Cô gái được tuyển thẳng lên cao học vì quá xuất sắc dù không hề nhìn được

Sự kiện: Giáo dục
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

TRUNG QUỐC - Không chỉ là nữ sinh khiếm thị đầu tiên vượt qua kỳ thi khốc liệt, cô gái trẻ còn truyền cảm hứng cho nhiều người với những video chia sẻ cuộc sống thường ngày vui tươi và thái độ tích cực, lạc quan.

Một nữ nghiên cứu sinh tiến sĩ đã khiến nhiều cư dân mạng Trung Quốc chú ý và ngưỡng mộ sau khi cô đăng tải những video thể hiện thái độ tích cực đối với cuộc sống và khả năng tự lập, xử trí mọi việc hằng ngày. 

Huang Ying, 29 tuổi, đến từ khu tự trị Hồi Ninh Hạ, phía tây bắc Trung Quốc, đã bị mù khi 2 tuổi do sốt, theo thông tin từ tờ China Youth Daily.

Vào năm 2015, cô đã vượt qua kỳ thi đại học khắc nghiệt của Trung Quốc (gaokao) và sau đó ghi danh vào Đại học Kỹ thuật Vũ Hán (WUT) tại tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.

 Huang là sinh viên khiếm thị đầu tiên ở Trung Quốc được nhận vào một trường đại học hàng đầu thông qua kỳ thi gaokao, mở đường cho các sinh viên khuyết tật khác. Photo: Baidu

 Huang là sinh viên khiếm thị đầu tiên ở Trung Quốc được nhận vào một trường đại học hàng đầu thông qua kỳ thi gaokao, mở đường cho các sinh viên khuyết tật khác. Photo: Baidu

Huang là người khiếm thị đầu tiên ở Trung Quốc được nhận vào một trường đại học hàng đầu thông qua kỳ thi gaokao. Nhiều sinh viên khuyết tật thường theo học các trường trung học hoặc trường dạy nghề.

Với thành tích xuất sắc trong suốt quá trình học đại học, Huang đã được giới thiệu vào chương trình sau đại học của WUT mà không cần tham gia kỳ thi tuyển sinh. Hiện tại, cô là ứng viên tiến sĩ tại trường Quản lý của đại học này.

Trong vài năm qua, Huang ở chung phòng ký túc xá với nữ sinh tên Che Meng. Cô bạn này bày tỏ nỗi kinh ngạc trước sự "phi thường trong cuộc sống hàng ngày" của Huang.

“Lúc đầu, tôi nghĩ mình sẽ phải giúp cô ấy rất nhiều. Nhưng sau một thời gian quan sát, tôi nhận ra rằng, ngoại trừ việc không nhìn thấy, cô ấy có thể làm được hầu hết mọi thứ”, Che Meng chia sẻ.

Huang cho biết cô rất thích cách sống và cư xử của người bạn cùng phòng. “Phần lớn mọi người thường dè dặt khi tiếp xúc với người khiếm thị, nhưng Meng Meng (biệt danh của Che) thì không. Cô ấy làm mọi việc cùng tôi, ra ngoài chơi với tôi”, Huang nói.

Theo South China Morning Post, trên tài khoản mạng xã hội Douyin có 430.000 người theo dõi, Huang chia sẻ các video ghi lại cảnh mình tự thực hiện nhiều hoạt động như đi ra ngoài, qua đường, mua sắm, trang điểm và thậm chí tự đến bệnh viện để điều trị.

Một số video cũng ghi lại tình bạn giữa cô và Che Meng, chẳng hạn như cả hai cùng chạy trên sân hoặc chơi piano.

Một đoạn clip ghi lại cảnh cả hai cùng đạp xe đã nhận khoảng 150.000 lượt thích.

“Hôm nay, Meng Meng nói rằng cô ấy muốn đưa tôi đi đạp xe để tôi có thể cảm nhận sự tự do như cơn gió. Tôi thực sự rất cảm động”, Huang nói trong video. Tuy nhiên, sau đó, Huang phát hiện Meng Meng, ngồi phía trước, lại quá mải chơi nên hầu như không đạp xe trong suốt chuyến đi.

“Cô ấy không coi tôi là một người khiếm thị; cô ấy chỉ coi tôi là một người bạn”, Huang chia sẻ thêm.

Huang bày tỏ hy vọng các video của cô có thể giúp xóa bỏ những quan niệm sai lầm của công chúng về cuộc sống của người khiếm thị.

“Nhiều người cho rằng người mù chẳng làm được gì ngoài việc ở nhà cả ngày”, cô chia sẻ.

Câu chuyện của Huang đã nhận được phản hồi tích cực từ người dùng mạng xã hội Trung Quốc. “Những video của bạn đã thay đổi cách nhìn của tôi về người khiếm thị. Tôi muốn đề nghị các đồng nghiệp rằng chúng ta nên tuyển dụng thêm nhiều người khuyết tật hơn”, một người dùng trên Douyin bình luận.

Một người khác thêm vào: “Cảm ơn bạn, Huang. Bạn đã truyền cảm hứng cho tôi. Tôi nên làm việc chăm chỉ như bạn vậy”.

TRUNG QUỐC - Sau cú sốc năm 2004 thi đại học nhưng không nhận được giấy trúng tuyển, đến năm 2019, Trần Xuân Tú quyết định thi lại thì phát hiện sự...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Linh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN