Chuyên gia Pháp "chấm điểm" Toán học VN

Bên lề hội thảo quốc tế Pháp – Việt về Didactic Toán học - PGS.TS Hamid Chaachoua, Viện Nghiên cứu LIG, ĐH Grenoble 1 – Pháp đã có trao đổi về Toán học cũng như những đề xuất của ông cho sự phát triển Toán học ở Việt Nam.

Học sinh phải cố gắng nhiều

Thưa ông, là người nghiên cứu khá kĩ về nền giáo dục Việt Nam cũng như từng hướng dẫn cho nhiều nghiên cứu sinh của Việt Nam ở Pháp, ông đánh giá như thế nào về ngành khoa học Toán học của Việt Nam?

Tôi biết đến nền Toán học Việt Nam thông qua những luận án tiến sĩ do tôi trực tiếp hướng dẫn ở Pháp. Đặc biệt có những luận án nghiên cứu, so sánh rất kĩ những vấn đề khác nhau rất quan trọng của việc dạy Toán ở Pháp và Việt Nam. Nhưng cần lưu ý rằng, mục tiêu của luận án này không phải để so sánh rằng hệ thống giáo dục nước nào tốt hơn mà nghiên cứu sự khác nhau giữa hai hệ thống giáo dục để thấy rõ sự vận hành của từng hệ thống.

Trên quan điểm của một nhà Toán học, tôi thấy giáo dục Toán học ở Việt Nam là một nền giáo dục rất xuất sắc nếu xét về nội dung Toán học được dạy ở các trường phổ thông.

Tuy nhiên, tôi đặt ra những câu hỏi rằng, cái trục chính của việc giảng dạy Toán học này là gì và học sinh có gặp khó khăn trong việc hiểu những khái niệm toán học hay không? Từ nội dung giảng dạy Toán học ở phổ thông đến nội dung giảng dạy toán ở ĐH cũng như cách thức đặt ra việc giảng dạy những nội dung đó như thế nào?

Tôi thấy một học sinh THPT ở Việt Nam muốn thành công về môn Toán đòi hỏi phải cố gắng rất nhiều, thậm chí nhiều hơn những học sinh học THPT ở Pháp. Nhưng một vấn đề nữa được đặt ra, những học sinh cực về giỏi toán ở phổ thông sau này sẽ trở thành những người như thế nào trong việc trừu tượng hóa Toán học và nghiên cứu Toán học?

Như vậy, vấn đề không phải là những em ấy sẽ làm cái gì? Ở nước nào? Làm ở đâu? Mà Việt Nam cần phải quan tâm là giảng dạy những vấn đề trừu tượng đó để làm gì và ưu tiên cái đó để phục vụ mục đích gì?

Chuyên gia Pháp "chấm điểm" Toán học VN - 1

PGS.TS Hamid Chaachoua, Viện Nghiên cứu LIG, ĐH Grenoble 1 – Pháp

Nếu xét ở lĩnh vực Toán học, có thể nói đây là một ngành khoa học mà Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, ông có hiến kế gì cho sự phát triển ngành Toán học ở Việt Nam phát triển hơn?

Nếu nhìn nhận ở quan điểm giáo dục là đào tạo ra những công dân tương lai thì có rất ít học sinh THPT đi vào ngành Toán. Vì vậy các bạn đừng bao giờ nghĩ rằng, dạy học môn Toán ở phổ thông là để đào tạo ra những nhà toán học tương lai cho đất nước. Đó không phải là mục đích chủ yếu để đào tạo Toán học.

Vì vậy, việc trước tiên chúng ta phải nghĩ tới việc dạy Toán ở THPT là đào tạo ra những công dân tương lai, sau đó là đào tạo những con người có khả năng lập luận trong mọi tình huống, hoàn cảnh, có thể hoàn thành nhiệm vụ trong xã hội. Nhưng điều đó không có nghĩa là giữ quan điểm thực dụng: dạy Toán học với những cái gì có lợi mà phải giữ một sự thăng bằng giữa cái trừu tượng và tính thực dụng của toán học.

Cần phải xem môn Toán ở phổ thông như một môn học đặc thù về cách tư duy, cách đặt câu hỏi, phản biện và đặc biệt là giữ lại cách lập luận khoa học đó để phục vụ cho các môn học khác như Vật lý, Hóa học… như là một công cụ.

Đất nước Việt Nam có nhiều nhà khoa học nổi tiếng, có những nhà khoa học đang làm việc và cống hiến cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có nước Pháp. Vì vậy một câu trả lời chung và có giá trị phổ quát cho tất cả mọi nước là phải có những điều kiện về nghiên cứu tốt, cần có điều kiện vật chất, tài chính… phục vụ cho nghiên cứu khoa học.

Phải quan tâm đào tạo giáo viên

Trong bài nghiên cứu của mình, ông có đề cập đến vấn đề dạy học tích hợp công nghệ thông tin trong Toán học. Ở Việt Nam, đó là nội dung được Bộ GD-ĐT dự kiến đưa vào chương trình SGK phổ thông từ năm 2015. Có nhiều nhà nghiên cứu giáo dục ở Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam có thể vận dụng chương trình dạy học tích hợp và phân hóa trong nền giáo dục của Pháp. Trên quan điểm cá nhân ông có suy nghĩ như thế nào?

Tôi nghĩ rằng không phải những cái gì thực hiện được ở nước này, cũng sẽ chuyển sang và thực hiện được một cách máy móc ở nước khác. Việt Nam cần xây dựng chương trình, nội dung của mình dựa trên nền tảng mà Việt Nam đã có và dựa trên những điều kiện thực tế về cơ sở vật chất ở đất nước các bạn.

Nhưng bù lại Việt Nam có thể tiến hành thí điểm hoặc thực nghiệm để xác định rõ ràng những ràng buộc mà Việt Nam đang đặt ra cho vấn đề tích hợp trong giáo dục, cũng như tích hợp công nghệ thông tin trong toán học nói riêng. Xuất phát từ việc phân tích những ràng buộc này các bạn có thể suy nghĩ lại một lần nữa về những đặc thù mà những chuyên gia đã đề nghị để rút ra những cái phù hợp nhất.

Một điểm quan trọng nhất mà tôi muốn đề nghị là các bạn phải thực sự quan tâm đến việc đào tạo giáo viên. Và điểm thứ hai là nghiên cứu lại nội dung chương trình giảng dạy có phù hợp hay không.

Thưa ông, như vậy trong vấn đề dạy học tích hợp hay phân hóa, vai trò của người giáo viên là quan trọng nhất?

Đúng vậy, vai trò của giáo viên rất quan trọng trong vấn đề dạy học tích hợp hay dạy học phân hóa. Trước đây người ta nghĩ rằng giáo viên chỉ dẫn học sinh đến phòng máy rồi ra ngoài, bỏ lại học sinh tự xoay xở với những chiếc máy. Nhưng người giáo viên phải giữ đúng vai trò của mình ở chỗ họ là những người kết nối giữa học sinh với tri thức mà người thầy muốn truyền thụ.

Máy tính là một công cụ phức tạp vì vậy giáo viên phải biết lựa chọn những cái gì mà ông ta nên để lại trong máy, còn cái nào mà ông ta sẽ rút đi. Có nghĩa người giáo viên phải làm những công cụ của máy tính trở thành hữu hình khi trước đó nó là vô hình.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Huyền (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN