Chuyên gia khẳng định bố mẹ thường xuyên thúc giục, trẻ càng kém thông minh

Sự kiện: Dạy con

Bố mẹ cứ cho rằng, việc mình nhắc nhở, thúc giục con cái là tốt cho chúng nhưng không ngờ hành động này lại cản trở sự phát triển IQ và mang tới nhiều hệ lụy.

Bố mẹ ngồi vào bàn ăn từ lâu, gọi bao nhiêu lần Tiểu Trần mới từ từ trên phòng xuống bếp. Đến khi ngồi vào bàn, mọi người ăn xong, cậu bé vẫn còn ngồi mơ màng nghịch thức ăn, sau đó chạy đi vệ sinh, chạy đi lấy nước…, sau 1 tiếng đồng hồ bát cơm vẫn còn nguyên.

Đến giờ học bài, người mẹ thúc giục Tiểu Trần học nhanh rồi đi ngủ. Cậu bé vẫn ngồi lấy bút chì vẽ vời, nghịch ngợm đủ kiểu. Dù giục giã như thế nào cậu bé lúc nào trong tư thế chậm chạp, lười biếng. Sau nhiều lần hò hét đến mức tức giận, huyết áp người mẹ tăng cao, đau đầu, tức ngực, bất lực hoàn toàn trước tác phong lề mề của con mình.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Không khó để nhận thấy, có nhiều đứa trẻ giống như Tiểu Trần. Gia đình lúc nào cũng ồn ào, hỗn loạn tiếng la mắng, nhắc nhở, thúc giục mỗi ngày. Đứa trẻ làm gì cũng chậm chạp càng khiến cho bố mẹ tức giận đến run người.

Thế nhưng, chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ tâm lý người Nhật Hiroko Mizushima đã chỉ ra rằng, người lớn và trẻ em có nhịp sống sinh học khác nhau. Việc bố mẹ thường xuyên thúc giục con cái sẽ gây ra nhiều tác động xấu đến trẻ.

Bố mẹ thúc giục sẽ “đánh cắp” trí thông minh của trẻ

Có một câu chuyện của một bác sĩ tâm lý chia sẻ trên mạng khiến nhiều người suy ngẫm. Vào một ngày nọ, có một người mẹ đưa cậu con trai 10 tuổi đến gặp bác sĩ và nói những lời đặc biệt lo lắng. Người mẹ này nói rằng, con trai mình không tập trung trong lớp học, thường xuyên bị giáo viên nhắc nhở. Hơn nữa, bài tập về nhà lúc nào cũng cẩu thả, 9/10 lỗi sai đều do bất cẩn.

Cậu bé này bị mẹ nhận xét là không thích suy nghĩ, không biết cách giải quyết vấn đề. Sau một số cuộc trò chuyện và các bài kiểm tra, bác sĩ nhận thấy những vấn đề của đứa trẻ phần lớn do người mẹ gây ra.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cậu bé này mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế mức độ nhẹ, rất thích kiểm tra các phép tính, thường kiểm tra nhiều lần mới chuyển sang câu khác. Thế nhưng, khi thấy con trai làm toán quá lâu, người mẹ lại không ngừng thúc giục. “Nhanh lên! Con làm gì mà lâu thế hả? Nhanh qua câu hỏi tiếp theo đi”.

Dưới sự thúc giục của người mẹ, tốc độ làm bài của cậu bé tăng lên nhưng điểm số lại ngược lại. Mặc dù trước đó, tỷ lệ làm bài đúng của cậu bé tuy chậm nhưng cao tới 90%.

Vấn đề lúc này chính là cậu bé thường nghe văng vẳng bên tai mình tiếng thúc giục của người mẹ. Điều này ngăn cản cậu bé tập trung làm bài và suy nghĩ kỹ càng hơn.

Qua đó, bác sĩ nhận xét rằng, sự thúc giục của người mẹ không những không giúp ích được cho con mình mà còn dần phá hủy khả năng tập trung của não bộ.

Nhà khoa học về não bộ ở Trung Quốc Lin Chengzhi từng khẳng định: “Nhanh lên là một từ cấm trong quá trình muốn phát triển não bộ và tăng khả năng tập trung”.

Điều này là do 0 - 6 tuổi là giai đoạn “phát triển tốc độ cao” não bộ của trẻ. 7 - 12 tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng của não bộ, hằng ngày có vô số tế bào thần kinh thiết lập kết nối, vô số khớp thần kinh được tạo ra và vô số thông tin được đưa vào não bộ thông qua 5 giác quan.

Sự thúc giục của bố mẹ cản trở rất nhiều đến hoạt động của não bộ, trong cơn hoảng loạn, não bộ chỉ nhận được những chỉ dẫn: “Đừng mất thời gian để làm những gì bạn đang làm ngay bây giờ, hãy hoàn thành nó một cách nhanh chóng”.

Vì vậy, não bộ sẽ cắt việc đang tập trung để chuyển sang việc khác, điều này khiến trẻ mất đi cơ hội suy nghĩ và khám phá. Theo thời gian, đứa trẻ hình thành thói quen xấu là làm mọi việc thiếu suy nghĩ.

Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn đang làm việc hoặc học hành nhưng luôn có một giọng nói thúc giục “nhanh lên”, bạn sẽ cảm thấy đầu óc mình như co thắt lại và trở nên trống rỗng. Điều này đúng với người lớn và cũng diễn ra tương tự ở trẻ em.

Trên thực tế, sự lười biếng không phải nguồn gốc của mọi vấn đề mà là sự thúc giục. Sử dụng tốc độ và yêu cầu của người lớn để chỉ trích trẻ không chỉ làm rối loạn mà còn cản trở sự tập trung của trẻ.

Thúc giục trẻ sẽ “cuốn đi” sự nhiệt tình của trẻ

Trong chương trình "Super Parenting Teacher" của Trung Quốc có một cậu bé tên là Tiểu Vương. Cậu bé thường chờ đợi mẹ mình thúc giục nhiều lần mới từ từ lấy sách vở ra học nhưng khi học được vài chữ lại bắt đầu nhìn ngó xung quanh.

Nếu người mẹ không giục, cậu bé cũng không chủ động học bài cũng không chủ động ăn uống hay làm bất cứ thứ gì.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cậu bé đã quen với sự thúc giục của bố mẹ, nếu người mẹ không thúc giục thì cậu bé sẽ không chịu làm gì cả. Điều này càng khiến cho người mẹ cảm thấy mệt mỏi khi phải suốt ngày giục con mình.

Kết quả là người mẹ ngày càng khó giáo dục con cái, cậu bé ngày càng lì lợm và trì hoãn đến mức nghiêm trọng.

Sự thúc giục của cha mẹ tưởng như là vì lợi ích của trẻ nhưng thực tế lại làm suy giảm tính chủ động của trẻ.

Việc thúc giục không giúp trẻ hình thành thói quen tốt mà chỉ khiến chúng xem bố mẹ như đồng hồ báo thức và dựa dẫm vào bố mẹ trong mọi việc.

Ngoài sự phản kháng thụ động trong hành vi, việc bố mẹ thúc giục nhiều cũng sẽ dẫn đến tâm lý “trả đũa” tiêu cực ở trẻ. Tức là khi phải nghe bố mẹ thường xuyên nhắc nhở, thúc giục, nó sẽ vượt quá giới hạn tâm lý của đứa trẻ, khiến chúng trở nên nóng nảy, phản kháng lại.

Giáo sư tâm lý học Tim Pychyl tại Đại học Carleton, Canada đã chỉ ra: “Sự trì hoãn là một vấn đề điều chỉnh cảm xúc ở trẻ em”.

Ông tin rằng, sự thúc giục mù quáng của bố mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy mất lòng tin và mất dần tính tự chủ. Sự lo lắng của bố mẹ giống như một lời nguyền, giết chết nhiệt huyết của trẻ từng chút một mỗi ngày. Một đứa trẻ nếu không có động lực học và làm việc sau này, chúng không thể có một tương lai tốt đẹp.

Và một đứa trẻ không có động lực làm việc sẽ chỉ có một tương lai hẹp hơn.

Nguồn: [Link nguồn]

Nghiên cứu của Harvard: Kỹ năng xã hội trong thời thơ ấu ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của trẻ

Sống trong xã hội hiện nay, việc hòa đồng, biết cách giao tiếp quan trọng không kém gì năng lực chuyên môn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Hằng (Theo QQ) ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN