Chuyên gia tiết lộ 2 cách đơn giản nhất để phát triển trí não của trẻ
2 cách này do một tiến sĩ khoa học máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ), đồng thời là một người bố có 2 con chia sẻ kinh nghiệm.
Gia Cát Nguyệt là tiến sĩ khoa học máy tính tại Stanford. Con trai lớn của ông hiện đang học tại Đại học Cambridge, Mỹ. Trong một bài viết chia sẻ về cách dạy con, ông nhấn mạnh có 2 yếu tố đơn giản để phát triển trí não của một đứa trẻ mà các bậc cha mẹ nên biết.
Tập luyện thể thao
- Thể thao giúp trẻ biết học cách vượt lên chính mình
Gia Cát Nguyệt cho rằng, không phải đứa trẻ nào cũng có thiên phú về thể thao nhưng chúng nên chơi ít nhất một môn thể thao, cách tốt nhất là tham gia vào đội tuyển của trường.
Thể thao ngoài việc có tác dụng rèn luyện sức khỏe, nó còn có 2 vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ:
Một là khi đến tuổi dậy thì, trẻ có chỗ để sử dụng hết năng lượng dư thừa của mình.
Hai là trẻ em ngày nay có điệu kiện sống tốt, không có nhiều cơ hội chịu đựng gian khổ. Trong khi đó, để trở nên xuất sắc trong thể thao cần nhiều năm khổ luyện liên tục, rèn luyện thể thao là một cách để thử thách bản thân và đạt được mục tiêu lâu dài.
Gần 10 năm sau, đứa con thứ 2 của Gia Cát Nguyệt là Qiqi vẫn tích cực tập luyện, thi đấu bóng đá hằng tuần. Mỗi lần đến công viên cậu đều mang theo quả bóng và thuộc lòng tên từng cầu thủ trong các đội bóng nổi tiếng thế giới.
Tuy nhiên, Qiqi có tính cách hiền lành, không ganh đua. Khi chơi bóng đá hay thi đấu, nếu nhúng nhường, yếu ớt sẽ thua ngay. Vì thế, Qiqi cần học cách trở nên “hung hãn” hơn, đồng thời cũng phải học hỏi để đối phó với những đứa trẻ có tính “hung hãn”. Ngoài ra, tinh thần đồng đội trong đá bóng rất có lợi cho việc rèn luyện tính cách của một đứa trẻ.
Khi trẻ còn nhỏ, chúng không thể nhận ra tài năng của mình ở đâu nên cần phải thử nhiều thứ. Khả năng thể chất của mỗi đứa trẻ là khác nhau. Nếu cha mẹ ép buộc con cái học một môn thể thao nào đó theo sở thích của mình, trẻ sẽ không có động lực cố gắng. Khi được chơi môn thể thao mình thích, trẻ sẽ trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn.
Bên cạnh đó, đứa con đầu của Gia Cát Nguyệt là Kai Kai là một đứa trẻ khỏe mạnh, hoạt bát, thích chơi đùa và nghịch ngợm. Một lần, trường đưa học sinh đến khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc) để trượt cát trên một đồi cát.
Nhiều học sinh sau khi leo 1,2 lần đã tỏ ra mệt mỏi nhưng Kai Kai có thể leo suốt cả buổi mà không thấy mệt.
Trên thực tế, Kai Kai được bố cho chơi rất nhiều môn thể thao khi còn nhỏ như bóng đá, bóng rổ … nhưng không giỏi. Cuối cùng, cậu tìm thấy một môn thể thao phù hợp với tính cách của mình, đó là bơi lội. Trong những năm cuối cấp bận rộn ôn thi, cậu cho biết bơi lội là cách tốt nhất để giúp mình giảm căng thẳng và khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc hơn.
- Thể thao có thể tăng cường khả năng nhận thức của trẻ
Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy hoạt động thể chất hoặc hoạt động thể chất giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của một người, bao gồm cả hiệu suất nhận thức.
John J. Lighty, giáo sư tại Trường Y Harvard nhận thấy rằng: “Bản thân việc tập thể dục không giúp bạn thông minh hơn nhưng giúp não bộ hoạt động tốt hơn khi học tập. Những người tập thể dục thường xuyên có xu hướng học giỏi hơn”.
Các thí nghiệm đã chỉ ra rằng, sau 20 phút tập thể dục, vỏ não sẽ hoạt động tích cực hơn đáng kể so với trước khi tập thể dục. Bởi vì tập thể dục có thể kích thích tiết ra các hormone liên quan và khiến não dễ thích nghi hơn với các hoạt động tư duy nhanh. Do đó, hoạt động thể chất không chỉ rèn luyện cơ thể mà còn có thể cải thiện trí thông minh.
Gia Cát Nguyệt cho biết, ông thường dành cuối tuần để đưa cả nhà về quê hoặc tìm một địa điểm để con cái có thể vui đùa. Nếu không thể đi ra ngoài, cả nhà cũng sẽ có những hoạt động tại nhà. Mục đích của tất cả các hoạt động này là để làm cho trẻ vui vẻ và không nghĩ tới việc dành cả ngày để chơi trò chơi điện tử.
Cho trẻ ngủ sớm
Mặc dù mối liên hệ giữa giấc ngủ và sức khỏe đã được nhiều người biết đến nhưng giấc ngủ lại hiếm khi được đề cập trong giáo dục.
Russell Foster, giáo sư về giấc ngủ và thần kinh sinh học tại Đại học Oxford đã chỉ ra rằng, giấc ngủ không chỉ là nghỉ ngơi.
Theo nghiên cứu khoa học não bộ mới nhất, các tế bào não sẽ sắp xếp lại và tổ chức trong khi ngủ, bỏ qua những thông tin không cần thiết và chỉ giữ lại những điều quan trọng, từ đó tăng khả năng sáng tạo của con người.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ không có thói quen đi ngủ sớm trong thời thơ ấu thường học kém hơn ở trường so với những đứa trẻ có thói quen ngủ sớm.
Trong một thí nghiệm liên quan tới các thói quen của trẻ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra những đứa trẻ không hình thành thói quen đi ngủ đúng giờ có chỉ số IQ thấp.
Các nhà nghiên cứu khác phát hiện ra những đứa trẻ 11 tuổi thiếu ngủ đạt điểm không khác biệt đáng kể so với những đứa trẻ 9 tuổi trong các bài kiểm tra logic.
Các chuyên gia tin rằng, lý do giấc ngủ rất quan trọng đối với trẻ em là nó cho phép não hoàn toàn thư giãn, xem xét lại kiến thức và kỹ năng đã học trong ngày.
Lịch trình giấc ngủ được khuyến nghị cho trẻ em như sau:
- Trẻ sơ sinh (0-3 tháng): 14-17 tiếng
- Trẻ nhỏ (4-11 tháng): 12-15 tiếng
- Trẻ mới biết đi (1-2 tuổi): 11-14 tiếng
- Trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi): 10-13 tiếng
- Học sinh tiểu học (6-13 tuổi): 9-11 tiếng
- Thanh thiếu niên (14-17 tuổi): 8-10 tiếng
- Thanh niên (18-25 tuổi): 7-9 tiếng
Thói quen tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích suốt đời cho một người. Ngay từ nhỏ, trẻ nên được cha mẹ rèn luyện những thói quen tốt như ngủ đúng giờ, chú ý vệ sinh…
Để con cái có thể tự giác học tập không đợi cha mẹ nhắc nhở, nó đòi hỏi cha mẹ phải có phương pháp giáo dục khoa học.
Nguồn: [Link nguồn]