Chuyên gia hướng dẫn thí sinh chọn ngành nghề "hot" nhất để đăng ký xét tuyển
Rất nhiều thí sinh băn khoăn không biết chọn ngành học nào phù hợp để sau ra trường liệu có cơ hội xin được việc làm.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, theo quy định, sau khi các trường đã công bố đề án tuyển sinh, thí sinh có ít nhất 30 ngày để lựa chọn đăng ký xét tuyển (cùng thời điểm đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT) vào các ngành nghề đào tạo mà các trường đại học, cao đẳng đã công bố.
Tuy vậy, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến vào khoảng 28/8), thí sinh vẫn có quyền điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng (qua hình thức trực tuyến hoặc bằng phiếu tại điểm tiếp nhận).
Như vậy, thí sinh có nhiều thời gian để ra quyết định cuối cùng về ngành nghề mà mình muốn theo học, căn cứ vào năng lực, sở trường của thí sinh.
Theo bà Thủy cho biết, việc lựa chọn ngành học căn cứ vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là đam mê, ước vọng và năng lực cá nhân; tiếp theo cần xem xét các yếu tố như điều kiện hoàn cảnh cụ thể của gia đình, nhu cầu của thị trường lao động hiện tại và tương lai…
Cũng theo đại diện Bộ GD&ĐT, trong bối cảnh của cuộc Cách mang công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, dự báo các ngành về khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật - công nghệ cao, khoa học máy tính sẽ luôn là những ngành thiếu hụt về nhân lực. Hiện nay, việc khuyến khích tuyển sinh theo cơ chế đặc thù đang áp dụng cho các ngành về công nghệ thông tin và du lịch. Trên đây là một số thông tin mà các bạn có thể tham khảo.
Ngoài ra, thí sinh có thể tham khảo từ nhiều nguồn thông tin công khai, số liệu thống kê, chiến lược phát triển của các bộ ngành, địa phương, số liệu của các tổ chức, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước có điều tra khảo sát thị trường…
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Y - Dược (ĐH Thái Nguyên) cũng cho biết, xuất phát từ mong muốn được làm việc: trong môi trường ổn định hay nhiều thách thức; môi trường làm việc trong văn phòng hay thiên nhiên; làm việc với con người hay máy móc, thiết bị… để lựa chọn các ngành, nghề phù hợp với môi trường đó.
Nếu thí sinh nghĩ ngay đến các nghề cụ thể, thường việc lựa chọn sẽ khó khăn. Nhưng mở rộng diện lựa chọn theo môi trường làm việc, tìm công việc phù hợp với môi trường làm việc mà bản thân yêu thích sẽ dễ dàng trong việc lựa chọn hơn.
“Các em nên lưu ý, chọn nghề trước, chọn trường sau. Vượt qua sự tác động của những tư tưởng và quan điểm chưa thực sự đúng đắn khi chọn nghề như: Chọn nghề theo sự áp đặt của người khác; Chọn nghề theo chuẩn của nhóm, của bạn bè và của người yêu; Chọn nghề may rủi; Chọn nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền;Chọn nghề không nghĩ đến những điều kiện có liên quan như: điều kiện kinh tế cá nhân hoặc gia đình, thời gian học nghề, tuổi thọ của nghề, đầu ra của nghề…
Mỗi em cần tìm hiểu nhiều nhất có thể có về những ngành nghề trong xã hội. Tìm hiểu về chính bản thân mình để hướng đến việc tìm nghề phù hợp: phù hợp với tính cách của cá nhân; phù hợp với năng lực, khả năng trí tuệ,…”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Chọn ngành gì hay học trường nào luôn là bài toán khó không chỉ khiến các bạn học sinh lớp 12 đau đầu mà còn là nỗi...
Nguồn: [Link nguồn]