Chuyện chưa kể về du học Trung Quốc: Cơ hội trong mơ nhưng thách thức cũng không ít
Học bổng du học Trung Quốc với những đãi ngộ hấp dẫn là mơ ước của nhiều bạn trẻ. Nhận được học bổng là một thành tích đáng tự hào, tuy nhiên những áp lực của việc học tập cũng khiến không ít du học sinh bị choáng ngợp. Nhưng sau tất cả, vẫn có cách để vượt qua khó khăn, thu về trái ngọt nếu bạn thật sự cố gắng.
Du học Trung Quốc có những thách thức gì?
Phạm Ngọc Hạnh, sinh năm 1998, hiện là du học sinh nhận được học bổng Chính phủ Trung Quốc (CSC) hệ Thạc sĩ chuyên ngành Văn học so sánh và Văn học thế giới của trường Đại học Sư phạm Thủ đô (Bắc Kinh, Trung Quốc), thời hạn 3 năm. Giống như nhiều du học sinh khác, cô bạn đã mường tượng cuộc sống du học đầy thú vị trước khi lên đường. Nhưng khi đặt chân tới xứ tỷ dân, Ngọc Hạnh cũng phải đối mặt với cơ hội mới cùng thách thức lớn.
Trường Đại học sư phạm Thủ đô (Bắc Kinh).
Những du học sinh như Ngọc Hạnh phải cố gắng đạt thành tích cao để có thể duy trì học bổng trong những năm học tiếp theo. Tùy từng loại học bổng mà yêu cầu sẽ khác nhau. Đối với diện học bổng mà Hạnh nhận được, yêu cầu điểm tổng kết các môn phải đạt trên 75/100 điểm và nhiệt tình tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Mỗi năm sẽ có bài đánh giá và tự đánh giá học bổng, giáo viên hướng dẫn sẽ nhận xét và quyết định xem bạn có đủ điều kiện để được duy trì học bổng hay không, dựa trên các thành tích mà bạn đạt được.
Nếu điểm số của du học sinh không đạt, lại kém tích cực trong hoạt động ngoại khóa, tất nhiên bạn sẽ bị cắt học bổng. Không được miễn học phí, không hỗ trợ ký túc xá, sinh hoạt phí như trước, du học sinh sẽ phải đối mặt với gánh nặng tài chính lớn nếu gia đình không đủ điều kiện.
Tuy nhiên, việc duy trì học bổng chưa phải điều áp lực nhất đối với Ngọc Hạnh. Cô bạn chia sẻ, điều áp lực nhất khi đi học là việc phải đuổi theo được sức học của các bạn trong lớp: “Bởi vì lớp mình toàn bộ đều là người Trung Quốc, thế nên thầy cô sẽ dạy dựa vào lực học của các bạn, không vì một vài người mà bỏ qua cả tập thể được. Đôi khi thầy cô nói tiếng địa phương hoặc các bạn tranh luận sôi nổi mà mình không nghe kịp. Kể cả ở trong nước bạn có giỏi đến đâu, thì khi sang đến đây nói chuyện với người bản địa, bạn vẫn phải mất một khoảng thời gian để làm quen. Đó là còn chưa kể đến khi đến lớp bạn phải học rất nhiều từ việc chuyên ngành các thuật ngữ liên quan”.
Đến học tập tại một đất nước xa lạ, dù là bất cứ đâu, các bạn du học sinh đều phải chịu những áp lực khác nhau. Vì mỗi ngành học có một cái khó riêng, mỗi người lại có một nền tảng riêng. Chưa nói đến vấn đề học thuật, việc sẵn sàng xa gia đình, người thân để sống và học tập tại một nơi xa đã là một khó khăn. |
Là người duy nhất nhận được học bổng chuyên ngành Văn học so sánh và Văn học thế giới - một trong những chuyên ngành được đánh giá là rất khó đối với du học sinh, nên có môn Hạnh phải học một mình một lớp. Điều này buộc cô phải tập trung cao độ.
Mặc dù những áp lực học tập khiến Hạnh đôi lúc mệt mỏi, nhưng cô cho biết bản thân chưa bao giờ hối hận mà cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được thực hiện ước mơ, càng trân trọng hơn những trải nghiệm mà mình nhận được.
Bí kíp "vượt khó" khi du học Trung Quốc
Điểm tựa giúp những du học sinh như Ngọc Hạnh vượt qua khó khăn là sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, thầy cô. Hạnh tiết lộ, giáo viên dạy cô luôn tâm lý và không tạo nhiều áp lực cho sinh viên. Trên lớp, khi không kịp chép bài, bạn bè sẽ gửi cho cô bản ghi chép. Việc có mối quan hệ tốt với thầy cô và bạn bè sẽ giúp quá trình học tập bớt nặng nề.
Hạnh cho biết bạn đã từng ở lì trên thư viện đến đêm muộn vì những áp lực học tập ngày đầu. Nhưng sau đó, nhờ việc sắp xếp thời gian hợp lý, cân bằng giữa học, nghỉ ngơi, giải trí đã giúp cô giảm bớt phần căng thẳng, tinh thần thoải mái thì việc tiếp thu kiến thức cũng tốt hơn.
"Mỗi ngày chỉ nên dành khoảng 6 - 8 tiếng cho việc học tập, nghiên cứu, bên cạnh đó là dành thời gian để tập thể dục, giải trí, chỉ có như vậy mới duy trì được sức khoẻ và tinh thần dài hạn phục vụ cho những mục tiêu tiếp theo", Hạnh chia sẻ.
Ngọc Hạnh "chill" cùng bạn bè sau những giờ học miệt mài.
Đối với những bạn trẻ có dự định đến Trung Quốc du học, Ngọc Hạnh tiết lộ bí kíp: “Điều đầu tiên bạn hãy học tập và trau dồi kiến thức thật tốt. Có một nền tảng tốt sẽ là điều kiện tuyệt vời để bạn dễ dàng giải quyết những khó khăn trong tương lai. Thứ hai, nếu bạn xác định muốn du học Trung Quốc, hãy chuẩn bị cho mình một hành trang hoàn thiện bằng cách giao tiếp tự tin với người Trung Quốc, bảng điểm ổn, tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá” .
Sau khi tốt nghiệp, Hạnh dự định sẽ về nước và thực hiện ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn. Cô bạn kỳ vọng về tương lai sẽ viết tiếp những ước mơ còn dang dở với những hành trang vững vàng hơn.
Nhiều bậc phụ huynh có mong muốn cho con em mình du học ngay từ cấp 3 tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, họ lại phân vân không biết chọn trường nào cho con em mình.
Nguồn: [Link nguồn]