Chuyện về chàng trai “vàng” Olympic Vật lí Quốc tế của Việt Nam
Từ lâu, tôi đã được nghe nhiều tới em Vũ Ngô Hoàng Dương, hiện đang là học sinh lớp 12 chuyên Lý của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên. Hoàng Dương là một học sinh khá đặc biệt khi năm 2020 - năm em học lớp 10, em đã đoạt Huy chương Bạc Olympic Vật lí Quốc tế phân tán IdPhO 2020. Năm 2022, dù mới chỉ là học sinh lớp 11, em đã đoạt Huy chương Vàng Olympic Quốc tế Zhautykov môn Vật lí IZhO 2022, Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á APhO 2022 và Huy chương Vàng Olympic Vật lí Quốc tế IPhO 2022, làm rạng danh đất nước…
Việt Nam không đạt huy chương vàng ở Olympic Vật lí Châu Á 2016
Tôi hẹn gặp Hoàng Dương tại khuôn viên nhỏ bé của Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên. Em có khuôn mặt tươi tắn, dễ thương. Em hào hứng kể, ngay sau khi đăng quang Huy chương Vàng Olympic Vật lí Quốc tế IPhO 2022, cả nhà em về quê ở Bắc Ninh chơi và gia đình em ở quê có làm một số mâm cỗ, mời bà con cùng thôn xóm đến liên hoan, mọi người tíu tít đến chúc mừng em và gia đình khiến em rất vui. Hoàng Dương cho biết gia đình em không có ai làm việc liên quan tới chuyên ngành Vật lí, mẹ em làm ở một công ty tư nhân về thiết bị máy móc, còn bố em làm việc liên quan tới lĩnh vực vận tải…
Khi nhắc đến sự đồng hành của bố mẹ trong hành trình học tập của mình, Hoàng Dương xúc động kể, thời em học tiểu học, em và em gái của mình cùng bố mẹ trải qua cuộc sống vô cùng vất vả. 10 năm đó, nhà em nhiều lần chuyển nhà, gia đình em đã từng ở những khu nhà trọ tồi tàn, nơi mà mẹ em hay nói đùa “đó không phải là khu nhà ổ chuột mà là những khu nhà dưới ổ chuột theo đúng nghĩa đen”, vì mỗi khi đêm xuống, chuột lại chạy ầm ầm trên trần nhựa tồi tàn. Những khu nhà mà mỗi khi trời mưa đến, nước từ trên trần nhà dột tứ tung, cả nhà em phải kéo chiếc giường để tránh nước mưa mới có chỗ ngủ. Cuộc sống khó khăn đến mức có lúc Dương sốt hơn 41 độ, bác sĩ yêu cầu nhập viện cấp cứu nhưng nhà em không có đủ tiền đóng viện phí. Nhưng trong điều kiện sống khó khăn đó, Dương được sống trong tình yêu thương vô bờ bến của bố mẹ. Từ nhỏ, em đã là người trưởng thành hơn so với các bạn cùng lứa tuổi, em luôn biết thích nghi với hoàn cảnh để bố mẹ đỡ vất vả.
Từ khi 3 tuổi, sau khi hết giờ ở trường mẫu giáo, em lại phải sang công ty của mẹ cho đến khi tối muộn và sáng thứ 7 nào, em cũng phải theo mẹ đến công ty (vì thứ 7 nhà trẻ, mẫu giáo nghỉ). Trong công ty của mẹ, em thích nhất phòng có thiết bị, em mê mẩn ngắm những thiết bị đo lường từ những hãng nổi tiếng hàng đầu thế giới như Fluke, Agilent, Wika… Mặc dù còn quá bé, chưa có khái niệm gì nhưng Dương đã có những hứng thú đặc biệt với những thiết bị đó. Cậu bé Dương thường hóm hỉnh nhắc nhở các cô chú nếu có sơ ý để cốc nước hay bình nước gần thiết bị, sẽ làm hỏng đến thiết bị.
Em Vũ Ngô Hoàng Dương (hàng ngồi, thứ hai từ phải qua) cùng các thầy và các bạn trong đội tuyển Olympic Vật lí.
Dương luôn hứng thú với hiện tượng tự nhiên. Khác với những đứa trẻ thường sợ hãi mỗi khi trời mưa sấm sét ầm ầm, Dương lại thích thời tiết như vậy vì mỗi khi mưa, Dương lại cảm nhận được sức mạnh của tự nhiên, được ngắm những tia chớp chói lòa, tiếng sấm và sét rền vang. Dương thích thú, tò mò muốn khám phá sức mạnh đó từ đâu đến.
Ngay khi biết đọc, khoảng 3-4 tuổi, Dương đã yêu thích các cuốn sách viết về đề tài khoa học dành cho thiếu nhi. Và từ đó, em liên tục đặt ra câu hỏi với mọi người xung quanh, đặc biệt là với mẹ. Mẹ đã dùng những hình ảnh, ngôn từ gần gũi với trẻ thơ giải thích cho Dương hình dung một cách đơn giản, từ vũ trụ rộng lớn đến thế giới vi mô là cấu tạo nguyên tử. Từ những hiểu biết sơ khai như vậy, Dương có thể hiểu và lý giải những hiện tượng xung quanh như mưa gió, sấm chớp, điện, máy phát điện… và ngày một hứng thú hơn với thế giới tự nhiên.
Tình yêu, sự đam mê Vật lí cứ ngày một lớn dần trong Hoàng Dương!
Chị Ngô Hà, mẹ của Hoàng Dương khi trò chuyện với tôi đã kể rằng, có một ngày Dương thốt lên với mẹ: “Con muốn lớn lên trở thành một nhà khoa học, phát minh ra con tàu vũ trụ đặc biệt, có thể khám phá vũ trụ bao la rộng lớn!”.
Còn TS. Nguyễn Công Toản, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên cho hay, nhắc đến Hoàng Dương, thầy không thể quên được hình ảnh một cậu bé học sinh lớp 5 có khuôn mặt tròn trĩnh, rất đáng yêu say sưa ngắm các dụng cụ thí nghiệm tại Phòng thí nghiệm Vật lý Edison (Phòng thí nghiệm này do các thầy dạy Vật lí tự lập ra để thúc đẩy việc học đi đôi với hành cho các em học sinh - PV). Lúc đó Dương còn quá bé bỏng, nhưng được tự tay làm bài thí nghiệm Vật lí, Dương nhanh chóng tìm thấy sự say mê trong mỗi bài thí nghiệm và ở lại làm cho đến khi phòng thí nghiệm đóng cửa. Sự chăm chú, tò mò, ham hiểu biết của Dương đã gây ấn tượng đối với thầy Mai Túc, Trưởng phòng thí nghiệm Edison.
Hoàng Dương kể, hành trình học môn Vật lí của em thật nhiều thử thách nhưng cũng chứa đựng thật nhiều điều thú vị. Song song với chương trình học trên lớp tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, mỗi tuần em đều đến phòng thí nghiệm Edison 1 buổi để học kiến thức và làm thí nghiệm. Khi nắm được kiến thức cơ bản, em bắt đầu học thêm kiến thức Toán, và bắt đầu học Vật lí bằng tiếng Anh trên trang www.khanacadamy.org và khai thác về Vật lí từ nhiều nguồn tài liệu tiếng Anh.
Một bước ngoặt lớn đã đến với Dương khi sang lớp 8, Dương tham gia thi chọn đội tuyển học sinh giỏi Vật lí lớp 9 của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam và được chọn vào đội tuyển. Dương phải cố gắng hết sức để vượt qua nhiều anh chị vừa giỏi giang vừa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước.
Nhưng càng gặp khó khăn, Dương lại càng nỗ lực phấn đấu. Dương ngừng chơi điện tử, ngừng làm video, chỉ giữ lại giờ nào đó giải trí tối thiểu và tập trung cho việc học và thi học sinh giỏi.
Bền bỉ học mỗi ngày, từ em út của đội tuyển Vật lí, Dương đã không ngừng tiến bộ sau mỗi bài kiểm tra định kỳ chọn đội tuyển, xuất sắc mang về giải Nhất học sinh giỏi TP Hà Nội và trở thành học sinh đầu tiên đoạt giải nhất thành phố môn Vật lí khi còn đang học lớp 8. Cũng vì sự bền bỉ, kiên trì tích lũy kiến thức một cách khoa học, có mục tiêu rõ ràng, nên Hoàng Dương luôn có những cú bứt phá ngoạn mục, khi em liên tục tham gia các cuộc thi đấu cùng các anh chị khóa trên. Đến kì 2 lớp 8, Dương sang học “ké” các buổi dự tuyển cùng các anh chị lớp 10 của Trường THPT chuyên Khoa học Tự Nhiên. Lên lớp 9, lịch học của các buổi này lại trùng với lịch học chính khóa của Dương, nên với sự giúp đỡ của các thầy cô trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Dương được tham gia lớp chuyên đề tuần 2 buổi chiều cùng các anh chị lớp 10 tại trường. Với thành tích xuất sắc đã đạt được trong những năm học cấp 2, Dương đã được tuyển thẳng vào Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và nhanh chóng đạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và lọt vào đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, kỳ thi Olympic Vật lí Quốc tế đã không diễn ra được như dự định, nhưng sau đó được sự ủy quyền của Ủy ban Olympic Vật lí Quốc tế, Nga đã tổ chức một kỳ thi Olympic Vật lí Quốc tế online để thay thế cho kỳ thi đó. Thời gian lựa chọn đội tuyển gấp gáp, đội tuyển Việt Nam chỉ có 3 ngày chuẩn bị cho 1 kỳ thi lớn. Hoàng Dương được chọn tham gia và em đã giành được Huy chương Bạc, trở thành người trẻ tuổi nhất Việt Nam đạt được huy chương Olympic Quốc tế môn Vật lí khi mới 15 tuổi…
Năm 2022, khi mới học lớp 11, Dương lại đi thi với các anh chị học lớp 12 và giành giải Nhất kỳ thi học sinh quốc gia môn Vật lí. Em được chọn vào đội tuyển đi Olympic Vật lí Quốc tế, và em đã đoạt được Huy chương Vàng Olympic Vật lí Quốc tế 2022 một cách ngoạn mục…
Không có một vinh quang nào tự đến, nếu như chúng ta không có khát vọng và ý chí bền bỉ, không xây dựng tính kỷ luật cho bản thân để đạt được các mục tiêu mà ta đã đặt ra. Vũ Ngô Hoàng Dương đã làm được điều đó. Em đang ấp ủ những hoài bão lớn hơn khi mong muốn trở thành một nhà khoa học có nhiều đóng góp cho đất nước. Và tôi tin, hoài bão được Hoàng Dương dệt bằng một tình yêu mãnh liệt và trong trẻo nhất dành cho khoa học, sẽ sớm trở thành hiện thực…
Nguồn: [Link nguồn]
Sau gần 50 năm tham gia Olympic Toán học quốc tế (IMO), Việt Nam đã có 10 người đạt được số điểm tuyệt đối tại đấu trường quốc tế này.