng, có một phụ nữ xung phong tham gia dạy và chăm sóc các cháu khuyết tật cùng cô. Tuy nhiên, sau đó không lâu, biết việc làm này không có lương thì người đó từ chối khéo không tham gia nữa. “Còn sức khỏe, tôi sẽ còn tiếp tục dạy học: Tình cảm với các cháu khuyết tật sâu nặng lắm” - cô Nam giãi bày.