Chuyên gia ủng hộ phương án biên soạn nhiều bộ SGK

Nhiều chuyên gia giáo dục ủng hộ phương án biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa phổ thông của Bộ GD-ĐT. Họ cho rằng nếu huy động được lực lượng xã hội tham gia biên soạn để có nhiều bộ sách phổ thông sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng sách, có lợi cho người học và người dạy.

Sáng 28/8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tại đây, nhiều chuyên gia giáo dục đã chia sẻ ý kiến đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” của Bộ GD-ĐT.

PGS.TS Trần Diên Hiển, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội cho biết, cách tổ chức biên soạn sách giáo khoa như hiện nay còn nhiều hạn chế. Số tác giả tham gia vào biên soạn sách giáo khoa ít, vì vậy bỏ phí một số lượng đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo có trình độ tham gia biên soạn sách giáo khoa nhưng không có cơ hội.

Bộ GD-ĐT ban hành một bộ sách giáo khoa dùng chung cho tất cả các đối tượng học sinh, các vùng miền trên cả nước đã dẫn đến bất cập. Cùng một cuốn sách đó, nhiều nơi cho là vừa sức, có nơi cho là quá tải, nơi lại cho còn thấp. Đặc biệt, hạn chế khả năng sáng tạo, chủ động của giáo viên, vì vậy gặp khó khăn khi triển khai đổi mới giáo dục phổ thông. Gây tốn kém một khoản tiền không nhỏ cho các dự án biên soạn sách giáo khoa phổ thông trong khi hiệu quả mang lại chưa như mong đợi.

Chuyên gia ủng hộ phương án biên soạn nhiều bộ SGK - 1

Hội nghị tham vấn chuyên gia về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông tổ chức sáng 28/8

PGS.TS Hiển cho biết thêm, để giải quyết vấn đề này, Bộ GD-ĐT nên chỉ đạo xây dựng một chương trình chuẩn, chi tiết cho từng môn học ở mỗi cấp học, đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm, liên thông, kết hợp giữa các môn học trong một cấp học và giữa các cấp học đối với một môn học. Đồng thời, kèm theo chương trình chuẩn đầu ra cho mỗi môn học, đối với từng lớp, từng cấp học và bậc phổ thông.

Thành lập hội đồng thẩm định sách giáo khoa từng môn học ở mỗi cấp học gồm những nhà khoa học có công tâm, có trình độ hiểu biết về môn học và có hiểu biết về nghiệp vụ sư phạm, công tác giảng dạy học ở phổ thông. Sau khi có chương trình và chuẩn đầu ra cho mỗi môn học. Bộ GD-ĐT kêu gọi, vận động các nhà khoa học, giáo viên, nhiệt huyết tham gia biên soạn sách giáo khoa cho mỗi cấp học. Công khai danh sách hội đồng thẩm định của mỗi cuốn sách giáo khoa để gắn trách nhiệm của hội đồng thẩm định với tập thể tác giả về chất lượng của cuốn sách.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên Quốc hội đồng tình với quan điểm khuyến khích biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa phổ thông. Ông cho hay, việc huy động được lực lượng xã hội tham gia biên soạn để có nhiều bộ sách phổ thông sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng sách, có lợi cho người học và người dạy.

Chuyên gia ủng hộ phương án biên soạn nhiều bộ SGK - 2

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên Quốc hội

Tuy nhiên, TS Thuyết cho rằng để thực hiện được việc này sẽ có những hạn chế, sai sót, nhất là trong sách giáo khoa đối với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Ở Hàn Quốc, tư nhân không được biên soạn sách giáo khoa tiểu học và sách giáo khoa các môn học này.

Cơ chế lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa, nhất là trong tình hình quyết định của những người có thẩm quyền dễ bị chi phối vì lợi ích nhóm. Như vậy, Bộ GD-ĐT cần phải có giải pháp để lựa chọn được những bộ sách tốt nhất và tương đối ổn định để phù hợp với điều kiện tài chính có hạn của gia đình Việt Nam.

GS.TS Hoàng Văn Vân, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, chủ trương một chương trình có nhiều sách giáo khoa nêu “Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông” phù hợp. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện từ lâu. Ở Việt Nam, mặc dù chủ trương này đã được nêu ra từ trước đó nhưng đây mới là lần đầu tiên dự định đưa vào thực hiện trong đề án. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần thông tin rộng trên phương tiện thông tin đại chúng để cá nhân, tổ chức biết tham gia.

“Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng cần phải có cơ chế và làm rõ các câu hỏi người muốn tham gia viết sách quan tâm như: Các nhà xuất bản nước ngoài có được phép biên soạn sách giáo khoa cho Việt Nam hay không. Cá nhân, người Việt Nam có được hợp tác với tổ chức, hay tổ chức người nước ngoài đầu tư vào viết sách Việt Nam. Một tổ chức hay cá nhân có thể viết nhiều bộ sách cho một môn học hay không…”, GS Vân chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN