Chứng chỉ ngoại ngữ: Món nợ khó trả!
Chuẩn đầu ra ngoại ngữ không chuyên ở nhiều trường ĐH hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên năm cuối gần như bất lực trước thời hạn xét tốt nghiệp.
Thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, nhiều trường ĐH đã áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ trình độ bậc 3 (tương đương trình độ B1 theo khung tham chiếu châu Âu) đối với sinh viên (SV) năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp. Tuy nhiên, chuẩn đầu ra giữa các trường mạnh ai nấy làm. Nhiều SV vẫn bị treo bằng tốt nghiệp ĐH vì chưa đạt chứng chỉ ngoại ngữ tương đương.
Chật vật với chứng chỉ ngoại ngữ
Dù đã hoàn thành 4 năm ĐH nhưng L.Q.Đ, SV Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, vẫn chưa thể nhận bằng tốt nghiệp vì còn nợ chứng chỉ ngoại ngữ. “Trong thời gian chờ thi lại, mình đã đăng ký ôn luyện ở trung tâm ngoại ngữ bên ngoài để nâng cao kiến thức. Vì bắt đầu học tiếng Anh quá muộn nên giờ mình phải chật vật, thi lần hai rồi vẫn thiếu điểm” - Q.Đ phân trần.
T.T, SV năm cuối Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cũng bỏ lỡ một đợt xét tốt nghiệp vì chưa có chứng chỉ ngoại ngữ. T. cho biết đã hoàn thành học phần ngoại ngữ bắt buộc trong trường nhưng đợt thi đầu ra vừa rồi vẫn chưa đạt.
Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến tìm cơ hội thực hành ngoại ngữ với du khách nước ngoài Ảnh: TẤN THẠNH
Nhằm nâng cao chất lượng đầu ra, giảm tỉ lệ SV ra trường không có việc làm vì trình độ ngoại ngữ thấp, những năm gần đây, nhiều trường ĐH tại TP HCM như Nông Lâm, Ngân hàng, Luật, Mở, Sư phạm Kỹ thuật đã đồng loạt áp dụng chuẩn ngoại ngữ đầu ra trình độ bậc 3 hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương đối với SV tốt nghiệp. Đây là một trong những lý do khiến nhiều SV không tốt nghiệp đúng hạn. Mỗi khóa tại Trường ĐH Mở TP HCM, tỉ lệ SV tốt nghiệp đúng hạn chỉ 40%-50%, khoảng 20% SV chưa tốt nghiệp vì chưa có chứng chỉ ngoại ngữ.
ThS Đào Đức Tuyên, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết nhằm tăng khả năng xin việc của SV sau khi ra trường, từ năm 2008, trường áp dụng thêm chuẩn đầu ra ngoại ngữ không chuyên tương đương trình độ bậc 3 đối với SV khi xét tốt nghiệp bậc ĐH hệ đào tạo chính quy.
“Đối với chuẩn này, số SV không đạt được chuẩn đầu ra ngoại ngữ nhiều hơn trước đây.Điều đó kéo theo tỉ lệ SV tốt nghiệp ra trường thấp hơn so với trước khi áp dụng chuẩn đầu ra này” - thầy Tuyên giải thích.
Theo PGS-TS Lê Sỹ Đồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, chuẩn đầu ra quy định mức TOEIC đạt 530 điểm cũng gây khó khăn cho nhiều SV, học để thi với chi phí khá đắt đỏ. Do đó, tỉ lệ SV thiếu chứng chỉ khi xét tốt nghiệp là đáng kể.
Dạy học ngoại ngữ vẫn xa chuẩn đầu ra
Thực tế cho thấy muốn nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong trường ĐH không phải là điều dễ dàng. Trong nhiều năm gần đây, quá trình đổi mới đào tạo ngoại ngữ vẫn là một bài toán nan giải. Việc giảng dạy trong các trường ĐH không chuyên ngữ chưa thể đáp ứng được nhu cầu đặt ra.
Các doanh nghiệp vẫn phàn nàn thời lượng đào tạo ngoại ngữ trong trường không đủ để 100% SV tốt nghiệp có trình độ mà xã hội yêu cầu. Trên thực tế, nhiều SV năm nhất có điểm bình quân ngoại ngữ chưa đạt đến 350 điểm TOEIC. Với mức điểm này, SV cần hơn 400 tiết đào tạo để đáp ứng được chuẩn đầu ra ngoại ngữ ở mức 400 đến 500 điểm TOEIC. Chương trình đào tạo trong trường ĐH chỉ giúp giảm khoảng cách với chuẩn đầu ra nhưng khó đạt chuẩn.
ThS Đào Đức Tuyên cho hay chương trình chính khóa của Trường ĐH Nông Lâm TP HCM hiện nay áp dụng học 7 tín chỉ ngoại ngữ, tương đương 105 tiết học trên lớp. Việc học tín chỉ này chỉ giúp SV giảm bớt khoảng cách với chuẩn đầu ra.
“Chương trình mới đòi hỏi nội dung tăng lên nhưng thời lượng đào tạo giảm đi. Như vậy, phải cân nhắc bớt và tăng nội dung gì khi thời gian chương trình đào tạo giảm xuống. Ngoài việc dạy ngoại ngữ cơ bản, nhà trường yêu cầu chỉ đào tạo ngoại ngữ chuyên sâu với điều kiện SV phải có trình độ căn bản tương đương TOEIC 350” - PGS-TS Lê Sỹ Đồng nêu thực tế. Ông cho rằng việc học ngoại ngữ như mưa dầm thấm lâu, không chỉ học một số tiết trên giảng đường mà SV phải học đầy đặn và có mục tiêu.
Theo đại diện các trường, một trong những lý do khiến SV không đạt được chuẩn ngoại ngữ đầu ra khi chương trình dạy trong nhà trường được đổi mới là do ý thức học tập và tự giác chưa cao. Nhiều SV có tâm lý chủ quan, đợi nước đến chân rồi mới nhảy.
Để tạo điều kiện cho SV đạt được chuẩn đưa ra, hầu hết các trường thực hiện việc kiểm tra, phân loại đầu vào ngoại ngữ đối với SV năm nhất chưa có chứng chỉ ngoại ngữ. Qua kiểm tra, phân loại, trường sẽ tiếp tục đào tạo và tư vấn cho SV ngay từ khi vừa bắt đầu.
Không nên áp dụng một loại chứng chỉ Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP HCM, cần cho SV tiếp cận chuẩn đầu ra ngay từ năm nhất để họ có sự chuẩn bị từ đầu; khuyến khích SV theo học các khóa tại những trung tâm song song với học các lớp đào tạo trong trường. PGS-TS Lê Sỹ Đồng cũng cho rằng không nên chỉ áp dụng một loại chứng chỉ ngoại ngữ. Nếu SV đã đạt được một loại chứng chỉ nào đó ở trình độ nhất định thì đối chiếu xem có tương đương với chuẩn ngoại ngữ của trường không, chỉ cần SV sau khi ra trường có vốn ngoại ngữ để áp dụng tốt cho công việc. |