Chốt phương án thi 2 đợt tốt nghiệp THPT: Tuyển sinh ĐH thế nào?

Hôm qua, 3/8, Bộ GD&ĐT chính thức chốt kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới thành 2 đợt để đảm bảo quyền lợi, an toàn sức khỏe cho thí sinh vùng dịch COVID-19. Vậy các trường Đại học (ĐH) sẽ tuyển sinh như thế nào?

Thí sinh dự thi môn địa lý, lịch sử, GD công dân tại điểm thi THPT Việt Đức sáng ngày 27/6/2019. Ảnh: Như Ý

Thí sinh dự thi môn địa lý, lịch sử, GD công dân tại điểm thi THPT Việt Đức sáng ngày 27/6/2019. Ảnh: Như Ý

Ông Bùi Viết Toàn, Phó trưởng Phòng Đào tạo (Trường ĐH Hà Nội) cho biết, sau khi có phương án của Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, tính toán có bao nhiêu thí sinh xét tuyển vào trường tham gia thi tốt nghiệp đợt 2, để từ đó, nhà trường sẽ có biện pháp cụ thể. Vì Bộ tổ chức 2 đợt thi nên trường có thể sẽ tuyển sinh nhiều đợt hoặc tuyển sinh bổ sung.

PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định, tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 việc xét tuyển của các trường ĐH sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và thuận lợi cho thí sinh. Khi Bộ GD&ĐT tổ chức thi thành 2 đợt, trường đã có phương án điều chỉnh thích ứng. PGS.TS Trần Trung Kiên cho biết, trường sẽ không thay đổi chỉ tiêu tuyển sinh.

Tuy nhiên, sẽ căn cứ vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển từng địa phương hằng năm, số liệu đăng ký dự thi năm nay của thí sinh để “dành” chỉ tiêu cho những thí sinh vùng dịch phải thi đợt sau. Với tình hình hiện tại chỉ Đà Nẵng, Quảng Nam phải thi đợt 2, qua dữ liệu tuyển sinh các năm cho thấy số lượng thí sinh ở thành phố này trúng tuyển vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội rất ít nên không ảnh hưởng nhiều. 

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến có một đợt kiểm tra tư duy sau khi thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp. Trong trường hợp có nhiều biến động do dịch, trường có thể dừng kỳ kiểm tra tư duy. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, đã dự trù các phương án phù hợp tình hình thực tế. Thí sinh đã đăng ký xét tuyển xong trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, nhà trường căn cứ tình huống cụ thể để chờ kết quả thi đợt 2 rồi xét tuyển hoặc chia thành hai đợt tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

“Bộ GD&ĐT phải liên tục theo dõi và tham mưu cho Chính phủ quyết sách phù hợp với từng thời điểm vì dịch bệnh diễn biến khó lường; không nên đưa ra một quyết định cứng nhắc mà cần căn cứ vào thực tiễn từ nay đến khi diễn ra kỳ thi. Sức khỏe và an toàn tính mạng của thí sinh, giáo viên và cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu trong bất kỳ quyết định nào liên quan đến kỳ thi”.  Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,  Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

“Do kỳ thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt, nên nhà trường dành một số chỉ tiêu cho thí sinh ở những vùng có dịch, không thi được đợt 1. Việc xét học bạ của trường vẫn diễn ra bình thường. Quảng Nam và Đà Nẵng có khoảng 500 thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường khi hai địa phương này thi tốt nghiệp đợt 2, trường chỉ giữ lại chỉ tiêu căn cứ vào dữ liệu đăng ký”, ông Dũng nói. 

TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH FPT cho biết, Hội đồng tuyển sinh nhà trường họp thống nhất dành chỉ tiêu cho các thí sinh thi THPT đợt sau. Số lượng chỉ tiêu cụ thể sẽ được tính theo chỉ tiêu 2020 của trường và dựa trên phân bố thí sinh nhập học các năm trước từ các khu vực chưa thi đợt 1.

Công bằng nào cho thí sinh?

 Kỳ thi tốt nghiệp THPT chia thành 2 đợt đã đặt ra vấn đề công bằng nào cho thí sinh tại những địa phương này. Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, các trường ĐH đều có cơ sở dữ liệu, có thể phân tích và dự báo số lượng thí sinh trúng tuyển cho từng địa phương? Dựa trên số liệu đó, các trường có thể tuyển sinh và để lại cơ số dự phòng. 

Phát biểu tại phiên họp của Thường trực Chính phủ với các địa phương về chống dịch COVID-19, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, việc bảo đảm an toàn với học sinh không khó vì trong một địa phương sẽ biết em nào là F0, em nào là F1. Nhưng ông cho rằng, khó là lực lượng giáo viên của các trường ĐH đến giám sát và hỗ trợ thi. 

“Chúng ta có 2 đợt thi, khi nào thi đợt 1, khi nào thi đợt 2 cần rất rõ ràng. Mấy ngày tới, có thể 1, 2 địa phương có xuất hiện dịch, dựa vào tiêu chí nào để làm?”, ông Bình khuyến nghị. 

Ông Phan Thanh Bình cho rằng Luật Giáo dục không bắt buộc phải thi tốt nghiệp THPT quốc gia, việc thi do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định và hằng năm có thông tư hướng dẫn. Luật cũng không quy định đặc cách tốt nghiệp nên vấn đề đặc cách là không thể được, nhưng Bộ trưởng có thể quyết định nội dung và phương thức thi.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ tướng Chính phủ nhất trí với phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT thực hiện đúng Luật Giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN