Chuyên gia trí tuệ nhân tạo khuyên học sinh đừng biến mình thành robot
Bài giảng công chúng về Hệ thống tên lửa đẩy tiên tiến và trí tuệ nhân tạo (AI) thu hút sự quan tâm, thích thú của các học sinh, sinh viên.
Ngày 16-10, tại bài giảng công chúng của Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), hàng trăm học sinh các trường THPT lân cận và sinh viên của trường đã bày tỏ sự thích thú, tò mò và đặt nhiều câu hỏi về chủ đề Hệ thống tên lửa đẩy tiên tiến và trí tuệ nhân tạo (AI).
Bài nói chuyện do hai diễn giả nổi tiếng trình bày. Đó là Giáo sư Bruce Vũ, nguyên kỹ sư hàng không vũ trụ tại Trung tâm không gian Marshall (NASA's Marshall Space Flight Center), tiểu bang Alabama từ năm 1989 đến 2000. Người thứ hai là Thạc sĩ Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) - Ủy viên Ban Chấp hành Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA).
Thạc sĩ Đào Trung Thành đang chia sẻ nội dung về trí tuệ nhân tạo
Bằng những nghiên cứu, trải nghiệm, kinh nghiệm làm việc thực tế trong lĩnh vực công nghệ, 2 chuyên gia đã cung cấp cho các học sinh, sinh viên những kiến thức về sự tiến bộ của công nghệ tên lửa hiện tại; công nghệ mới đang được nghiên cứu cũng như các triển vọng khám phá không gian trong tương lai; trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng, tác động tích cực, tiêu cực của AI đối với mọi mặt đời sống xã hội; ứng dụng của Al trong các hệ thống tên lửa đẩy...
Ngay khi kết thúc bài nói chuyện, rất nhiều học sinh, sinh viên đã mạnh dạn đặt câu hỏi cho các chuyên gia. Trong đó có những câu hỏi rất thực tế về cơ hội nghề nghiệp, những công việc sẽ bị AI thay thế, triển vọng phát triển tên lửa ở Việt Nam...
Học sinh đặt câu hỏi với hai chuyên gia. Ảnh: P.ANH
Các chuyên gia bày tỏ vui mừng khi các em có nhiều kiến thức và quan tâm đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và hệ thống tên lửa. Chuyên gia hi vọng những kiến thức từ các bài giảng sẽ phần nào góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tính sáng tạo, giúp các bạn phát triển nghề nghiệp phù hợp với bối cảnh của thế giới.
Đồng thời, để “trấn an” các bạn trẻ trước sự bùng nổ của AI, Thạc sĩ Đào Trung Thành cho rằng trong tương lai gần, sẽ có khoảng 40% nghề nghiệp bị thay thế bởi AI. Cụ thể như sản xuất dây chuyền ở các doanh nghiệp, nhập liệu...
Tuy nhiên, có những nghề mất đi thì AI cũng sẽ tạo ra nhiều nghề nghiệp mới. Có nhiều ngành nghề trong tương lai có thể xuất hiện, ví dụ giải sầu cho robot… Những kỹ sư AI luôn được các doanh nghiệp lớn về công nghệ săn đón và có mức lương thuộc tốp cao nhất. Ở một số nước lớn, thu nhập của kỹ sư AI có thể lên đến 200.000 USD/năm đến 10 triệu USD/năm, ở Việt Nam cũng có thể lên tới 10 tỉ đồng/năm.
Do đó, Thạc sĩ Thành khuyên các bạn trẻ phải biết nắm bắt được các kỹ năng, nhất là những kỹ năng AI chưa làm được như làm việc nhóm, giao tiếp…
“Các bạn phải cố gắng học thật tốt để trước hết phải trở thành con người, chứ không phải biến mình thành robot... Các bạn nên nhớ, AI không thế thay thế bạn nhưng người sử dụng AI sẽ thay thế bạn. Không ai biết trước được điều gì, quan trọng là đừng bao giờ sợ hãi, phải luôn cởi mở, không ngừng học tập và phải biết thích nghi với mọi thay đổi” – Thạc sĩ Thành nhắn nhủ.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong học tập đang giúp sinh viên tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu phong phú, từ đó mở rộng kiến thức và phát triển khả năng tư duy phản biện. Tuy nhiên, nếu quá phụ thuộc vào công nghệ này, AI có thể mang lại những tác động tiêu cực và tiềm ẩn nhiều rủi ro.