Chuyên gia chỉ cách giúp trẻ thoát khỏi xâm hại tình dục
Các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên giáo dục giới tính cho con ngay từ khi còn nhỏ.
Thời gian gần đây, không ít sự việc trẻ em bị xâm hại tình dục hay quan hệ tình dục sớm, dẫn đến mang bầu, sinh con ở lứa tuổi còn rất nhỏ khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng. Để hạn chế vấn đề này, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên giáo dục giới tính cho con ngay từ khi còn nhỏ.
TS.BS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ cách giáo dục giới tính cho trẻ theo lứa tuổi, giúp cha mẹ có thêm các kiến thức cần thiết để bảo vệ và đồng hành cùng con trẻ một cách vui khỏe và an toàn.
(Ảnh minh họa).
Trẻ từ 1 – 3 tuổi
Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu phát triển ngôn ngữ, đến cuối tuổi thứ 3 trẻ cơ bản đã làm chủ được ngôn ngữ. Trong giai đoạn này để giáo dục giới tính chúng ta sẽ dạy trẻ biết tên gọi của các bộ phận trong cơ thể như mũi, môi, tai, đầu,..và các bộ phận ở những vị trí nhạy cảm như mông, ngực,…Đồng thời, cha mẹ cần dạy cho trẻ biết được đâu là bộ phận mang tính riêng tư, kín đáo của mỗi người, không được phô bày ra ngoài và không được để người khác sờ vào.
Trẻ từ 3 – 6 tuổi
Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu khám phá thế giới xung quanh rất mạnh mẽ, ngôn ngữ đã phát triển và bổ sung nhiều vốn từ, đồng thời có nhiều hoạt động tương tác với bên ngoài. Việc phân biệt giới tính được đặt lên mức độ mới: bạn trai và bạn gái tuy khác nhau những vẫn sẽ có những điểm giống nhau. Giáo dục giới tính ở lứa tuổi này, chúng ta sẽ dạy trẻ thông qua hoạt động chơi đóng vai bố, mẹ, anh, chị, cô, chú,…để hướng dẫn trẻ cách phân biệt, người như thế nào thì gọi là anh, như thế nào thì gọi là chị,…Qua đó sẽ giúp trẻ ý thức ban đầu về vai trò của mỗi giới, nam và nữ nên có những cách cư xử, cách giao tiếp ra sao, vai trò của người bố và người mẹ trong gia đình được thể hiện thế nào…
Trẻ từ 6 – 11 tuổi
Đây là giai đoạn trẻ phát triển trí nhớ và tư duy rất nhanh và mạnh. Trẻ bắt đầu có những tò mò về giới tính ví dụ cấu tạo của trẻ nữ như thế nào? cấu tạo của trẻ nam như thế nào? hay con người được sinh ra từ đâu và bằng cách nào? Để giải đáp thắc mắc này của trẻ, cha mẹ có thể trả lời một cách đơn giản như: “Để một em bé chào đời thì nhất định cần có sự góp sức của cha (tinh trùng) và mẹ (trứng) để tạo ra “hạt mầm” là con. “Hạt mầm” sẽ dần lớn lên trong bụng của mẹ. Khoảng 9 tháng 10 ngày là lúc hạt mầm” đủ lớn và muốn ra ngoài, thế là con được sinh ra đời. Hoặc có thể cung cấp thông tin về giới tính thông qua việc đưa kiến thức vào các môn học như sinh học, khoa học giáo dục hay các hoạt động ngoại khoá ở trường học.
Trẻ ở tuổi vị thành niên (11 tuổi – 18 tuổi)
Ở lứa tuổi này sự phát triển nổi bật nhất của trẻ là sự dậy thì, trẻ phát triển mạnh mẽ về tâm lý, sinh lý và các nhu cầu về tính dục. Trẻ bắt đầu mở rộng các mối quan hệ và có những cảm nhận về rung động, thích hay yêu mến một ai đó. Trong giai đoạn này, trẻ nữ cần chuẩn bị cho kỳ kinh nguyệt đầu tiên và trẻ nam cần hiểu về sự xuất tinh. Việc giáo dục giới tính đặc biệt quan trọng và cần tập trung vào vấn đề giáo dục sức khoẻ sinh sản. Cha mẹ không nên để mặc con tự tìm hiểu về giới tính, tình dục qua mạng xã hội, thậm chí là truyền miệng từ bạn bè vì có thể trẻ sẽ học được những kiến thức không đúng và có những hành vi sai lệch.
Cha mẹ nên thường xuyên trao đổi, chia sẻ với con, dạy con về những hành động nào được phép và hành động nào không để giúp trẻ có thể duy trì được tình bạn trong sáng, hạn chế trường hợp nhu cầu tình dục cao quá dẫn tới quan hệ tình dục quá sớm và không an toàn. Đồng thời cung cấp cho trẻ các thông tin và kỹ năng phòng tránh việc mang thai ngoài ý muốn khi ở tuổi vị thành niên và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Việc giáo dục về sức khỏe sinh sản không chỉ là ngăn cấm điều này, ngăn cấm điều kia mà chúng ta cần giải thích, giãi bày để các con hiểu bản chất thật sự của mối quan hệ tình cảm, qua đó giúp trẻ có thái độ và hành vi đúng, hiểu biết và có trách nhiệm về những quyết định của mình.
TS. Vũ Việt Anh gợi ý những bí quyết để giúp học sinh tránh khỏi những bạo lực tinh thần khi đến trường.
Nguồn: [Link nguồn]