Chúa Nguyễn nào xưng vương đầu tiên?
Ông được gọi là Võ vương, người đưa xã hội Đàng Trong phát triển đến đỉnh cao nhưng cuối đời lại có những việc làm mở đầu cho sự suy thoái của chính quyền họ Nguyễn.
Chúa Nguyễn là cách gọi chung trong sử sách và dân gian về một dòng họ đã cai trị dải đất từ Thuận Hóa (phía nam đèo Ngang hiện nay) vào miền nam của Việt Nam, bắt đầu từ đầu giai đoạn Lê Trung hưng của nhà Hậu Lê, hay giữa thế kỷ XVI, cho đến khi bị nhà Tây Sơn tiêu diệt năm 1777. Các chúa Nguyễn là tổ tiên của các vua nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê và lập ra nhà Mạc. Nguyễn Kim (1468 - 1545), vốn là một tướng giỏi của nhà Hậu Lê, nhờ có công giúp vua Lê chống lại nhà Mạc nên được phong chức Thái sư Hưng Quốc công (sau này khi nhà Nguyễn thành lập đã truy tôn ông là Triệu tổ Tĩnh hoàng đế).
Nguyễn Kim có ba người con. Con gái đầu tên Ngọc Bảo, lấy Trịnh Kiểm, người sau này trở thành người mở đầu cho sự nghiệp của các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài; hai người con trai kế của Nguyễn Kim cũng là tướng giỏi và được phong chức Quận công.
Sau khi người con trai lớn là Nguyễn Uông bị anh rể là Trịnh Kiểm giết, người con trai còn lại là Nguyễn Hoàng đã xin vua Lê cho vào cai trị vùng đất Thuận Hóa để rời xa sự kiểm soát của anh rể, nhằm mưu đồ tạo dựng cơ nghiệp riêng cho họ Nguyễn.
Các chúa Nguyễn về danh nghĩa là quan của Nhà Lê Trung hưng, nhận sắc phong và dùng niên hiệu của vua Lê, giúp vua Lê cai quản vùng lãnh thổ phía nam. Nhưng trên thực tế họ cai trị lãnh thổ Đàng Trong một cách tương đối độc lập với vua Lê. Tổng cộng có 9 chúa Nguyễn cai quản xứ Đàng Trong trong hơn 2 thế kỷ cho tới khi bị lật đổ vào năm 1777.
Sáng 30/4/1975, chiếc xe tăng T59-390 húc đổ cổng chính dinh Độc Lập, đánh dấu thắng lợi vang dội của cuộc tổng tiến...