Chuyện nam sinh mặc áo dài: Những bất cập đối với nam sinh cũng là nỗi khổ của con gái
Tranh cãi xoay quanh việc "nam sinh cũng nên mặc áo dài", liệu những lý do để nam sinh không cần mặc áo dài cũng đúng với các nữ sinh?
Trong chương trình truyền cảm hứng về áo dài tại trường THPT Marie Curie (TP.HCM) sáng ngày 2/11, nghệ sĩ Kim Xuân đã đưa ra lời bày tỏ: “Tôi mong rằng đề nghị nam sinh mặc áo dài chào cờ sáng thứ Hai sẽ được thực hiện vào năm sau.”
Nghệ sĩ Kim Xuân tại chương trình truyền cảm hứng về áo dài
Đáp lại đề xuất của nghệ sĩ Kim Xuân, thông qua một bài báo, một số thầy giáo đã đưa ra ý kiến phản đối.
Tại sao quan điểm của các thầy giáo bị phản ứng kịch liệt?
Ba luận điểm được các thầy giáo nêu ra để phản đối ý tưởng của nghệ sĩ Kim Xuân bao gồm:
- Thứ nhất, nếu thêm nam sinh mặc áo dài là tốn kém cho phụ huynh.
- Thứ hai, áo dài để tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ với các đường nét quyến rũ chứ nam sinh thì không.
- Thứ ba, từ trước tới nay, nam giới chỉ mặc áo dài ở những nơi tôn nghiêm như đình, chùa, miếu mạo và vào các dịp cúng lễ. Mà khi đó cũng chỉ những cụ ông mới mặc áo dài. Hoặc nếu có mặc ở những chỗ khác thì cũng chỉ người mẫu, diễn viên, người trong giới showbiz mặc trong các sự kiện hoặc những hoạt động cần tôn vinh áo dài mà thôi.
Đa số các ý kiến xoáy vào "tiêu chuẩn kép" giữa nam và nữ trong việc mặc áo dài
Ý kiến này đã vấp phải rất nhiều sự phản đối của cư dân mạng. Phần lớn mọi người cho rằng nếu áo dài là tốn kém cho phụ huynh, vậy câu hỏi đặt ra là vậy phụ huynh các bạn nữ thì phải chấp nhận chịu tốn kém sao?
Về quan điểm con gái mặc áo dài để khoe đường nét quyến rũ còn nam sinh thì vướng víu khó vận động. Vậy nữ sinh phải mặc áo dài để "khoe những đường nét quyến rũ" bất chấp việc nó gây khó khăn khi vận động, học tập trong suốt cả ngày dài hay sao?
Thực tế trong thời kỳ phong kiến, khi nam nữ chưa bình quyền và chỉ có nam giới được đi học, thi cử để ra tuyển chọn người tài ra làm quan thì hình ảnh các trạng nguyên vinh quy trong tà áo dài đã trở nên quen thuộc.
Cư dân mạng không đồng tình với các lý lẽ mà các thầy giáo đưa ra
Các thầy có đang đặt ra "tiêu chuẩn kép"?
Không thể phủ nhận rằng, quan điểm của các thầy đưa ra là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, nó không chỉ hợp lý với các bạn nam mà còn hợp lý khi áp dụng lên các bạn nữ. Vì vậy viện dẫn những lý do này để cho rằng nam sinh không cần mặc áo dài còn nữ sinh thì có, các thầy đã vô tình đưa ra "tiêu chuẩn kép" cho hai giới.
Một bình luận nhận được nhiều sự đồng tình của cư dân mạng
May một chiếc áo dài sẽ làm tốn kém thêm cho phụ huynh. Các bạn nữ khi bước vào năm cuối cấp Hai là đi may áo dài. Ở rất nhiều trường THPT trên toàn quốc hiện này, nữ sinh không chỉ phải mặc áo dài vào dịp lễ như lễ khai giảng, lễ trưởng thành, lễ bế giảng... hay thứ Hai đầu tuần mà còn phải mặc đi học cách ngày, xen kẽ với đồng phục. Áo dài trở thành bộ đồng phục thứ hai của nữ sinh và các gia đình nữ sinh phải chấp nhận việc này từ nhiều năm nay.
Tranh minh họa nam sinh hiện đại mặc áo dài - Nguồn: Nguyễn C. Hiếu
Khó khăn trong vận động cũng không chỉ là vấn đề của riêng hội con trai. Học sinh nào cũng có nhu cầu vận động. Con gái chạy nhảy, chơi bóng rổ, đá cầu là chuyện bình thường. Việc chỉ vì mặc áo dài mà các bạn nữ phải hạn chế những hoạt động này là hoàn toàn vô lý. Vì vậy, nếu nói con trai năng động nên không thể mặc áo dài, thì điều này cũng hoàn toàn đúng với con gái. Bạn Thanh Ngân (Quận 1, TP.HCM) chia sẻ: "Tụi mình vẫn thường phải cột tà áo dài lên để chơi đá cầu."
Con trai mặc áo dài rồi thay ra là quá lỉnh kỉnh không cần thiết? Vậy bao lâu nay con gái phải chăng có phép màu thay áo dài nhanh gọn một phút ba mươi giây? Phải chứng kiến được cảnh con gái xếp hàng cả giờ ra chơi hoặc giờ nghỉ trưa chỉ để thay áo dài mới biết được con gái phải chật vật thế nào với tà áo dài trắng.
Làm sao để áo dài thân thiện với học đường?
Mặc dù biết rằng chiếc áo dài là một giá trị văn hóa của dân tộc cần được gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thể phủ nhận những bất cập mà tà áo dài bao lâu nay mang lại cho nữ sinh. Có cách nào để tà áo dài - biểu tượng văn hóa Việt Nam thân thiện hơn với học đường thay vì là sự cản trở của cả hai giới trong môi trường học đường? Trong cuộc tranh luận này, đã có nhiều ý tưởng từ chính các bạn học sinh về việc thiết kế lại bộ áo dài phù hợp với việc đi học.
Ví dụ, thay vì quy định áo dài học sinh phải màu trắng, tại sao không cho các bạn tùy chọn màu sắc hoặc chọn một màu sẫm như áo dài tím đặc trưng của Huế để đỡ bị lấm bẩn. Áo dài đi học có thể may dáng suông, rộng, cổ áo may tròn để không ôm thít lấy cơ thể gây khó khăn trong vận động. Độ dài tà áo và quần được may ngắn lại để thuận tiện cho vận động. Và nên chăng chúng ta chỉ cần chọn vài dịp lễ trang trọng trong năm là đủ để các bạn học sinh có thể mặc áo dài với sự tự hào hay vì nỗi lo lắng, muộn phiền.
Có cách nào để tà áo dài - biểu tượng văn hóa Việt Nam thân thiện hơn với học đường? Ảnh minh họa từ Internet
Trên cả, việc mặc áo dài đi học hay không hoặc mặc áo dài thế nào cho phù hợp với học sinh cần các thầy cô cân nhắc từ vị trí của cả hai giới: Nam và nữ. Bất cứ quy định nào được đề ra cùng cần vì con người và đảm bảo sự công bằng, bình đẳng với tất cả. Với những lý do chính đáng trên cơ sở đó thì việc mặc áo dài hay không mặc áo dài; ai mặc áo dài... sẽ không còn là vấn đề tranh cãi.
Trên thế giới có vô số loại đồng phục học sinh vừa đẹp vừa độc đáo. Dưới đây là những bộ đồng phục ấn tượng...
Nguồn: [Link nguồn]