Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Giáo viên “gặp khó” với nhiều môn mới?

Sự kiện: Giáo dục

Được kỳ vọng sẽ là bước đột phá nhằm giúp nền giáo dục Việt Nam “cất cánh”, sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng, Dự thảo vẫn còn phải chỉnh sửa, cũng như có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng về đào tạo, bồi dưỡng trước khi ban hành Chương trình chính thức và áp dụng triển khai đại trà.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Giáo viên “gặp khó” với nhiều môn mới? - 1

Dự thảo Chương trình phổ thông cho thấy có nhiều thay đổi đáng kể trong giáo dục phổ thông từ năm 2018. Ảnh minh họa: Q.Anh

Nhiều giải pháp mang tính đổi mới

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, theo lộ trình, chương trình mới bắt đầu được triển khai từ năm học 2018-2019. Bộ GD&ĐT cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần. Trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, mục tiêu của Chương trình cũng rất cụ thể ở cả ba cấp Tiểu học, THCS và THPT. Chương trình hướng đến kế thừa và phát triển những ưu điểm các chương trình giáo dục đã có của Việt Nam, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chương trình của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau và liên thông với chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học.

Đánh giá về Dự thảo, ở góc độ người làm quản lý giáo dục, bà Nguyễn Thu Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Song ngữ Quốc tế Horizon (ở Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, định hướng các nội dung giáo dục trong Dự thảo lần này được triển khai khá tường minh. Chương trình mới là bước đột phá đáng ghi nhận thể hiện qua các nội dung như: Cho phép học sinh được tự chọn và phân hóa hướng nghiệp sớm và đã có giải pháp định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tiếp đến là khuyến khích học sinh tự phát hiện năng lực bản thân, năng lực tin học được tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Khâu đánh giá học sinh cũng đã được cụ thể hóa hơn so với hiện nay, phạm vi đánh giá bao gồm toàn bộ các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Hiện tại, nhiều ý kiến quan tâm tới việc giao cho các trường xét tốt nghiệp THPT. Theo tôi, đây là chủ trương phù hợp trong giai đoạn sau này của đổi mới giáo dục phổ thông. Là giải pháp căn bản, tránh gây xáo trộn trong xã hội, trong từng địa phương và nhà trường”, bà Nguyễn Thu Hoài chia sẻ.

Đội ngũ giáo viên có “hụt hơi”?

Kể từ khi Dự thảo được công bố, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt trong xã hội. Nhiều quan điểm bày tỏ lo ngại vì số lượng một số môn học có sự bất cập như môn Thế giới công nghệ (lớp 1, 2) là không thực sự cần thiết, cần cắt giảm thời lượng ở bậc trung học. Bên cạnh đó, không ít ý kiến đặt ra liệu số lượng giáo viên hiện tại, có rất nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn... khi giáo viên “hụt hơi”, đồng nghĩa với việc nội dung thực hiện chương trình sẽ không thể hiệu quả như mong muốn.

Cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tạo ra đột phá cho giáo dục, đào tạo song PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cũng lường trước những khó khăn khi chương trình đi vào thực hiện. Ông cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa là cơ hội vừa là thách thức cho những cơ sở đào tạo giáo viên. Giáo viên phổ thông lâu nay vẫn chú trọng dạy những môn truyền thống. Khi bắt đầu chuyển đổi sang dạy những môn mới sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải trải qua các lớp bồi dưỡng, đào tạo.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng đánh giá thêm: “Để đáp ứng yêu cầu của thực hiện chương trình mới, khâu đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên rất quan trọng, vừa giúp cho các thầy cô thay đổi phương pháp, vừa trang bị kiến thức mới để có thể đáp ứng được yêu cầu mới. Hiện tại, các trường cần tăng cường đào tạo bồi dưỡng giáo viên để kịp thời đón đầu đổi mới. Đào tạo giáo viên công nghệ cũng đặt ra cho các trường sư phạm những vấn đề lớn vì chương trình mới không thể dạy chay như trước, vì các môn công nghệ kỹ thuật phải có thực hành, thí nghiệm để sinh viên đam mê, làm quen”.

Cắt giảm một số môn trong dự thảo

Trước những băn khoăn nói trên, GS Nguyễn Minh Thuyết, Ban phát triển Chương trình giáo dục phổ thông cho biết, chương trình mới đã giảm số môn học, thời lượng học so với chương trình hiện hành và còn thấp hơn chương trình các nước tiên tiến. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến, Ban Phát triển Chương trình dự kiến báo cáo Hội đồng Thẩm định Quốc gia không tổ chức dạy môn Thế giới công nghệ ở các lớp 1, 2; chỉ bắt đầu dạy Tin học và Tìm hiểu công nghệ từ lớp 3. Số giờ học ở các lớp 8, 9, 10 cũng sẽ được nghiên cứu để giảm xuống dưới 30 tiết/tuần.

Chia sẻ về mối lo chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất khi triển khai, GS. Nguyễn Minh Thuyết thông tin: “Đây là những lo lắng rất có cơ sở. Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và nhân dân, Ban Phát triển kiến nghị Bộ GD&ĐT triển khai chương trình mới theo từng bước, cụ thể như sau: Trong năm học 2018-2019, triển khai đại trà ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10. Trong năm học tiếp theo, triển khai đại trà ở lớp 2 và lớp 6, dạy thực nghiệm lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Năm thứ ba, triển khai đại trà ở lớp 3, lớp 7, lớp 10... Đến năm học 2022 - 2023, chương trình mới sẽ được dạy ở tất cả các lớp”.

Cũng theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, với một lộ trình được chia thành từng bước như trên, các địa phương sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị giáo viên, trang thiết bị dạy học và cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới. Còn lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian này, Bộ ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học và nhà giáo đã trực tiếp tham gia xây dựng, thẩm định chương trình. Bộ mong tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, chia sẻ kinh nghiệm từ các tổ chức và cá nhân trong nước và quốc tế để hoàn thiện chương trình.

“Bên cạnh những đánh giá tích cực về dự thảo, Bộ GD&ĐT cũng thu nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp cho chương trình, chủ yếu là các vấn đề: căn cứ xác định các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh. Một số phẩm chất, năng lực cụ thể; số lượng môn học và hoạt động giáo dục; tên các môn học và hoạt động giáo dục; thời lượng học tập; tiến độ triển khai chương trình. Ban Phát triển Chương trình tổng thể xin có một số giải trình và tiếp thu ý kiến, tiếp tục đề xuất, kiến nghị Bộ GD&ĐT bổ sung, điều chỉnh để hoàn thiện dự thảo”.

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông

Theo Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ GD&ĐT vừa mới công bố, trong một năm học, thời gian thực học các môn học của chương trình giáo dục phổ thông tương đương với 37 tuần, gồm: 35 tuần thực học dành cho các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hoá và môn học tự chọn bắt buộc; 2 tuần thực học dành cho các môn học tự chọn và nội dung giáo dục của địa phương. Chương trình quy định môn học bắt buộc có phân hóa nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần (mô - đun). Một số chủ đề hoặc học phần là bắt buộc đối với tất cả học sinh, một số môn có chủ đề hoặc học phần được tự chọn.

Cụ thể, ở cấp tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ. Môn học bắt buộc có phân hóa: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.

Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Chương trình lớp 10 bắt đầu được coi là lớp định hướng nghề nghiệp, môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiết kế và Công nghệ, Ngoại ngữ 1, Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Lớp 11, 12 có sự định hướng nghề nghiệp. Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Môn học bắt buộc có phân hoá: Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Các môn học tự chọn bắt buộc: Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập. Học sinh tự chọn tối thiểu 3 môn học và một chuyên đề học tập trong các môn tự chọn bắt buộc phù hợp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Gia đình & Xã hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN