Cô gái nghèo quyết tâm với giấc mơ ĐH

Chỉ có vỏn vẹn 650.000 đồng đi xe đò từ Thanh Hoá vào TP.HCM thi đại học và tin chắc mình sẽ đậu vào đại học Ngoại thương, Thảo quyết bám trụ lại thành phố để... đi bán vé số chờ ngày nhập học.

Đó là câu chuyện của cô bé Lê Thị Thảo, học sinh trường PTTH Quảng Xương 4 (Thanh Hoá), vừa đậu vào khoa Kinh tế đối ngoại (Đại học Ngoại thương cơ sở TP.HCM) với số điểm 26. Em là con thứ ba trong gia đình có năm chị em gái ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá. Cha em, ông Lê Văn Lan là thương binh mù cả hai mắt. Chính vì thương cha, hai chị của Thảo đều theo nghề y – người vừa ra trường, người đang học năm thứ ba của học viện Y học Tuệ Tĩnh.

Những ngày này, khi bạn bè cùng lớp cấp 3 đang liên hoan chia tay ở quê, chuẩn bị vào đại học thì Thảo vẫn lăn lộn ở Sài Gòn, ở nhờ nhà người bà con cùng quê để kiếm việc làm, tích cóp tiền chuẩn bị đóng học phí, đồng thời tự học thêm ngoại ngữ, tin học để khi vào trường không thua kém các bạn người thành phố.

Bà Tươi, mẹ của Thảo kể, suốt thời đi học, biết phận nhà nghèo nên chưa bao giờ Thảo hỏi xin dù chỉ 1.000 đồng mua sách, vậy mà sau hôm con thi tốt nghiệp xong, bà dọn dẹp mớ sách cũ tính bán đồng nát thì... “đúng lúc ấy hắn về, hắn khóc xin mẹ đừng bán. Nghèo cũng đừng bán sách vụn, để còn cho các em, cho hàng xóm. Đến hôm nay, gọi về lúc nào hắn cũng hỏi đã có ai xin sách chưa”, bà Tươi kể.

Cô gái nghèo quyết tâm với giấc mơ ĐH - 1

Thảo lặn lội lo kiếm tiền đóng học với bộ đồng phục từ hai năm trước và chiếc xe đạp đi mượn

Cô Hiền, giáo viên môn hoá của Thảo nhớ lại: Đầu năm lớp 12, khi nhà trường thu tiền may áo trắng đồng phục, để tiết kiệm 70.000 đồng, Thảo đã xin cô giáo chủ nhiệm miễn cho với lý do: “Em còi, áo từ hai lớp 10, 11 vẫn còn… rộng”. Cũng vì còi nên mấy chị em không ai đủ điều kiện sơ tuyển để thi vào khối an ninh – quốc phòng, dù rất muốn, để giảm bớt nỗi lo của cha mẹ nếu chẳng may… đậu đại học!

Ông Lê Văn Lan cho biết, từ trước năm 2008, các con ông đi học được miễn học phí, nhưng kể từ năm 2010, sinh viên vẫn phải nộp học phí, sau đó về nhận lại ở địa phương. Tuy nhiên, đến tháng 8/2012, ông mới nhận lại được 2,6 triệu đồng trong tổng số 3,4 triệu đồng học phí của năm học 2010 – 2011 (học phí của người con thứ hai đang học Y học Tuệ Tĩnh). Riêng học phí năm học 2011 – 2012 là 4,6 triệu đồng chưa nhận lại đồng nào, và chưa biết bao giờ được nhận, trong khi sắp phải đóng học phí của năm học 2012 – 2013 cho cả hai cô con gái.

Vẫn năm lớp 12, để tiết kiệm tiền mua vở, Thảo gom vở cũ của các bạn, về lột ra, đóng thành tập. Thảo khoe, nhờ vậy, cộng với vở thưởng từ học sinh giỏi tỉnh (giải nhì môn lý và giải 3 giải toán trên mạng), năm đó em tiết kiệm được khoảng 200.000 đồng mua vở. Đến bây giờ, các giáo viên dạy tự nhiên ở trường Quảng Xương 4 vẫn còn “ngao ngán” câu chuyện: khi làm nháp, Thảo cũng cẩn thận, tính nhẩm sẽ xài bao nhiêu cho vừa đủ thì thôi. Đợt ôn thi tốt nghiệp lớp 12 vừa rồi, Thảo cũng xin nghỉ học, mượn vở bạn về nhà tự ôn. “Chỉ đến khi các cô xuống nhà bảo em cứ đi học, học phí sau này đi làm nhớ trả lại cho nhà trường là được, hắn mới đi, chứ cả đời có tiền mô mà học thêm học nếm”, bà Tươi nhớ lại.

Mới đây, khi biết con đậu điểm cao đại học Ngoại thương, chạnh lòng vì trong khi bạn bè thì liên hoan, trong khi con mình còn lặn lội chắt chiu từng đồng lo tiền học, thương con, bà Tươi gọi con về để “nấu cho nó một bữa tử tế”, nhưng Thảo bảo: “Giờ con về, tiền ra, vào lại đã mất 2 triệu đồng, mẹ lấy đâu ra?”.

“Trước khi đi thi hắn đã xác định ở lại học luôn nên dặn hai em: Từ nhỏ đến lớn, ra đường chị chưa bao giờ bỏ 1.000 đồng ăn quà nên các em hư là chị nghỉ chơi, phải để dành tiền mua sách. Thảo cũng “dặn” mẹ: Một là, dù nghèo cũng đừng đem sách bán giấy vụn, hai là khi biết điểm thì thay con báo cho thầy cô, thầy cô sẽ hiểu”. Vừa kể, bà Tươi vừa đưa vạt áo lên lau vội giọt nước mắt.

Gọi điện thoại vào TP.HCM cho Thảo, em kể hôm trước đã bỏ một ngày đi “học nghề bán vé số” mà có vẻ không ăn thua, nên mấy hôm nay đã nhắm được vài chỗ bán hàng ở chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10). “Vậy là sắp có nguồn nộp học phí” – giọng Thảo nhỏ nhẹ nhưng khấp khởi. “Em không xấu hổ vì mình nghèo, có thể sau ni em giàu cho coi, có điều em cũng không muốn anh viết em nghèo, em khổ. Nếu được, anh cho em gửi lời cảm ơn cô Điền dạy toán, cô Xuân dạy lý, dạy hoá hồi cấp 2. Nếu các cô không cho em “nợ” tiền học thì em không thể có kết quả như hôm nay được”, Thảo “dặn dò” tôi.

Tra cứu điểm thi, điểm chuẩn nhanh nhất tại diemthi.24h.com.vn

Bạn muốn là người biết Điểm Chuẩn ĐH-CĐ 2012 Nhanh nhất, chính xác nhất! Hãy soạn tin:

DC MÃTRƯỜNG NĂM gửi đến 8502

Ví Dụ: Để tra điểm chuẩn năm 2012 của trường ĐH Kinh tế quốc dân soạn tin:
DC KHA gửi đến số 8502, để tra điểm chuẩn năm 2011 soạn DC KHA 2011 gửi đến số 8502.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Đức (Sài Gòn Tiếp Thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN