Chuyên gia hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm trên ôtô khi cửa đã khóa

Sự kiện: Giáo dục

Vụ việc một trẻ mầm non ở Thái Bình tử vong do bị bỏ quên trên ôtô đưa đón học sinh đang khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Để giúp trẻ thoát hiểm khi một mình trên xe đã khóa cửa, cha mẹ cần trang bị kiến thức gì cho con?

Làm gì để trẻ thoát hiểm trên ôtô đã khóa cửa?

Trao đổi với PV báo Sức khoẻ và Đời sống, chuyên gia kỹ năng sống Nguyễn Thị Chi cho biết, để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra với trẻ khi không may bị bỏ quên trên ôtô mà cửa đã bị khoá, cha mẹ cần hướng dẫn cho các con những kỹ năng cần thiết sau đây:

Đầu tiên, điều quan trọng nhất các bậc phụ huynh phải dạy con em mình là khi gặp bất kỳ tình huống nào nan giải cũng phải luôn giữ bình tĩnh rồi báo hiệu cho người xung quanh biết tình trạng của mình hoặc tìm cách tự thoát ra.

Chuyên gia kỹ năng sống Nguyễn Thị Chi.

Chuyên gia kỹ năng sống Nguyễn Thị Chi.

Thứ hai, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ đứng ở phần kính trước vô lăng để vẫy tay, đập cửa… thu hút người phía ngoài.

Thứ ba, các con có thể sử dụng thiết bị thông minh để liên lạc. Đồng hồ thông minh hay các thiết bị di động thông minh mà các bậc phụ huynh cần trang bị cho con để liên lạc đề phòng không chỉ riêng bị bỏ quên trên xe ôtô mà các tình huống xấu khác có thể xảy ra. Cha mẹ cần dạy bé kỹ năng gọi đến các số điện thoại của cứu thương, cảnh sát khi gặp phải sự cố, chứ không chỉ các số điện thoại lưu trực tiếp trên điện thoại. Và để đảm bảo an toàn cho con tuyệt đối ba mẹ hãy kiểm tra khi con đã đến lớp và về nhà bằng cách kiểm tra định vị hoặc gọi điện qua thiết bị thông minh.

Bước tiếp theo, cha mẹ cần dạy bé mở cửa xe ở vị trí của ghế lái vì khi xe đã khóa và không cắm chìa khóa trong xe ôtô vẫn có thể mở được từ bên trong tại ghế lái. Lúc này còi báo động chống trộm trên xe sẽ kêu lên nên mở cửa này ra sẽ góp phần gây chú ý của người xung quanh đến giải cứu. Đồng thời dạy bé ký hiệu còi xe và nhấn liên tục để gây sự chú ý từ những người xung quanh khu vực đỗ xe.

Trường hợp không thể kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài hay không thể tự mở cửa xe được thì dạy trẻ tìm các vật dụng trên xe để phá kính cửa ôtô.

"Kỹ năng sống đảm bảo cho trẻ luôn được an toàn, vì vậy, cha mẹ cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để giúp các con ứng phó trong tình huống khẩn cấp", chuyên gia kỹ năng sống Nguyễn Thị Chi cho biết.

Đề xuất đưa quy định về hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ôtô vào Luật Giao thông đường bộ

Ngay sau vụ việc ở Trường Gateway xảy ra mấy năm trước, Bộ GD&ĐT đã có văn bản về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ bằng xe ôtô. Trong đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn có sử dụng dịch vụ xe đưa đón học sinh phải lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ giao thông vận tải theo quy định; phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy trình đưa đón học sinh bằng xe ôtô, trong đó phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh.

Chiếc xe đưa đón học sinh mà cháu bé 5 tuổi ở Thái Bình bị bỏ quên suốt một ngày.

Chiếc xe đưa đón học sinh mà cháu bé 5 tuổi ở Thái Bình bị bỏ quên suốt một ngày.

Tháng 5/2020, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi tới Bộ GTVT đề nghị đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ quy định một số nội dung về dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ôtô nhằm khắc phục những bất cập và rủi ro tiềm ẩn trong loại hình dịch vụ này.

Bộ GD&ĐT đề nghị vận chuyển học sinh cần được xem xét là một loại hình vận tải đặc biệt, kèm theo các quy định chặt chẽ hơn nhằm tăng cường an toàn, năng lực và trách nhiệm của các chủ thể liên quan (như: đơn vị cung cấp dịch vụ, lái xe, người quản lý học sinh...). Các tổ chức, cá nhân tham gia phục vụ dịch vụ này phải có quy định trách nhiệm cụ thể và phải được tập huấn và cấp chứng chỉ hành nghề...

Hiện, dự thảo Luật Đường bộ đang được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã dành riêng điều số 70 để quy định về hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ôtô.

Bộ GD&ĐT xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật

Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) vừa có công văn gửi tới Sở GD&ĐT Thái Bình. Theo đó, ngày 29/5, Bộ GD&ĐT nhận được thông tin qua nguồn không chính thức về việc bé trai 5 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh đã tử vong. Vụ việc xảy ra tại Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2, xã Phú Xuân, Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Xét tính chất nghiêm trọng của sự việc, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT Thái Bình báo cáo về sự việc.

Bộ cũng yêu cầu Sở đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành những công việc cần thiết để xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo phòng GD&ĐT TP. Thái Bình và nhà trường động viên, chia sẻ, hỗ trợ gia đình cháu bé; thực hiện các giải pháp để đảm bảo ổn định việc chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ em của Trường Mầm non Hồng Nhung và các cơ sở giáo dục mầm non khác trên địa bàn.

Nguồn: [Link nguồn]

Lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ vụ việc một trẻ mầm non tử vong trên xe đưa đón.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Vi ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN