Chuyên gia giáo dục lý giải vì sao cha mẹ hay nổi nóng, chửi mắng con không thương tiếc?

Sự kiện: Giáo dục

Không một đứa trẻ nào muốn lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ thường xuyên mắng chửi, thóa mạ mình.

Chuyên gia giáo dục, TS. Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành công khẳng định: Không một đứa trẻ nào muốn lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ thường xuyên mắng chửi, thóa mạ mình. Thậm chí chúng còn ngấm ngầm chống đối và mối dây tình cảm của chúng với cha mẹ ngày càng nhạt dần.

Nhưng vì sao nhiều cha mẹ mắng con không thương tiếc. Điều gì tạo nên hành vi rất tiêu cực đối với con trẻ như vậy?, TS Vũ Việt Anh sẽ lý giải rõ điều này.

Mắng chửi con sẽ tạo nên hành vi tiêu cực đối với trẻ. (Ảnh minh họa).

Mắng chửi con sẽ tạo nên hành vi tiêu cực đối với trẻ. (Ảnh minh họa).

Do cha mẹ thiếu hiểu biết

Những người làm cha làm mẹ thường xuyên mắng chửi, thóa mạ con mặc dù con chỉ mắc lỗi rất nhỏ, trước hết là họ thiếu hiểu biết.

Thiếu hiểu biết về tâm lý của trẻ, về những tác động tiêu cực mà những lời mắng chửi mang lại, họ cũng không nhận thức được trách nhiệm của mình trong mỗi cái sai của con.

Họ thường chỉ mắng cho bõ tức, nói những lời cay độc để con vì thế mà sửa chữa khuyết điểm. Họ không biết rằng những đứa con được giáo dục bằng chửi rủa, đánh đập thường khó phát triển tâm lý, tình cảm và cả trí tuệ một cách toàn diện. Chúng luôn mang trong mình một sự mặc cảm ghê gớm khi ngay từ nhỏ đã bị chỉ mặt đặt tên là đứa “ngu ngốc”, “mất dậy”, “hư hỏng”.

Nói rằng cha mẹ sỉ nhục, chửi mắng con cái là vì họ không yêu con là không đúng, nhưng rõ ràng sự thiếu hiểu biết về giáo dục con cái có thể mang lại những tác động lâu dài khó lường.

Bất lực trong giáo dục

Một lý do khác khiến cha mẹ thường xuyên mắng chửi con là họ bất lực trong giáo dục. Đây cũng là hậu quả của một quá trình giáo dục không có khoa học, không thấu hiểu rõ tâm lý, không gần gũi và tâm sự với con, khi quá nuông chiều, quá buông lỏng, đến khi con hư rồi khi lại quá nóng giận với những trạng thái tiêu cực.

Nhiều cha mẹ khi con còn nhỏ thì cưng chiều hết mực. Đến khi con hư thì họ trừng phạt bằng đòn roi. Nhưng con vẫn tiếp tục tái phạm. Nhiều lần như vậy, họ không còn cách nào khác là thóa mạ con bằng những lời cay độc.

Giận cá chém thớt

Điều này xảy ra với rất nhiều gia đình. Khi áp lực cuộc sống đè nặng khiến tâm trí cha mẹ không thoải mái. Giữa lúc đó, chỉ cần con vi phạm bất kỳ điều gì dù là nhỏ nhất hay làm phiền hoặc làm họ “ngứa mắt” là có thể châm ngòi cho một trận chửi rủa không thương tiếc. Nghiêm trọng hơn, có những người còn dựa vào con, mắng con nhưng đích ngắm đến lại là người bạn đời của mình. Sự oan ức và thiếu bao dung của cha mẹ trong trường hợp này có thể khiến trẻ cực kỳ ức chế và căm tức.

Họ từng là nạn nhân bị cha mẹ mắng chửi

Người ta đã chỉ ra có mối liên hệ giữa những người hay bị đánh đòn, bị đối xử bất công, bị xỉ vả khi còn nhỏ, lớn lên, họ cũng thường có xu hướng mang tính cách này để đối xử với người khác. Đôi khi, người lớn không ý thức được việc họ bị ảnh hưởng bởi quá khứ. Nhưng thực tế tính cộc cằn, thô lỗ, hay chửi rủa của bố mẹ có ảnh hưởng đến họ và đến lượt mình, họ cũng làm như vậy với con cái.

Sở dĩ những ông bố bà mẹ trong hoàn cảnh đó trở nên thô lỗ với con cái ở hiện tại, là vì họ xem đó là điều bình thường, những lời quát tháo, thóa mạ con cái, việc mắng con ngu đần, dốt nát, hư hỏng được tuôn ra một cách rất tự nhiên.

Tuy nhiên, họ quên đi một điều, trước đây, khi bị mắng chửi như vậy, họ từng vô cùng căm giận bố mẹ. Vậy thì giờ đây, khi mắng con, hãy nhớ rằng chúng cũng rất căm hận họ.

Nguồn: [Link nguồn]

10 quy tắc dạy con của người Nhật được cả thế giới chia sẻ

Cha mẹ Nhật có những quy tắc nuôi dạy con từ khi chúng mới lọt lòng để xây dựng nhân cách tốt từ sớm cho trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN