Chuyên gia bày cách nhận biết trẻ đang bị bắt nạt tại trường
Mất đồ dùng cá nhân, bị thương vô cớ hay thường xuyên khó ngủ, gặp ác mộng, muốn hủy hoại bản thân là những dấu hiệu cho thấy một đứa trẻ có thể đang bị bắt nạt ở trường.
Bắt nạt học đường luôn là câu chuyện đau đầu đối với các bậc phụ huynh có con ở tuổi đến trường. Là phụ huynh của những đứa trẻ "chuyên bắt nạt bạn" hay "bị bạn bắt nạt" đều có những mối lo không phải ai cũng dễ dàng thấu hiểu và thông cảm.
Nỗi sợ hãi mang tên “mạng xã hội”
Ngày nay, việc bắt nạt không chỉ diễn ra ở ngoài đời thực mà còn trên mạng xã hội, biểu hiện bằng những lời lẽ xúc phạm, chế giễu hay nhục mạ. Tất nhiên, tôn trọng quyền riêng tư là điều tốt, nhưng cha mẹ cũng không nên quá thờ ơ với cuộc sống của những người trẻ trên mạng xã hội để có thể phát hiện những mối nguy cơ tiềm ẩn một cách nhanh nhất.
Các vết thương không rõ nguyên nhân. Khi đi học, việc con trẻ vô tình gặp phải các tai nạn nhỏ và bị thương là điều không hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy đứa trẻ có xu hướng không trung thực về nguyên nhân gây nên các vết bầm tím, cào cấu trên cơ thể mình, hãy liên hệ ngay với giáo viên để biết chuyện gì đã xảy ra.
Đó là việc đứa trẻ thường xuyên giả bệnh. Với nhiều đứa trẻ nghịch ngợm, việc giả bệnh để được nghỉ ở nhà xem phim hoặc chơi điện tử là chuyện không hiếm. Tuy nhiên, những cơn đau đầu, đau bụng hay ốm giả thường xuyên có thể cho thấy một đứa trẻ đang cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi đến trường nên tìm cách trốn tránh.
Trẻ thay đổi thói quen ăn uống. Với nhiều đứa trẻ học bán trú và ăn trưa ở trường, việc bỗng nhiên ăn quá nhiều vào buổi tối sau khi tan học trở về nhà có thể do đã bỏ bữa trưa vì bị những kẻ bắt nạt làm phiền hoặc dọa dẫm. Để ý những thay đổi nhỏ nhất trong thói quen ăn uống của trẻ, điều đó không bao giờ là thừa.
Ngoài ra, trẻ khó ngủ, thường xuyên gặp ác mộng. Việc một đứa trẻ thức khuya vào buổi tối có thể là do mải mê lướt mạng xã hội hoặc giải quyết bài tập về nhà. Tuy nhiên, nếu chúng thực sự gặp vấn đề về giấc ngủ, người hay mệt mỏi, rất có thể là do áp lực, căng thẳng từ việc bị bắt nạt.
Đặc biệt, trẻ không còn hứng thú với trường học. Nếu một đứa trẻ có học lực khá bỗng nhiên bị sa sút, chẳng còn đề cập đến những điều thú vị, hài hước ở trường như trước kia vẫn làm thì không loại trừ khả năng chúng gặp phải vấn đề khó khăn nào đó hoặc bị tấn công ở trường.
Đứa trẻ bỗng nhiên mất tự tin, mất bạn bè và lảng tránh xã hội, rất có thể là một "báo động đỏ" mà phụ huynh cần để tâm.
Trẻ có hành vi tự hủy hoại bản thân. Trốn khỏi nhà, tự làm bản thân bị thương hay thậm chí là đề cập đến việc tự sát có thể là những dấu hiệu của một đứa trẻ đang bị bắt nạt mà những người xung quanh không bao giờ nên bỏ qua.
Khi trẻ bị bắt nạt thì nên xử lý thế nào?
TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý- giáo dục độc lập nhắn nhủ tới các phụ huynh có con bị bắt nạt ở trường, hãy dạy con bạn cách "tự vệ".
“Tự vệ ở đây không phải là sẵn sàng đánh trả khi bị bạn trêu ghẹo mà trước tiên hãy dùng lời nói và thái độ. Bất cứ đứa trẻ nào cùng có thế mạnh riêng, bạn hãy dạy cho con cả cách thu hút và hấp dẫn bạn bè bới những trò chơi mới hay các hoạt động bổ ích do mình "đầu têu". – TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
Tiến sĩ Michele Borba, nhà tâm lý giáo dục được công nhận quốc tế, chuyên gia về nạn bắt nạt học đường chia sẻ trên US News bí quyết để trẻ mở lời với bố mẹ về tình huống bị bắt nạt.
Phụ huynh thường hỏi tôi làm thế nào để biết con đang bị bắt nạt ở trường khi con không chủ động nói về chuyện đó. Vấn đề này, Tiến sĩ Michele Borba cho rằng không hề dễ "điều tra". Nhưng nếu con thực sự đang rơi vào tình huống này, bạn cần biết để giải quyết sớm, hạn chế tổn thương về cả tinh thần lẫn thể xác.
"Sao con lại chọn đường xa hơn để đến trường?", "Sao con không dùng nhà vệ sinh ở trường?" là câu hỏi giúp xác định tình huống bắt nạt- Tiến sĩ Michele Borba nói.
“Vậy bạn có thể làm gì nếu trẻ không tự nguyện cung cấp thông tin? Hãy hỏi đúng câu cần thiết và chú ý đến những dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị bắt nạt”- Tiến sĩ Michele Borba nhấn mạnh.
Những đứa trẻ "chuyên bắt nạt bạn" hay "bị bạn bắt nạt" đều có những mối lo
Trẻ muốn chống lại việc bị bắt nạt, nên làm sao?
Giúp bé tự tin: Trước hết, bạn nên hướng dẫn bé tin tưởng vào chính bản thân mình để trực tiếp “đối mặt” với bạn xấu khi bị bắt nạt.
Bạn có thể đưa ra các tình huống cụ thể để bé tập xử lí. Ví dụ: Tình huống bé đứng ở cổng trường và bị một nhóm bạn giật mũ thì bé nên làm thế nào?.
Bạn cũng có thể “trang bị” cho bé một số mẫu câu biểu hiện mức độ cảnh cáo như: “Tránh ra, đừng có trêu trọc tớ, nếu không tớ sẽ nói với cô giáo và bố mẹ đấy”.
Hướng dẫn bé cách tránh xa kẻ bắt nạt: Ở vào tình huống bị bắt nạt, hầu hết các bé sẽ xuất hiện tâm lý hoang mang, lo lắng, sợ hãi và không biết hành xử như thế nào. Bạn nên cho bé biết rằng, dù bé im lặng để mặc cho các bạn xấu muốn làm gì cũng được hay đánh lại kẻ bắt nạt đều không phải là cách tốt. Tốt nhất, nếu gặp nguy hiểm bé hãy bỏ chạy thật nhanh và cầu cứu người khác. Khi đứng trước những đứa trẻ hay bắt nạt thì bé không nên gây mâu thuẫn, không làm tình huống thêm căng thẳng.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý bổ sung dưỡng chất và tăng cường các hoạt động thể chất cho bé như cho bé đi tập thể dục hoặc tập võ thường xuyên để tăng cường thể lực. Với một cơ thể khỏe mạnh, nhanh nhẹn, linh hoạt, bé sẽ dễ dàng đối phó trong những tình huống xấu.
Tình bạn là yếu tố rất quan trọng. Tình bạn là một pháo đài bảo vệ trẻ khỏi kẻ bắt nạt. Nếu trẻ gặp khó khăn khi kết bạn hoặc duy trì tình bạn, bạn hãy giúp đỡ tạo dựng được tình bạn trong sáng cho trẻ. Hướng dẫn trẻ cách chơi hoà đồng với bạn bè.
Chuyên gia tâm lý, kỹ năng sống Vũ Việt Anh “mách” những điều cần thiết phụ huynh cần trang bị cho trẻ.