Chốt phương án thi THPT Quốc gia trên máy tính và trên giấy từ sau năm 2020

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, phương án thi THPT quốc gia từ năm 2021 – 2025 là kết hợp thi trên giấy và máy tính, nhưng sẽ thi trên máy tính nhiều hơn.

Ngày 25/9, Bộ GD&ĐT đã báo cáo đề xuất phương án thi sau năm 2020.

Cụ thể, từ năm 2021 - 2025, học sinh sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GDĐT thì được Hiệu trưởng trường THPT (hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp Bằng tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia Kỳ thi THPT quốc gia.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Xuân Phú - GDTĐ) 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Xuân Phú - GDTĐ) 

Về phương án thi, Bộ GD&ĐT đề xuất, tổ chức thi trên giấy như hiện nay và đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo qui định của Bộ GDĐT.

Kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định, qua quá trình đổi mới, phương thức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã tương đối hoàn thiện. Kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019 được ghi nhận và năm 2020 cơ bản vẫn giữ ổn định theo phương án này.

“Để thực hiện thi trên máy cần trước hết là ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phải tăng cả về số lượng và chất lượng. Dù công nghệ tốt, nhưng quản lý không tốt có thể lại là kẽ hở cho tiêu cực. Do đó, cần quan tâm chuẩn bị cả đội ngũ khảo thí ”, Bộ trưởng GD & ĐT nói.

Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là tham mưu Chính phủ chuẩn bị phương án thi, tuyển sinh cho năm 2021-2025, chuẩn bị căn cơ, thận trọng, có lộ trình bước đi chắc chắn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận lại quá trình đổi mới thi, các ý kiến thống nhất khẳng định đổi mới là cần thiết và đã có lộ trình thận trọng.

Về xây dựng phương án thi cho giai đoạn sau năm 2020, các ý kiến đều cho rằng, phương án thi hiện nay cơ bản là tốt, nên tiếp tục, nhưng có cải tiến cần thiết để phù hợp với lộ trình tự chủ ĐH, đổi mới dạy học ở phổ thông, đổi mới công tác dạy nghề, phân luồng và xa hơn nữa là đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế để làm giảm sự can thiệp không cần thiết của con người.

“Cần làm chắc chắn, nhưng cũng phải rất tích cực. Phải chuẩn bị kĩ trước khi lấy ý kiến góp ý rộng rãi” – Phó Thủ tướng lưu ý.

Với việc thi trên máy tính, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có lộ trình để thực hiện trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho học sinh; làm thận trọng trên quy mô nhỏ để đánh giá và có lộ trình mở rộng dần.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngân hàng đề thi phải làm tích cực hơn, làm sao huy động được nhiều nguồn lực cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi; nhưng không vì ngân hàng câu hỏi mà trì hoãn việc tổ chức thi trên máy.

Ông Nguyễn Thanh Long – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – đồng tình có lộ trình phù hợp áp dụng thi trên máy tính; đồng thời cho rằng cần sớm hoàn chỉnh ngân hàng đề thi và có cập nhật, bổ sung hàng năm. Lộ trình đổi mới, hoàn thiện kỳ thi cần được công bố để người dân hiểu rõ.

Sau năm 2020, thí sinh có thể sẽ thi THPT trên máy tính

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) báo cáo dự kiến phương án tổ chức thi, xét công nhận...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN